Hồng quân Liên Xô bảo vệ Moscow năm 1941. Ảnh: RIA Novosti |
Kênh RT đã tái hiện lại trận đánh tại Moscow qua lời kể của các nhân chứng, các cựu chiến binh Liên Xô. Theo đó, từ tháng 10/1941, trùm phát xít Adolf Hitler đã mở chiến dịch tấn công vào Moscow mang tên Bão tố. Mục tiêu của chiến dịch là nghiền nát Moscow bằng 2 cánh tấn công đồng thời từ phía bắc và nam.
Tuy nhiên, quân đội của Hitler đã vấp phải sự phản kháng dữ dội từ những người lính Liên Xô, khiến ý định đánh nhanh, thắng nhanh phá sản. Cuộc chiến Moscow kéo dài cho tới tận tháng 1/1942, với kết quả là quân đội phát xít Đức lần đầu bại trận.
Đây là một trong những trận chiến đẫm máu, chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, về sau được xem như điểm quyết định giúp xoay chuyển cục diện trong cuộc chiến chống phát xít.
Ký ức về cuộc chiến đó vẫn còn tươi nguyên trong tâm trí của cựu chiến binh Gennady Drozdov, 98 tuổi. Thời ấy, ông là lính trong Trung đoàn súng cối cận vệ số 4.
"Tháng 12/1941, khi cuộc chiến ở Moscow vẫn đang diễn ra, chúng tôi đã thực hiện một cuộc đột kích vào vùng hậu phương của lính phát xít Đức. Chúng tôi tiến rất gần tới mức có thể nhìn rõ vị trí lính đối phương, các khẩu súng máy và những người lính điều khiển súng. Theo chỉ dẫn của chúng tôi, trung đoàn đã bắn một loạt cối. Các quả đạn bay qua đầu chúng tôi tới mục tiêu. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và trở lại căn cứ", ông Drozdov nói với RT.
Thời tiết dường như ủng hộ lính Liên Xô, do mùa thu mang tới các cơn mưa dữ dội, còn mùa đông là nhiệt độ lạnh cóng. Những yếu tố này khiến lính phát xít bất ngờ.
Thời tiết giá lạnh ở Moscow khiến Phátxít Đức bất ngờ. Ảnh: Wiki |
Khi cuộc chiến diễn ra, cư dân Moscow phải chịu đựng mọi sự kinh hoàng của chiến tranh: cái đói, lạnh, nỗi đau vì mất gia đình, người thân". Đó là những điều mà các nhân chứng như Rimma Grachyova từng trải qua. Khi ấy bà mới 7 tuổi và vẫn nhớ rõ về cuộc chiến.
"Kinh hãi nhất là các cuộc ném bom - hoạt động ném bom ban ngày diễn ra liên tục, không ngớt. Đầu tiên chúng tôi lánh nạn trong ga tàu điện ngầm Park Kultury, nằm cách nhà không xa. Rồi gia đình quyết định rằng nếu số phận buộc mình phải chết, chúng tôi sẽ chết cùng nhau và không chạy trốn nữa. Gia đình tôi có 5 đứa trẻ", bà kể.
"Chúng tôi đã giúp đỡ mặt trận một cách tích cực nhất có thể. Chúng tôi gom sắt vụn, tham gia đan tất cùng những người lớn. Chúng tôi còn viết thư và hát cho những người bị thương trong bệnh viện," bà Grachyova, nay đã 80 tuổi, kể về trải nghiệm thời thơ ấu.
Gần 1 triệu người lính Liên Xô đã chết trong cuộc chiến bảo vệ Moscow và tại các chiến dịch phản công diễn ra sau đó. Kết cục của Cuộc chiến Moscow là lính Đức phải rút lui gần 200 km, rời xa khỏi thủ đô Nga. Đây là thất bại đầu tiên, phá tan danh tiếng của quân đội phát xít Đức, như một đạo quân bất khả chiến bại.