Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những tâm sự của tuổi 40 yêu dấu

Rồi thì ai cũng có tuổi 40 khi thời thanh xuân qua mất. Như thứ trái cây bắt đầu vào độ chín, người ta cần được trọn vẹn. Với mình, và với người…

 

Cách đây hai năm, tôi mở quán cơm Bắc trên đường Mạc Đĩnh Chi tên là Giày Đỏ. Một người phụ nữ làm chung với tôi, nấu món gì cũng ngon hết, thuộc kiểu người tốt, lúc nào cũng nhìn thấy mặt phải và ít khi nghi ngờ. Chị thường vừa bán cơm vừa tặng khách thêm món này, món kia. Khi vắng khách, tôi thấy chị thường ngồi thẫn thờ nhìn ra con phố xuôi đèn xe, không biết chị nghĩ gì.

Tôi ít khi hỏi về cuộc đời chị, chỉ đôi khi thấy chị hay nói về chuyện đàn bà đàn ông và những niềm mong về sự tử tế của con người. Có những buổi trưa muộn, chị thường có một nhóm bạn thân ngồi uống trà mạn, ăn sấu chín hay bánh cốm, và nói với nhau chuyện “làm sao để đàn ông phải luôn say đắm”.

Tôi nhớ khi ấy chị nói: “Hãy trân trọng từng phút sống của mình. Mỗi khi thấy một người đàn ông trân trọng phụ nữ, lại thấy mình may mắn vì đã không có giới tính khác. Không là phụ nữ, đã là một thiệt thòi đáng kể. Khi đã là phụ nữ, đừng cho phép ai có cơ hội từ chối mình. Và không thể vì bị từ chối mà khép mình, coi như đã về hưu non, và cơ thể của mình, cũng bắt nó phải “khép cửa”."

Nghe chị và đám bạn xôn xao cách yêu thân mình, dù các chị đều ngót nghét tứ tuần và ai cũng trĩu đầy bổn phận, tôi chỉ cười mà đùa rằng: “Chị viết văn đi, em hứa sẽ làm biên tập cho chị”. Mắt chị lấp lánh hẳn: “Thật hả? Vậy đặt tên sách là gì?”. Tôi rằng: “Thiệp (Nguyễn Huy Thiệp) có Tuổi hai mươi yêu dấu, mà sách đó không mấy thành công. Chị nên viết gấp đôi lên, Tuổi 40 yêu dấu, kiểu gì sách cũng bán chạy”. Nói rồi tôi chạy xe đến tòa soạn, câu nói đùa tan như khói xe…

Hai năm sau. Sài Gòn chiều trời giông lớn. Người cảnh sát bảo vệ báo, tôi có khách, là một nhà văn. Chị đến, áo mưa quây xung quanh, tóc bết vì nước. Chị ôm khư khư bọc sách. “Chị vừa lấy từ nhà in về, mang qua tặng cậu luôn. Vì là em đặt tên cuốn sách, em xứng đáng là người đọc đầu tiên”. Tôi chết sững.

Thời gian đã làm chúng tôi không thường gặp nhau, quán cơm vì bận rộn quá mà đóng lại, tưởng mọi thứ đã cũ lắm rồi. Vậy mà, người đàn bà tốt bụng này vẫn lặng lẽ hàng ngày viết những câu chuyện của mình, lặng lẽ in thành sách. Và chị vẫn tin lời nói đùa của tôi khi trước là quý giá. Nên hôm nay tôi mới cầm trên tay cuốn sách Tuổi 40 yêu dấu. Và người phụ nữ hàng ngày khuất mình sau gian bếp với hành gừng ớt tỏi, nay thành tác giả Ann Lee.

sach ve tuoi 40 anh 1
Cuốn tản văn Tuổi 40 yêu dấu của tác giả Ann Lee.

Tuổi 40 yêu dấu không phải dòng sách mà tôi lựa chọn theo đuổi, nhưng đọc hơn 200 trang sách của Ann Lee, tôi chợt nhận ra rất nhiều điều tưởng như vụn vặt, nhưng lại là quan trọng và đôi khi là cứu cánh trong cuộc sống của những người phụ nữ.

Một người đàn bà khi mất đi tất cả niềm tin vào cuộc sống hôn nhân, thì họ còn lại gì? Họ chẳng còn gì ngoài trách nhiệm. Người phụ nữ bước vào tuổi 40, nghĩa là họ đã dành cả tuổi thanh xuân cho những khái niệm hạnh phúc truyền thống, yêu một gã đàn ông nào đó có vẻ tử tế, làm một đám cưới có vẻ tươm tất, gầy dựng một gia đình vợ chồng con cái có vẻ hạnh phúc.

Cho đến một ngày, khi cơm áo không phải là chuyện thường trực đối diện, khi con cái đã bắt đầu tự biết chăm sóc bản thân mình, thì người phụ nữ tuổi 40 mới nhận ra rằng, thời con gái đã xa. Và người đàn ông tưởng như tử tế kia hóa ra lại là một “thiên tài kinh ngạc” chế tác ra những tính cách xấu xí mà lâu ngày như một thứ ung nhọt khiến người phụ nữ phải hì hục tìm cách trốn thoát cuộc ràng buộc lâu ngày.

Và người phụ nữ sẽ tiếp tục làm gì? Một là nhàu nhĩ hơn, nát bét hơn trong cuộc sống vốn thừa chán chường. Hai là sẽ nỗ lực tận cùng để đổi thay, để đẹp hơn, để yêu chính mình. Ann Lee luôn chọn hướng thứ hai.

sach ve tuoi 40 anh 2
Tác giả Ann Lee. Ảnh: NVCC

Những biến thái mới của đời sống đô thị, những gãy khúc của tâm trạng đàn bà được Ann Lee đưa vào những câu chuyện của mình nhẹ nhàng, hoàn toàn không triết lý hay lên gân, nó như một cuộc chuyện từ tốn của một người phụ nữ đã từng trải nghiệm đau đớn, nên nay nhìn mọi thứ nhẹ nhàng hơn.

Như cách chị viết về đổ vỡ của phụ nữ trung niên: “Đàn bà đến tuổi 40 càng nhạy cảm, càng dễ lãnh cảm. Y như một viên kem nhiều sữa, ngon thì ngon thật đấy, nhưng dễ tan chảy. Và khi tan rồi, mọi thứ thật vô duyên”… Hay những câu dành cho “gái ế”: “Trước đây gái ế thường vì xấu, vụng, nghèo. Thị Nở là một ví dụ khái quát và điển hình. Giờ thì gái ế lại xinh, khéo và không nghèo. Nếu có cả ba thứ ấy, nguy cơ ế càng cao… Ế như một xu thế, nên ế càng cần duyên dáng và ấm áp. Cho những ngày vẫn ở phía trước, cho chính mình”. Và cả tâm trạng của một người thứ ba đầy tỉnh táo: “Chồng chị đâu là sợi dây chuyền? Mà tôi cũng đâu phải kẻ cướp mà đi giật lấy ngoài đường. Tôi chỉ là Nắng, anh ấy có tự say thì cũng sẽ tỉnh, nếu chị khéo pha một ly nước mát giải say”…

Đọc Tuổi 40 yêu dấu, tôi cứ có hình dung mình đang xem một bộ phim “chick flick” của Hollywood, chuyên những chuyện đàn ông đàn bà gia đình con cái. Và sex cũng là một phần quan trọng trong những câu chuyện ấy, nó như một món dưa chua trong bữa cơm Bắc mà Ann Lee thường nấu, để thêm đậm đà dù đôi khi chua quá cũng không dễ đụng.

Mọi câu chuyện, đôi khi chỉ là những khoảng vỡ cảm xúc được chép lại bằng một thứ ngôn từ không bóng bẩy, nhưng đầy thấm thía bao dung. Hay cũng có khi là một sự tỉnh táo trước sức lừa mị của một người khác phái. Hoặc là chuyện đàn bà phải bỏ đi hết và làm lại, thì vẫn cần ngẩng cao đầu…

Dẫu vậy, có một dòng chảy ngầm không hiển lộ ra những con chữ của Ann Lee, cũng có lẽ là khát khao của những người đàn bà nhạy cảm, đó là dù có cô đơn và học cách yêu lấy mình, thì điều họ mong mỏi vẫn là có một người đàn ông tử tế để nương tựa, vỗ về. Thành ra, ở vỏ ngoài, Ann Lee bày biện rất nhiều những tính từ để miêu tả về sự mạnh mẽ và độc lập. Nhưng thực ra trong đó, không gì khác, vẫn là người phụ nữ Á đông thường tình, yêu và khao khát được yêu…

Dương Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm