Cha mẹ cần giúp con trẻ học cách đối diện với những cảm xúc tiêu cực. Ảnh: M&C. |
Để giúp các học viên mong muốn cải thiện khả năng thấu cảm và hiểu cách thức hoạt động của sự thấu cảm, tôi thường yêu cầu họ tưởng tượng rằng thế giới cảm xúc giống như một chiếc đài vô tuyến truyền thanh lớn. Trong đài vô tuyến truyền thanh đó, chúng ta có các tần số hoặc cảm xúc cơ bản khác nhau, mỗi tần số đó có thể được nghe âm thanh có âm lượng lớn hơn hoặc nhỏ hơn.
Đau thương và buồn bã có cùng tần số cảm xúc, nhưng đau thương có âm lượng nhỏ hơn. Niềm vui và sự hưng phấn cũng có cùng tần số, nhưng trong trường hợp này, sự hưng phấn có âm lượng lớn hơn. Đưa ra phản hồi thể hiện sự thấu cảm một cách hiệu quả, có cùng tần số với cảm xúc mà đối phương đã trải qua là điều rất quan trọng nhưng cũng phải hòa hợp với âm lượng của nó.
Hãy tưởng tượng bạn là một thanh niên 20 tuổi đi dự một bữa tiệc vào tối thứ bảy và người chủ trì dành cả buổi tối để chơi những điệu valse thành Vienna. Loại nhạc này có thể không phù hợp với tâm trạng của khách mời, một số sẽ rời khỏi bữa tiệc với cảm giác thất vọng. Kết quả cũng sẽ tương tự nếu người chủ trì dùng thể loại âm nhạc phổ biến hơn, chẳng hạn như nhạc rock, nhưng âm lượng quá thấp đến mức mọi người khó có thể nghe thấy khi đang nói chuyện.
Tương tự như vậy, một vài thanh thiếu niên muốn có khoảnh khắc lãng mạn ở phía sau xe sẽ chọn một kênh phát thanh thư giãn với âm lượng nhỏ. Một bản ballad được phát bằng máy hát tự động chơi ở âm lượng tối đa sẽ không góp phần tạo nên một khung cảnh thân mật, một số bản hard rock được chơi ở âm lượng thấp cũng tương tự.
Vì vậy, nếu bạn muốn thấu cảm với con, điều quan trọng là phải biết cách hòa hợp với cảm xúc của con. Khi đề cập đến việc phản hồi lại con cái bằng sự thấu cảm và kết nối, điều chỉnh đúng tần số cảm xúc cũng quan trọng như cường độ vậy. Nếu nhóc con của bạn khóc lóc thảm thiết vì vừa đánh mất bộ sưu tập sticker, bạn sẽ không đồng điệu được với cảm xúc của con nếu bạn mắng bé vì đã làm mất chúng. Đây không phải là sự thấu cảm.
Bé cũng sẽ không phản ứng tích cực nếu bạn nói với bé rằng bé đang tức giận, bởi vì cảm xúc của bé gần hơn với nỗi buồn. Cách tốt nhất để giúp trẻ cởi mở và bình tĩnh hơn là thừa nhận rằng hẳn là trẻ đang “thực sự rất buồn” hoặc “tan nát cõi lòng” và ôm bé thật chặt để xoa dịu cảm giác buồn bã khôn nguôi của bé.
Tương tự như vậy, nếu Molly vừa nuôi một con ốc sên làm thú cưng mới của mình và khoe nó với cả gia đình với vẻ mặt vui mừng, thì bé có thể không có sự kết nối với một nhận xét như: “Con vui vẻ ghê!” vì cường độ của cảm xúc này có tầm ảnh hưởng nhỏ. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bố và mẹ nhiệt tình nói: “Molly, con thực sự rất hào hứng với thú cưng mới của mình phải không?”.
Có lẽ, lời bình luận này giúp bé cảm thấy được thấu hiểu, thế là có thể bé sẽ chia sẻ tất cả những kế hoạch về người bạn mới với bố mẹ, chẳng hạn như ngôi nhà mà bé và các bạn sẽ xây cho ốc sên, hoặc đồ ăn mà các bé sẽ mang cho nó.
Bình luận