Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Đức để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: CNN |
Bất ổn Ukraine và kế hoạch trừng phạt Nga
Ngày 7/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Đức để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/6. Trong hội nghị năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục không tham dự vì bất ổn chính trị Ukraine, CNN đưa tin.
Trong một khách sạn ở trên dãy núi Alps thuộc bang Baravia, Obama sẽ thúc giục các đối tác châu Âu mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, cố làm suy yếu đồng Rúp và gia tăng sự bất mãn trong xã hội Nga. Mỹ và phương Tây luôn đổ lỗi cho Moscow vì tình trạng bất ổn chính trị ở quốc gia láng giềng Ukraine.
Tuy nhiên, chính Nhà Trắng cũng thừa nhận các biện pháp mà Mỹ và phương Tây đang theo đuổi không thể xoa dịu tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine, nơi hàng ngàn người chết trong các cuộc giao tranh giữa quân đội của chính quyền thân phương Tây và lực lượng ly khai.
Hiện tại, Obama chưa sẵn sàng chấp thuận viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. Trong tháng trước, Phó tổng thống Joe Biden cho biết, các thành viên cấp cao trong chính quyền Obama - bao gồm tân bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey - công khai ủng hộ kế hoạch này.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu do Thủ tướng Đức Angela Merkel dẫn đầu kịch liệt phản đối kế hoạch của Mỹ. Họ cho rằng, vũ khí sát thương không giải quyết tình hình bất ổn Ukraine mà còn khiến bạo lực leo thang. Tổng thống Obama đã lên kế hoạch gặp Thủ tướng Merkel trong ngày 7/6.
Theo Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo sẽ không bàn tới vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine trong hội nghị của G7. Trọng tâm của hội nghị vẫn là thắt chặt lệnh trừng phạt Nga. Charles Kupchan, cố vấn cấp cao của Obama về các vấn đề châu Âu, cho biết: “Chúng tôi luôn luôn khẳng định G7 sẽ ủng hộ và đẩy mạnh việc giải quyết khủng hoảng Ukraine thông qua các kênh ngoại giao”.
Hiện tại, Hiệp định Hòa bình Minsk đang lung lay. Các bên vẫn tiếp tục giao tranh, gồm cả việc sử dụng vũ khí hạng nặng. Trận đấu pháo xảy ra gần thành phố Donetsk hôm 3/6 là trận chiến tồi tệ nhất kể từ các bên ký hiệp định.
Giới chức Mỹ hy vọng giao tranh ở miền đông Ukraine sẽ thúc đẩy giới lãnh đạo châu Âu mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga. Mục đích chính của phương Tây là sử dụng áp lực kinh tế buộc Tổng thống Putin thay đổi chiến lược.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đang tìm cách đối đầu với bất ổn kinh tế bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, sẽ họp riêng vào cuối tháng để quyết định duy trì hay bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Giới chuyên gia từng khẳng định, trừng phạt Moscow là con dao hai lưỡi đối với EU.
Cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria
Ngoài vấn đề Ukraine, sự lộng hành của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria cũng sẽ trở thành nội dung Obama cần bàn thảo. Bất chấp chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh, thành phố Ramadi vẫn thất thủ dù nó chỉ nằm cách Baghdad khoảng 110 km. Dường như quân đội Iraq cần sự hỗ trợ nhiều hơn trong cuộc chiến chống lại phiến quân.
Obama sẽ gặp thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vào ngày 8/6. Al-Abadi sẽ yêu cầu Obama viện trợ những thiết bị “vô cùng cần thiết” để chặn bước tiến của IS. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ không đáp ứng yêu cầu của chính phủ Iraq.
Đầu tháng 6, Reuters dẫn lời Thủ tướng al-Abadi cho biết, IS lấy 2.300 xe bọc thép Humvee sau khi chiếm thành phố Mosul trong tháng 6/2014. Ngoài ra, chúng tịch rất nhiều vũ khí hạng nặng - gồm ít nhất 40 xe tăng M1A1, 74.000 súng máy, 52 pháo kéo M198 cùng nhiều súng và đạn.
Giới học giả cũng từng cảnh báo chính phủ Mỹ về hậu quả khôn lường từ việc cung cấp vũ khí cho Iraq. Họ cho rằng mang vũ khí tới một quốc gia bất ổn sẽ khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.