Một tên lửa hạt nhân Titan trong Bảo tàng Tên lửa Titan tại thành phố Green Valley, bang Arizona, Mỹ. Ảnh: Getty |
Lần đầu tiên trong lịch sử, Cục Lưu trữ và Quản lý Hồ sơ Quốc gia Mỹ (NARA) công bố danh sách chi tiết các mục tiêu tiềm năng mà Mỹ có thể tấn công bằng bom nguyên tử trong trường hợp chiến tranh với Liên Xô bùng nổ. Danh sách cho thấy số lượng và chủng loại mục tiêu trên lãnh thổ Liên Xô, cũng như ở Đông Âu và Trung Quốc, theo New York Times.
Mỹ liệt kê nhiều mục tiêu dành cho hoạt động “hủy diệt hàng loạt” ở các thành phố lớn, bao gồm 179 mục tiêu ở Moscow, 145 mục tiêu ở Leningrad và 91 mục tiêu ở Đông Berlin. Các mục tiêu được ghi là DGZ (bình địa).
Dù phần nhiều là cơ sở công nghiệp, tòa nhà chính phủ, mục tiêu trong mỗi thành phố được ghi một cách đơn giản: “Population” (Người dân). “Tôi cảm thấy ghê sợ khi thấy họ muốn hủy diệt các trung tâm dân cư”, William Burr, một chuyên gia phân tích cấp cao của Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia thuộc Đại học George Washington, bình luận.
Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia yêu cầu NARA cung cấp danh sách những mục tiêu dành cho bom nguyên tử lần đầu tiên vào năm 2006 và cuối cùng NARA đã đáp ứng yêu cầu của họ. Burr, người chuyên nghiên cứu lịch sử hạt nhân, tin rằng ông đang giữ danh sách mục tiêu chi tiết nhất mà Không quân từng công bố.
Những mục tiêu được xác định theo cách chung, với mã số tương ứng địa điểm cụ thể. Địa chỉ và tên chính xác của các cơ sở từ giai đoạn đó nằm trong tài liệu mật Bách khoa toàn thư ném bom. Burr nói ông đang cố gắng giải mã nó.
Tập tài liệu 800 trang, với dấu “Tuyệt mật” và những dòng chữ xám mờ nhạt, lộ diện trong bối cảnh các cuộc không kích và nguy cơ tấn công nhầm dân thường xuất hiện trở lại trong các bản tin. Chẳng hạn, trong thời gian qua, Không quân Mỹ không ném bom các cơ quan đầu não của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thành phố Raqqa, Syria do sự hiện diện của các tù nhân trong những tòa nhà đó.
Tiêu đề của danh sách là Nghiên cứu yêu cầu vũ khí hạt nhân cho năm 1959. Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (SAC) lập danh sách vào năm 1956 để vạch ra những mục tiêu mà Mỹ có thể và nên tấn công nếu chiến tranh với Liên Xô nổ ra 3 năm sau đó.
SAC lập danh sách khi tên lửa liên lục địa và tên lửa xuất kích từ tàu ngầm chưa ra đời, máy bay ném bom có người lái là cách duy nhất để sử dụng vũ khí hạt nhân. Hồi ấy Mỹ đạt lợi thế lớn trước Liên Xô, với kho vũ khí hạt nhân gấp 10 lần đối thủ, Matthew G. McKinzie, giám đốc chương trình hạt nhân của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên, nhận định.
Theo ông McKinzie, dù tài liệu cho thấy đây là thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, các mục tiêu ở đô thị vẫn là nguyên lý cơ bản trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân để chặn các cuộc tấn công. "Điểm mấu chốt của sự răn đe là đe dọa phá hủy các thành phố của kẻ thù, thậm chí ngay ngày hôm nay", ông McKinzie nói.
Theo Alex Wellerstein, một sử gia về vũ khí hạt nhân tại Viện Công nghệ Stevens tại Hoboken, vào năm 1959, Mỹ có bom nguyên tử với tổng khối lượng khoảng 20.000 Megaton. Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower đẩy mạnh việc giảm quy mô kho vũ khí và chúng đã được cắt giảm một nửa trong vòng một hoặc hai năm sau đó. "Ông ấy (Eisenhower) nghĩ rằng, vũ khí hạt nhân sẽ hủy diệt loài người",Wellerstein nói.
Vào thời điểm đó, các nhà hoạch định quân sự đã tìm cách bao vây Liên Xô bằng các căn cứ dành cho phi cơ ném bom. Trong trường hợp chiến tranh, máy bay sẽ di chuyển hướng về các thành phố lớn nhất của Liên Xô và tấn công mọi mục tiêu trên đường.
Tài liệu năm 1956 viết, không quân Liên Xô là ưu tiên số 1, gồm 1.100 sân bay, nhằm phá hủy các phi cơ ném bom của nước này trước khi cất cánh và di chuyển tới các mục tiêu châu Âu và xa hơn nữa.
Tuy nhiên, nhiều căn cứ không quân và trung tâm chỉ huy nằm trong và xung quanh khu dân cư nên các cuộc không kích cũng có thể khiến nhiều dân thường thương vong.
Mục tiêu ưu tiên số hai là các cơ sở hạ tầng công nghiệp tại Liên Xô, gồm cả những người điều hành chúng.
Stephen I. Schwartz, một nhà tư vấn độc lập về chính sách vũ khí hạt nhân, gọi danh sách các mục tiêu của Mỹ là "tàn nhẫn và đặc biệt kinh khủng". Tuy nhiên, Schwartz rất hài lòng khi tài liệu được công bố tại thời điểm ngày càng ít người Mỹ, bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách, biết nhiều kiến thức về vũ khí hạt nhân.