Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những trận chiến ác liệt nhất Thế chiến II

Trong 6 năm Chiến tranh Thế giới thứ hai diễn ra, tổng số binh sĩ tử vong của quân đội phe Đồng minh và Phát xít đến hơn 70 triệu người.

Lính thủy đánh bộ Mỹ trên chiến trường ở đảo Okinawa vào tháng 5/1945. Ảnh: Wikipedia
Lính thủy đánh bộ Mỹ trên chiến trường ở đảo Okinawa, Nhật Bản, tháng 5/1945. Ảnh: Wikipedia

Chiến sự ở Okinawa

Dù phần lớn các trận chiến trong Thế chiến II diễn ra ở châu Âu và Liên Xô, đảo Okinawa ở Nhật vẫn là một trong những chiến trường ác liệt nhất. Okinawa là một địa điểm chiến lược của phát xít Nhật mà quân đội Mỹ tấn công.

Trận chiến diễn ra ở ba mặt trận: đất liền, trên không và trên biển. Lính Mỹ đổ bộ đảo vào tháng 3/1945. Ban đầu quân đội Mỹ chiếm nhiều ưu thế nhưng việc quân đội Nhật đáp trả dữ dội khiến cuộc chiến giữa hai bên kéo dài đến cuối tháng 6/1945.

Hơn 100.000 binh sĩ Nhật và 12.000 lính Mỹ thiệt mạng trong trận chiến. Con số này chưa bao gồm hàng chục nghìn binh sĩ thương.

Đổ bộ Normandy

Lính Mỹ đổ bộ bờ biển ở Normandy ngày 6/6/1944. Ảnh: Wikipedia
Lính Mỹ đổ bộ bờ biển ở Normandy ngày 6/6/1944. Ảnh: Wikipedia

Một trong những sự kiện nổi bật trong Thế chiến II là ngày quân Đồng minh đổ bộ bờ biển ở Normandy, miền bắc nước Pháp. Trước đó, quân Đức Quốc xã đang chiếm đóng tại đây. Chiến thắng ở Normandy là một cột mốc quan trọng trong thắng lợi của quân Đồng minh.

Rạng sáng 6/6/1944, quân Đồng minh sử dụng máy bay yểm trợ trên không để dội bom các điểm đóng quân của phát xít Đức. Dù thời điểm đổ bộ sai với tính toán của lính Đức, họ đã chuẩn bị các kế hoạch đối phó.

Sau nhiều tháng giao tranh, quân đội Đồng minh kiểm soát Normandy vào cuối tháng 8/1944. Hai bên gánh chịu thương vong đáng kể: 30.000 lính Đức thiệt mạng, 80.000 người bị thương và hàng chục nghìn người khác mất tích. Trong khi đó, hơn 45.000 lính thuộc phe Đồng minh tử trận và hàng chục nghìn người bị thương.

Trận Bulge

Lính Mỹ di chuyển một xe tăng trong quá trình chiếm thị trấn St. Vith trong trận chiến Bulge. Mỹ kiểm soát thị trấn này vào ngày 23/1/1945. Ảnh: Wikipedia
Lính Mỹ di chuyển một xe tăng trong quá trình chiếm thị trấn St. Vith trong trận chiến Bulge. Mỹ kiểm soát thị trấn này vào ngày 23/1/1945. Ảnh: Wikipedia

Sau khi đổ bộ Normandy, quân Đồng minh tiến về Bỉ. Họ cho rằng lực lượng phòng thủ của Đức Quốc xã tại đây đã suy yếu. Tuy nhiên, quân phát xít đã chống trả quyết liệt khi quân Đồng minh tiến qua cánh rừng nước Bỉ trong mùa đông lạnh giá năm 1944.

Tháng 12/1944, phi đội yểm trợ của phe Đồng minh phải ngưng hoạt động do thời tiết xấu. Lính của Hitler tận dụng cơ hội này để phản công. Trong khoảng vài tuần, quân đội Đức Quốc xã vượt lên và đẩy lùi đối phương.

Tuy nhiên, cục diện đổi chiều vào dịp Giáng sinh. Đến giữa tháng 1/1945, quân Đồng minh đã tiến tới địa điểm quan trọng là khu rừng Ardenes. Những chiến thuật sai lầm của Hitler tiếp tục dẫn đến thất bại của quân phát xít.

Trận Bulge là một trong những trận chiến thương vong cao đối với lính Mỹ. Khoảng 19.000 binh sĩ nước này thiệt mạng, hơn 70.000 người khác bị thương và mất tích. Trong khi đó, quân đội Đức cũng chịu thiệt hại nặng nề với khoảng 85.000 - 100.000 lính chết và bị thương.

Trận Stalingrad

Một người lính Liên Xô vẫy cờ tại tòa nhà trung tâm Stalingrad năm 1943. Ảnh: Wikipedia
Một người lính Liên Xô vẫy cờ tại tòa nhà trung tâm Stalingrad năm 1943. Ảnh: Wikipedia

Giữa năm 1942, Đức Quốc xã bắt đầu đánh vào thành phố Stalingrad (nay là thành phố Volgograd của Nga). Đây không chỉ là cơ sở tiếp viện quân sự quan trọng mà còn là cứ điểm chiến lược trong âm mưu xâm lược Liên Xô của quân phát xít.

Khi phát động tấn công, quân đội Đức triển khai các máy bay ném bom và lực lượng tấn công mặt đất gồm 150.000 binh sĩ cùng 500 xe tăng. Các chỉ huy Đức Quốc xã nghĩ rằng họ có thể chiến thắng dễ dàng. Tuy nhiên, những người lính Hồng quân kiên cường chống trả để bảo vệ thành phố. 

Giao tranh giữa hai bên kéo dài khoảng 5 tháng. Đến tháng 11/1942, binh sĩ Liên Xô mở cuộc phản kích quan trọng và đẩy lùi đối phương. Mệt mỏi sau nhiều tháng chiến đấu, phần lớn lính Đức đã đầu hàng trước tháng 2/1943, dù hành động này ngược lại mệnh lệnh của Hitler.

Stalingrad là mặt trận quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho phe Đồng minh. Tuy nhiên, quân đội Liên Xô chịu tổn thất nhiều hơn đối phương. Con số thương vong của Khối Trục khoảng 850.000 binh sĩ (tử trận, bị thương hoặc bị bắt). Trong khi đó, quân đội Liên Xô ghi nhận khoảng 480.000 binh sĩ thiệt mạng và hơn 650.000 người bị thương.

900 ngày bao vây Leningrad

Chiến dịch vây hãm Leningrad (nay là St. Petersburg) của phe Phát xít bắt đầu từ tháng 9/1941 đến tháng 1/1944. Để bảo vệ thành phố quan trọng này, Liên Xô huy động cả thường dân tham gia canh gác các phòng tuyến trước xe tăng của Đức Quốc xã.

Sau gần 3 năm chiến đấu, quân, dân Liên Xô đã phá vỡ kế hoạch thôn tính thành phố. Leningrad trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm và không thể đánh bại của Liên Xô.

Tuy nhiên, Liên Xô cũng phải gánh tổn thất đáng kể. Khoảng 1 triệu người ở Leningrad thiệt mạng (vì nhiều nguyên nhân, như chết vì bom đạn, hoặc vì đói, rét trong những năm đối mặt với sự phong tỏa của lính Đức), 2 triệu người khác bị thương và bệnh tật. Trong khi đó, 580.000 lính Đức thiệt mạng và bị thương sau trận chiến.

Hồng quân Liên Xô lần đầu đánh bại phát xít Đức ra sao?

Năm 1941, lực lượng phát xít Đức dường như là bất khả chiến bại, nhưng chính những người lính Liên Xô tham gia vào trận chiến bảo vệ Moscow đã phá tan ảo ảnh đó.

 

Các mốc quan trọng trong Thế chiến thứ hai

Mọi lục địa trên thế giới đều chịu ảnh hưởng từ Thế chiến II, cuộc xung đột thảm khốc giữa lực lượng Đồng minh và phe Trục, từ năm 1939 tới 1945.

Cuộc tấn công Ba Lan

Kỵ binh và xe cơ giới của quân đội Đức tiến vào Ba Lan năm 1939. Ảnh: Wikipedia
Kỵ binh và xe cơ giới của quân đội Đức tiến vào Ba Lan năm 1939. Ảnh: Wikipedia

Ngày 1/9/1939, Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Ba Lan từ phía tây. Cuộc tấn công Ba Lan năm 1939 là trận chiến mở đầu Thế chiến II. Tình hình khiến Pháp và các nước đồng minh của Ba Lan như Anh, Australia, New Zealand tham gia liên minh tuyên chiến với Đức vào tháng 9/1939.

