Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những trang sách không già

"Già sao cho sướng?" tập hợp các bài viết cần thiết cho những ai quan tâm đến cuộc sống khi về già và của những người già.

Sách do Phương Nam và NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành. Ảnh: L.Điền.

Bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc vừa nhắc lại định nghĩa của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) về chất lượng cuộc sống trong quyển sách mới nhất của ông: Chất lượng cuộc sống (quality of life) được định nghĩa là “những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ”.

Đây là một nội dung được tác giả đưa vào tập sách với nhan đề dành cho những người già: Già sao cho sướng?, nhưng thật ra các vấn đề về sức khỏe, về chất lượng sống, về thực tập để có một cuộc sống an lạc cho mình và giúp đỡ người thân cao tuổi của mình... là câu chuyện của nhiều người ở nhiều độ tuổi.

Già sao cho sướng? tập hợp các bài viết cần thiết cho những ai quan tâm đến cuộc sống về già và của những người già. Bằng cách hệ thống và đưa ra các chỉ số đo đạc chất lượng cuộc sống của người già như về thể chất, tâm lý, tính độc lập... tác giả hướng dẫn cách bảo đảm sao cho tuổi già mà giữ được chất lượng cuộc sống vẫn ổn định.

Hoặc như các trường hợp, các điều kiện để tuổi già thường có hạnh phúc mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đúc kết được: chấp nhận mình, gần gũi người dễ thương, có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên, được sắp xếp cuộc sống riêng, không bị áp đặt, tài chính tự chủ, nhà ở an toàn, môi trường thuận lợi...

Và còn rất nhiều lời khuyên ứng phó với các chứng đau, các loại bệnh, những thói tật người già thường phát sinh... mà sự cảm thông, hiểu biết và chia sẻ lại cần đến cả xã hội.

Đỗ Hồng Ngọc cũng dung dị hóa những vấn đề của người già với cách trình bày dễ hiểu, hóm hỉnh, như dẫn lại bài thơ của cụ bà Như Không vịnh tuổi già từng nổi tiếng tại miền Nam trước năm 1975, trong đó có hình ảnh rất thú vị: “Ăn uống vãi rơi làm họ bực/Ra vào đụng chạm thấy mình dư”.

Vâng, người già mang mặc cảm “thấy mình dư” như vậy, và sẽ càng trầm trọng hơn nếu không được chia sẻ. Và, viết sách để tâm sự với người già trong lúc mình cũng đã... già, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc hẳn sẽ không bao giờ “thấy mình dư” như trong ý thơ kia.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20150810/nhung-trang-sach-khong-gia/899163.html

Theo Lam Điền/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm