Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những tàu ngầm độc đáo nhưng chết yểu

Tàu ngầm sân bay, tàu ngầm pháo hạm là những vũ khí độc đáo được áp dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng chúng không mang lại thành công đáng kể.

Trong những năm trước và trong Thế chiến II, để đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu vô cùng khốc liệt trên nhiều mặt trận khác nhau, đặc biệt là mặt trận hải quân, các nhà sáng chế vũ khí đã phát triển những thiết kế vô cùng độc đáo. Phần lớn chúng là tàu ngầm.

Ưu điểm của tàu ngầm là chúng có thể thực hiện các hoạt động tấn công một cách bí mật. Tuy nhiên, hỏa lực lại hạn chế. Vũ khí chính của tàu ngầm là ngư lôi nên chúng không thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công từ xa như tàu chiến mặt nước.

Tàu ngầm pháo hạm

Nhằm khắc phục hạn chế của tàu ngầm, các nhà sáng chế đã đưa ra ý tưởng trang bị pháo hạm. Anh là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển ý tưởng về pháo hạm và tàu ngầm M của Anh là lớp đầu tiên của ý tưởng. Dự án M ra đời trong Thế chiến I. Lúc đó, người Anh dự định phát triển một tàu ngầm mang một pháo hạm cỡ nòng tới 305 mm.

Đồ hộ mô hình hoạt động của pháo hạm cỡ nòng 305mm trên tàu ngầm pháo hạm dự án M của Anh. Ảnh Wikipedia
Mô hình hoạt động của pháo hạm cỡ nòng 305 mm trên tàu ngầm pháo hạm dự án M của Anh. Ảnh: Wikipedia

M là lớp tàu ngầm có pháo hạm khủng nhất mà con người từng chế tạo. Người Anh đóng 3 tàu ngầm M trong giai đoạn 1916-1919 và sử dụng chúng trong giai đoạn 1920-1932. Chúng mang tên lần lượt là M1, M2 và M3. Tuy nhiên, sau khi Hiệp ước hải quân London ra đời vào năm 1930, vũ khí của dự án tàu ngầm M đã bị hủy.

Một tàu ngầm quái dị khác là Surcouf của Pháp. Nó đảm nhiệm vai trò như một "tuần dương hạm dưới nước" nhằm tìm kiếm và tiêu diệt các tàu chiến mặt nước. Surcouf cũng có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, với một thủy phi cơ Besson MB.411 trong một nhà chứa máy bay phía sau tháp chính (tháp Conning).

Surcouf là tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo trước khi bị soán ngôi bởi tàu ngầm I-400 của Nhật Bản. Vũ khí tạo nên danh hiệu "tàu ngầm pháo hạm" của nó là cặp pháo hạm cỡ nòng 203 mm được bố trí trong một tháp pháo áp lực phía trước tháp Conning. Cặp pháo hạm này có tầm bắn từ 11-39 km tùy thuộc vào hệ thống nhắm mục tiêu.

Ý tưởng tác chiến của tàu ngầm Surcouf rất ấn tượng, nhưng nó gặp khá nhiều vấn đề kỹ thuật trong hoạt động. Tàu ngầm rất khó điều khiển do khiếm khuyết về thiết kế thủy động lực học. Nó mất hơn hai phút để lặn xuống độ sâu 12 m và chỉ có thể lặn sâu tối đa 80 m.

Tàu ngầm pháo hạm Surcouf là chiếc tàu ngầm có pháo hạm lớn nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2. Ảnh Shipstamps
Surcouf là tàu ngầm có pháo hạm lớn nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ảnh: Shipstamps

Surcouf bị đánh chìm vào năm 1942 mà không thể hiện vai trò đáng kể. Surcouf cũng như các thiết kế tàu ngầm pháo hạm khác được xem là "một ý tưởng khá tồi" và không thành công.

Những ‘siêu vũ khí’ chết yểu xưa và nay

Từng được kỳ vọng là những “siêu vũ khí”, nhưng do thiết kế không thể đáp ứng các mục đích tác chiến nên nhiều dự án quân sự bị khai tử ngay trong giai đoạn thử nghiệm.

Tàu ngầm sân bay

Bên cạnh tàu ngầm pháo hạm, các nhà sáng chế cũng phát triển một ý tưởng khá độc đáo là tàu ngầm sân bay. Đây là loại tàu ngầm có khả năng mang theo máy bay và phóng nó đi như một tàu sân bay trên mặt nước. Chiếc tàu ngầm sân bay đầu tiên của thế giới là HMS M2 của Hải quân Hoàng gia Anh.

Nó được chuyển đổi từ dự án tàu ngầm pháo hạm lớp M và được đưa vào hoạt động từ năm 1927. Tàu ngầm sân bay HMS M2 có khả năng mang theo một thủy phi cơ trinh sát Parnall Peto. Nó bị chìm vào năm 1932 khi đang tiến hành thử nghiệm phóng máy bay.

Nhật Bản cũng phát triển một loại tàu ngầm sân bay rất độc đáo là I-400. Ý tưởng này được khai sinh bởi Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tư lệnh hạm đội liên hợp Nhật Bản, sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941.

I-400 là loại tàu ngầm sân bay lớn nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2. Ảnh Wikipedia
I-400 là loại tàu ngầm sân bay lớn nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ảnh: Wikipedia

I-400 là loại tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo cho đến khi tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo ra đời vào năm 1960. Tàu ngầm I-400 có thể mang theo 3 thủy phi cơ Aichi M6A Seiran. Ý tưởng thiết kế của tàu là bí mật tiếp cận gần bờ biển Mỹ sau đó sử dụng máy bay phóng từ tàu ngầm để bất ngờ tấn công. Bên cạnh các máy bay mang theo, tàu ngầm sân bay I-400 còn được trang bị vũ khí khá mạnh với một pháo hạm 140mm, 4 pháo 25 mm và 8 ống phóng ngư lôi 533 mm.

Đến 18 chiếc tàu ngầm sân bay lớp I-400 được lên kế hoạch, nhưng chỉ có 3 chiếc được hoàn thành cho đến khi chiến tranh kết thúc. Sau khi hoàn thành 3 chiếc tàu ngầm sân bay I-400, Nhật Bản từng lên kế hoạch bí mật tấn công kênh đào Panama và đảo san hô Ulithi để ngăn chặn sức mạnh của Mỹ.

Tuy nhiên, cả hai đợt tấn công trên chỉ là những kế hoạch còn nằm trên giấy, bởi Nhật Bản đã bị đánh bại trước khi nó được thực hiện.

HMS M2 là chiếc tàu ngầm sân bay đầu tiên trên thế giới được chuyển đổi từ tàu ngầm pháo hạm dự án M. Ảnh Wikipedia
HMS M2 là chiếc tàu ngầm sân bay đầu tiên trên thế giới được chuyển đổi từ tàu ngầm pháo hạm dự án M. Ảnh: Wikipedia

Triều Tiên sở hữu nhiều tàu ngầm nhất thế giới

Quân đội Triều Tiên dẫn đầu thế giới về số lượng tàu ngầm, nhưng giới chuyên gia đánh giá phần lớn chúng hoạt động không hiệu quả.

Đức Hải

Bạn có thể quan tâm