Sau sự kiện này, 65.000 binh sĩ Ba Lan thiệt mạng và hơn 130.000 người bị thương. Con số tương ứng đối với quân đội Liên Xô là hơn 730 người chết hoặc mất tích, khoảng 1.120 người bị thương. Quân đội Đức ghi nhận hơn 16.300 lính bỏ mạng ở chiến trường Ba Lan và khoảng 27.000 binh sĩ bị thương. 

Chiến dịch Bagration

Bagration là chiến dịch tấn công chiến lược của quân đội Liên Xô diễn ra từ 23/6/1944 đến 29/8/1944, nhằm đánh bật lính Đức ra khỏi khu vực đông Liên Xô và Ba Lan.

Quân đội phát xít phải đối phó với đội quân Đồng minh tiến công từ nước Pháp, trong khi Hồng quân Liên Xô tràn về từ Ba Lan. Đối với Đức Quốc xã, thất bại trong chiến dịch Bagration là "trận thua thảm hại nhất trong toàn bộ Thế chiến II".

Theo Sputnik, quân đội Đức mất 350.000 binh sĩ sau chiến dịch, 160.000 tù binh thiệt mạng khi tới trại giam. Chiến dịch Bagration cũng là chiến thắng vĩ đại nhất của Liên Xô suốt giai đoạn Thế chiến II. Tuy nhiên, khoảng 750.000 người lính Hồng quân đã thiệt mạng ở chiến trường.

Giao tranh trên đảo Iwo Jima

Lính Mỹ chĩa pháo nhằm vào các cứ điểm của phát xít Nhật gần núi Suribachi trên đảo Iwo Jima. Ảnh: Wikipedia
Lính Mỹ chĩa pháo nhằm vào các cứ điểm của phát xít Nhật gần núi Suribachi trên đảo Iwo Jima. Ảnh: Wikipedia

Trận chiến trên đảo Iwo Jima bắt đầu từ ngày 19/2/1945 và kéo dài hơn một tháng. Quân đội Nhật nhanh chóng chứng tỏ với Mỹ rằng họ là một đội quân chuyên nghiệp và đáng gờm. 

Quân đội Nhật tham chiến với gần 22.000 binh sĩ. Phần lớn họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chỉ còn 216 người trở thành tù binh của đối phương. Quân đội Mỹ cũng chịu tổn thất đáng kể với 26.000 lính thiệt mạng và bị thương. Trận chiến ở Iwo Jima là lần duy nhất trong Thế chiến II mà thương vong của Mỹ cao hơn quân đội Nhật.

Trận chiến ở Berlin

Mùa xuân năm 1945, quân đội Liên Xô tiến về Berlin. Vì không muốn đầu hàng, Hitler đã cố thủ trong hầm và điều hành kế hoạch chống cự cuối cùng. Nhờ bộ máy tuyên truyền hiệu quả của Đức Quốc xã, người dân Đức tin rằng họ chỉ có lựa chọn duy nhất là chiến đấu với quân Liên Xô đến cùng.

Khi Hồng quân bao vây Berlin, Hitler đã kịp huy động lực lượng phòng thủ, dân quân, cảnh sát và cả những thiếu niên cho trận chiến cuối. Lực lượng Đức Quốc xã bao gồm khoảng 300.000 người, không thể so sánh với quân đội Liên Xô với hàng triệu binh sĩ.

Ngày 20/4/1945, Liên Xô pháo kích các mục tiêu ở Berlin. Chỉ vài ngày sau, họ tiến vào trung tâm Berlin và chiếm quyền kiểm soát thành phố.

Trận chiến Berlin chính thức kết thúc ngày 2/5/1945. Hitler và tình nhân đã tự kết liễu cuộc đời trong một căn hầm. Gần 250.000 lính Đức thiệt mạng trong trận chiến Berlin, trong khi quân đội Liên Xô tổn thất 70.000 binh sĩ.

Hình ảnh đáng nhớ trong những ngày cuối của Thế chiến II

Đức ký hiệp định đầu hàng quân Đồng minh, trẻ em trong trại tập trung ở Đức vẫy chào binh sĩ Mỹ là những cảnh tượng khó quên trong những ngày cuối của Đại chiến Thế giới thứ hai.

Bên trong hầm bí mật Hitler và tình nhân tự sát

Vào ngày sụp đổ của Đế quốc thứ 3, Adolf Hitler và tình nhân tự sát trong căn hầm ở Berlin, Đức vì trùm phát xít không muốn đầu hàng quân Đồng minh.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm