Stanislav Petrov nhớ lại vụ việc xảy ra vào đêm 27/9/1983 khi quyết định của ông đã giúp thế giới tránh khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ảnh: AP |
"Mọi thứ chìm trong không gian tĩnh lặng. Đột nhiên, một hồi còi rú lên, dòng chữ ''LAUNCH'' (phóng tên lửa) phát sáng. Chúng khiến mọi dây thần kinh trở nên căng thẳng. Tôi thật sự rất sửng sốt'', Stanislav Petrov, 76 tuổi, sĩ quan lực lượng phòng vệ tên lửa thuộc quân đội Liên Xô, hồi tưởng về đêm 27/9/1983 tại trung trâm điều khiển bí mật Serpukhov-15.
Ngay lúc đó, Petrov đứng dậy và thấy những người khác đang nhìn ông một cách bối rối.
''Cả đội gần như rơi vào khủng hoảng. Tôi nhận ra rằng, nếu mọi người không thể giữ bình tĩnh, mọi chuyện sẽ kết thúc'', Petrov nói.
Tại thời điểm đó, Petrov không có thời gian để nghĩ đến vấn đề ông có thể trở thành một trong những người khơi mào Chiến tranh Thế giới thứ ba. Vị trung tá 44 tuổi quyết định xem xét mức độ đáng tin của những thông tin từ máy tính.
Vài phút sau, còi báo động lại vang lên, báo hiệu vụ phóng tên tên lửa thứ hai. Ngay sau đó, hệ thống thông báo Mỹ đã phóng 5 tên lửa.
Tuy nhiên, Petrov báo với chỉ huy rằng, hệ thống đã cung cấp thông tin sai lệch. Ông không hề chắc chắn mà chỉ căn cứ vào việc radar mặt đất của Liên Xô không xác nhận bất cứ vụ phóng tên lửa nào. Mặc dù hệ thống radar chỉ có thể phát hiện tên lửa sau khi chúng được phóng, Petrov nhận định chúng dự báo chính xác hơn các vệ tinh.
Sau này, họ phát hiện một sự cố kỹ thuật khiến vệ tinh tưởng sự phản chiếu ánh sáng mặt trời trên mây cao là vụ phóng tên lửa.
Quyết định của Petrov đã giúp thế giới tránh thảm họa chiến tranh hạt nhân.
Vụ việc xảy ra đúng thời điểm căng thẳng Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm. Tháng 9/1983, Liên Xô bắn một máy bay chở khách từ Mỹ đến Hàn Quốc vì nghi ngờ nó chở gián điệp. Sau hàng loạt các cuộc diễn tập quân sự mang tính khiêu khích, Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc tập trận Able Archer của NATO để mô phỏng quá trình ứng biến nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Vào đêm đó, dữ liệu từ các vệ tinh cảnh báo sớm cho thấy Mỹ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tuy nhiên, Petrov quyết định coi đây là báo động giả. Nếu vị trung tá 44 tuổi đưa kết luận ngược lại, các nhà lãnh đạo Liên Xô chắc chắn đã đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.
Hiện tại Petrov khá nổi tiếng nhờ vào vai trò của ông trong lịch sử. Ông sống giản dị tại một ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Fryazino, thuộc ngoại ô thành phố Moscow.
Các nhà lãnh đạo Liên Xô không khen thưởng Stanislav Petrov bởi nếu làm vậy, họ buộc phải thừa nhận sai lầm từ hệ thống cảnh báo sớm.
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Thượng tướng Yury Votintsev, cấp trên của Petrov, tiết lộ vụ việc. Petrov cho biết, nếu Thượng tướng không nói ra, ông ''đã quên nó như quên một cơn ác mộng''.
Tuy nhiên, Trung tướng Vladimir Dvorkin, chuyên gia trong lực lượng hạt nhân chiến lược Nga, tuyên bố vai trò của Stanislav Petrov không quan trọng đến vậy. Theo ông, trong trường hợp đó, các nhà lãnh đạo Liên Xô chắc chắn sẽ chờ xác nhận từ radar trước khi phóng tên lửa để đáp trả Mỹ.
Hơn nữa, ông cho biết, Nga vẫn chưa phủ sóng vệ tinh trên khắp nước Mỹ và vẫn dựa hoàn toàn vào mạng lưới radar để giám sát các hoạt động hạt nhân của Washington.
Tuy nhiên, nhiều người phương Tây vẫn ghi nhận vai trò của cựu sĩ quan Stanislav Petrov trong việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngày 18/9, các rạp chiếu phim ở Mỹ công chiếu bộ phim The man who saved the world (Người đàn ông cứu thế giới) để giúp dư luận hiểu rõ hơn về cuộc đời Petrov, theo AP.