Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters |
Năm ngoái, phương Tây cũng loại Nga khỏi cuộc họp để phản đối việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố việc Nga quay trở lại nhóm là "không tưởng" cho đến khi Nga thay đổi lập trường về vấn đề Ukraine.
Hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Đức bác bỏ đề nghị mời Nga, cho rằng quan hệ với Moscow không thể bình thường như trước.
Tuy nhiên, các nhóm vận động doanh nghiệp tại châu Âu đã lên tiếng kêu gọi phải mời Nga đến hội nghị năm nay.
Eckhard Cordes, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Kinh tế Phía đông của Đức, đại diện cho khoảng 200 doanh nghiệp đầu tư tại Nga, cho rằng phương Tây đánh mất cơ hội khi loại Nga khỏi hội nghị.
"Hội nghị G7 với sự tham gia của Nga sẽ góp phần giải quyết khủng hoảng và thúc đẩy Nga có các hành động tích cực trong khủng hoảng Ukraine", Reuters dẫn lời ông Cordes.
Matthias Platzeck, lãnh đạo Diễn đàn Nga - Đức và là thành viên cấp cao của đảng Dân chủ Xã hội Đức, cũng khẳng định các vấn đề Iran, Afghanistan, Syria không thể giải quyết mà không có Nga và cuộc chiến chống khủng bố cũng cần sự hỗ trợ của tình báo Moscow.
Quả thật, phương Tây khó gạt Nga ra khỏi cuộc chơi. Theo AP, bà Merkel và ngoại trưởng Mỹ đích thân đến Nga trong tháng trước để gặp Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Anh David Cameron vẫn gọi điện cho nhà lãnh đạo Nga vài ngày trước để thảo luận về chiến sự ở Syria.
Theo giới phân tích, ông Putin rõ ràng là đang chơi một cuộc chơi lâu dài. Trong khi đó, sự đoàn kết để trừng phạt Nga của phương Tây bắt đầu yếu dần, thể hiện qua phản ứng mới nhất về danh sách trừng phạt 89 chính trị gia châu Âu của Moscow.
Nhiều nước châu Âu đã bắt đầu lo ngại về tác dụng ngược từ các đòn trừng phạt kinh tế Nga trong khi những thiệt hại của Nga không thể sánh với sự suy sụp của Ukraine buộc châu Âu lại phải ra tay giải cứu.
Những phản ứng mạnh của phương Tây thậm chí còn góp phần giúp tổng thống Nga gia tăng sự tín nhiệm trong nước.