Máy bay do thám U-2 do tập đoàn Lockheed (nay là Lockheed Martin) chế tạo và đưa vào sử dụng trong Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từ năm 1957. Ở thời điểm đó, U-2 là một trong những máy bay có trần bay cao nhất thế giới.
Mục tiêu của CIA là thiết kế một máy bay có khả năng hoạt động ở độ cao lớn để thu thập thông tin tình báo về hoạt động quân sự trên lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô. CIA tin rằng với trần bay 21,3 km, U-2 sẽ bay ngoài tầm với của máy bay chiến đấu, radar và tên lửa của Liên Xô.
U-2 được trang bị những hệ thống trinh sát, tình báo giám sát hiện đại nhất ở thời điểm đó nhằm đảm bảo cho Mỹ không bị bất ngờ trước các kế hoạch quân sự của Liên Xô. CIA bắt đầu sử dụng U-2 cho nhiệm vụ do thám Liên Xô sau khi Moscow phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 vào năm 1957.
Việc sử dụng U-2 cho nhiệm vụ do thám dẫn đến nhiều sự cố ngoại giao nghiêm trọng, thậm chí suýt dẫn đến xung đột quân sự quy mô lớn giữa Mỹ và Liên Xô.
Sự cố U-2 năm 1960
Từ năm 1957 đến đầu năm 1960, Mỹ thực hiện hàng chục phi vụ xâm nhập không phận Liên Xô để tiến hành hoạt động do thám. Những bức không ảnh do U-2 chụp lại giúp Mỹ có một cái nhìn tổng quát hơn về các chương trình quân sự của Liên Xô.
Máy bay do thám U-2 trong một nhiệm vụ do thám. Ảnh: Không quân Mỹ |
Lực lượng phòng không Liên Xô nhiều lần tổ chức xuất kích đánh chặn U-2 nhưng không thành công. Các máy bay đánh chặn như MiG-15, MiG-19 không thể với tới độ cao hoạt động của U-2. Trong vòng 4 năm đầu kể từ khi U-2 đi vào hoạt động, Liên Xô gần như bất lực trong việc ngăn chặn máy bay này.
Ngày 1/5/1960, một máy bay do thám U-2 do đại úy phi công Francis Gary Powers điều khiển xuất phát từ căn cứ không quân Peshawar, Pakistan trong nhiệm vụ do thám Liên Xô. Căn cứ phòng không ở vùng Ural đã bắn 3 tên lửa S-75 Dvina về phía U-2.
Máy bay trúng tên lửa và rơi xuống Kosulino, Ural. Phi công Powers tiếp đất an toàn bằng dù nhưng bị lực lượng an ninh Liên Xô bắt giữ. Ban đầu, phía Mỹ cố gắng che đậy mục đích và sứ mệnh của chuyến bay. Tuy nhiên, Washington sau đó buộc phải thừa nhận hành vi do thám quân sự trên lãnh thổ Liên Xô.
Phi công Powers bị kết án 3 năm tù giam cộng với 7 năm lao động khổ sai. Tuy nhiên, ông được trả tự do vào năm 1962 để trao đổi một sĩ quan tình báo Liên Xô bị phía Mỹ bắt giữ. Sự kiện một máy bay quân sự Mỹ bị Liên Xô bắn hạ trên không phận nước này dẫn đến căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba
Từ tháng 10/1960, CIA tiến hành các phi vụ do thám Cuba bằng máy bay U-2 xuất phát từ căn cứ không quân Laughlin, Texas. Tháng 8/1962, ảnh chụp từ U-2 phát hiện tên lửa phòng không S-75 được triển khai ở Cuba.
Ngày 14/10/1962, phi công Major Richard S. Heyser chụp được ảnh tên lửa đạn đạo tầm trung của Liên Xô ở Cuba. CIA lập tức đẩy mạnh các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Cuba. Ngày 27/10/1962, một tên lửa S-75 do Liên Xô triển khai ở Cuba bắn hạ máy bay do thám U-2C do phi công Rudolf Anderson điều khiển.
U-2 gắn liền với nhiều sự cố ngoại giao nghiêm trọng. Ảnh: CIA |
Việc Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo ở Cuba cùng với sự kiện máy bay do thám U-2 bị bắn hạ dẫn đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa Liên Xô và Mỹ.
Moscow và Washington thậm chí đã đứng trên bờ vực của một cuộc chiến quy mô lớn. Tuy nhiên, hai nước sau đó đã nỗ lực xoa dịu tình hình bằng cách đồng ý rút tên lửa ở Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ.
Do thám Trung Quốc
Cuối những năm 1950, không quân Mỹ muốn cung cấp máy bay do thám U-2 cho Đài Loan để giám sát chương trình tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc. CIA phản đối việc xuất khẩu U-2 do lo ngại lộ thông tin. Tuy nhiên, Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã chấp thuận việc triển khai hoạt động máy bay U-2 tại Đài Loan.
Mỹ và Đài Loan nhất trí sau mỗi chuyến bay do thám của U-2, CIA sẽ xử lý dữ liệu thu thập được và chuyển bản sao cho Đài Loan. Ngày 12/1/1962, các phi công Đài Loan bắt đầu tiến hành bay do thám gần căn cứ thử tên lửa Shuangchengzi, tỉnh Gansu, Trung Quốc.
Ngày 9/5/1962, Trung Quốc bắn rơi chiếc U-2 đầu tiên của Đài Loan bằng tên lửa S-75, phi công Chen Huai tử vong tại một bệnh viện ở Trung Quốc. Washington phủ nhận cáo buộc của Bắc Kinh rằng Mỹ đứng sau chương trình do thám Trung Quốc của Đài Loan.
Từ năm 1962 đến đầu 1972, Đài Loan đã thực hiện khoảng 104 phi vụ do thám Trung Quốc, 5 chiếc U-2 bị bắn hạ, 3 phi công thiệt mạng, 2 bị bắt. Các phi vụ do thám Trung Quốc kết thúc vào tháng 3/1972 khi Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc.
Ngoài các sự kiện nỗi bật ở trên, máy bay do thám U-2 còn được sử dụng trong các nhiệm vụ do thám ở miền bắc trong Chiến tranh Việt Nam. Tháng 10/1966, một chiếc U-2 gặp sự cố khi đang bay do thám ở miền bắc Việt Nam. Chiếc U-2 rơi xuống gần sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, phi công Leo Stewart nhảy dù an toàn.
Gần 60 năm sử dụng, U-2 là một trong những máy bay do thám độc đáo và không có loại tương tự trên thế giới. Mỹ dự định sử dụng U-2 đến sau năm 2023. Mỹ đang dự định sử dụng máy bay do thám không người lái RQ-4 Global Hawk thay thế cho U-2.