Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Không thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tự ý dùng thuốc hay lạm dụng đồ nhựa là những thói quen gây hại đến sức khỏe của con người.

Có bao nhiêu % trong các bạn chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và có Quỹ sức khỏe hàng năm?

Khi khám bệnh, bác sĩ thường tư vấn bệnh nhân nên chủ động đi nội soi đường tiêu hóa, khám sản phụ khoa, chụp X-quang phổi, siêu âm kiểm tra các cơ quan bộ phận định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, không ít lần bệnh nhân cho biết: “Hiện không thấy có triệu chứng gì nên tôi chưa muốn đi kiểm tra”.

Khi còn những suy nghĩ như vậy thì bệnh tật dễ ở giai đoạn nặng nề và muộn màng lắm, các bạn ạ. Bác sĩ lấy ví dụ với những khối u đường tiêu hóa, đợi đến lúc ăn không ngon miệng, gầy sút cân, đi ngoài phân đen thậm chí là tắc ruột thì khối u đã phát triển hàng năm rồi, bệnh đã ở giai đoạn muộn lắm rồi.

Sự thành công của điều trị chủ yếu dựa vào việc dự phòng cũng như chủ động đi tầm soát, kiểm tra và phát hiện tổn thương giai đoạn sớm.

Thậm chí, ở một số nước phát triển, người ta còn chủ động cắt dạ dày khi có những tổn thương nguy cơ ung thư hóa cao, hoặc chủ động phẫu thuật cắt vú khi bệnh nhân có tiền sử gia đình và hệ gen nguy cơ cao mắc ung thư vú.

Thành lập Quỹ sức khỏe gia đình hàng năm khác với tích tiền để đề phòng lúc ốm đau, bệnh tật, các bạn nhé!

Tích tiền để đề phòng lúc ốm đau nghĩa là chúng ta luôn ở thế bị động, chấp nhận khi có bệnh xảy đến, chúng ta lấy số tiền đó đi chữa trị.

Ai cũng hiểu rằng đợi bệnh xảy đến rồi đi chữa nghĩa là ta đang giải quyết khúc cuối của con đường bệnh tật, rất tốn kém nhưng nhiều lúc còn không cứu được mạng sống.

Với Quỹ sức khỏe gia đình, mỗi năm ta chủ động trích một số tiền nhất định đi kiểm tra, bảo dưỡng, chủ động “đi tắt, đón đầu” bệnh tật và giải quyết nó khi còn trong trứng nước, hiệu quả chữa trị cao và chi phí ít hơn, phải không các bạn? […]

Dùng thuốc chữa bệnh thiếu kiểm soát

Xin các bạn hiểu, thuốc Tây là hóa chất tổng hợp […]. Còn thuốc Nam, thuốc lá, thuốc gia truyền đều có rất nhiều thành phần pha trộn, hàm lượng chúng ta càng không thể kiểm soát.

Thêm nữa, mọi người thường rất nhanh lựa chọn uống thuốc chữa bệnh ngay khi có triệu chứng, trong khi việc thăm khám chẩn đoán chưa được thực hiện, hệ quả là lúc đến khám, người thầy thuốc hỏi bị bệnh gì cũng không biết dù đã dùng thuốc mấy hôm rồi.

Đây là vấn đề nhức nhối hiện nay. Trước khi chữa trị, điều đầu tiên cần biết đó là chúng ta đang bị bệnh gì, đây là nguyên tắc bắt buộc đầu tiên, các bạn ạ. Chưa biết bệnh gì thì chữa làm sao?

Có không ít bệnh nhân đến phòng khám kêu than vì đau cột sống, đi chữa trị khắp nơi nhưng không đỡ, nhưng khi bác sĩ hỏi bác bị bệnh gì, phim ảnh chụp đâu rồi thì chỉ nhận lại được câu trả lời ú ớ, phim chưa chụp hoặc chỉ đưa ra vài tấm X-quang đơn giản đã chụp từ lâu.

Trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ khuyên mọi người nên hỏi những câu này với nhân viên y tế: Tôi bị bệnh gì? Mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng của bệnh đến sức khoẻ? Các hướng điều trị và tiên lượng? Thuốc và giải pháp điều trị có những ưu, nhược điểm, nguy cơ gì?

Nếu thấy mọi thứ rõ ràng và tin tưởng, chúng ta mới bắt đầu quá trình chữa trị, các bạn nhé!

Mỗi ngày, chúng ta đang tiếp xúc quá nhiều đồ nhựa

Cùng với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm, thì lạm dụng nhựa trong cuộc sống cũng đang vô tình làm sức khỏe của chúng ta giảm sút nghiêm trọng.

Túi nylon đựng xôi, đựng nước canh, đựng bún; bát nhựa đựng đồ ăn ở nhà, hộp nhựa bảo quản thực phẩm, ống hút nhựa; chưa kể đến đồ nhựa chúng ta tiếp xúc hàng ngày qua áo quần, giầy dép, bàn chải đánh răng, bàn, ghế ngồi…

Bác sĩ từng chia sẻ nghiên cứu của giáo sư người Hà Lan về hạt bụi nhựa, khi tiếp xúc, sử dụng đồ nhựa thì những hạt bụi nhựa li ti sẽ vào cơ thể chúng ta và gây ra những rối loạn, tổn thương không thể sửa chữa.

Chính vì vậy, bác sĩ khuyên các bạn, đẳng cấp thì sử dụng đồ sứ, thủy tinh; dân dã thì sành, sứ, túi vải, túi cói, túi mây đan, túi giấy, nắm lá chuối và tuyệt đối không dùng đồ nhựa để đựng và bảo quản thực phẩm, các bạn nhé!

Trần Quốc Khánh/ Thái Hà Books và NXB Công thương

SÁCH HAY