Những 'quả bom nổ chậm' tại Trung Quốc
Ở Trung Quốc, nếu một cô gái trên 27 tuổi mà vẫn chưa kết hôn sẽ bị dán nhãn “người phụ nữ thừa thãi” của đất nước hay còn gọi là những "quả bom nổ chậm".
Gái qua 27 tuổi mà chưa lấy chồng ở Trung Quốc được liệt vào hàng ế và bị nhìn với ánh mắt kỳ thị, mỉa mai. |
Huang Yuanyuan là một cô gái chỉ còn vài ngày nữa là bước sang tuổi 29 nhưng vẫn còn độc thân. Cô làm việc ở phòng tin tức tại Đài phát thanh Bắc Kinh. Huang thường phải làm thêm giờ vì khối lượng công việc vừa nhiều vừa áp lực.
“Thật đáng sợ và đáng lo. Tôi đã lại thêm một tuổi nữa. Tại sao ư? Vì tôi vẫn còn độc thân. Tôi bị thúc giục lấy chồng như giục trống xung trận. Nhưng đến nay tôi còn chưa có bạn trai huống hồ tính chuyện kết hôn”, Huang chia sẻ.
Nhìn bề ngoài, Huang thuộc hàng những cô gái xinh xắn, tự tin, có công việc ổn định với mức lương cao và sở hữu một căn hộ riêng. Cô tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng và không thiếu bạn bè. Tuy nhiên, Huang cũng như những phụ nữ khác có học vấn, sống tại các đô thị lớn, đã đến tuổi kết hôn nhưng vẫn độc thân , bị gán cho một tên gọi đầy mỉa mai là “sheng nu” hay “người phụ nữ thừa thãi”.
Huang cho biết, cách gọi mỉa mai dành cho những phụ nữ như cô như vậy khiến cô nhiều khi thấy buồn và rất tủi thân. Cộng với áp lực giục lấy chồng từ gia đình và bạn bè khiến cô càng thấy căng thẳng.
"Cô gái ế" Huang Yuanyuan (ngồi trước) và người bạn thời đại học Wang Tingting. |
Từ "Sheng nu” xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc bắt đầu kể từ năm 2007 – thời điểm Trung Quốc bắt đầu cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng mất cân bằng giới tính do tình trạng phá thai chọn lọc theo sau chính sách một con. Ngay cả cổng thông tin điện tử chính thức của Hội liên hiệp phụ nữ Trung Quốc cũng xuất bản các bài viết nhắc đến nhóm “người phụ nữ thừa thãi” và chỉ chấm dứt cách gọi này khi có quá nhiều lời chỉ trích.
“Suốt từ năm 2007 đến nay, truyền thông Trung Quốc đã sử dụng, phổ biến thuật ngữ này thông qua các cuộc điều tra, thăm dò, các bài viết và kể cả phim ảnh. Thuật ngữ trên, về cơ bản có nghĩa kỳ thị những cô gái có học vấn đã qua ngưỡng tuổi 27 mà vẫn còn độc thân”, bà Leta Hong-Fincher, một người Mỹ hiện là tiến sĩ xã hội học tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho hay.
Chưa hết, không chỉ gọi những gái ế bằng cách đầy mỉa mai, truyền thông Trung Quốc nhiều khi còn chỉ trích những cô gái có học vấn cao là “kén cá chọn canh” nên mới khó lấy chồng.
“Các cô gái xinh đẹp, đáng yêu không cần có học vấn quá cao để được gả vào một gia đình tốt hay nhà giàu và quyền lực. Nhiều cô gái nghĩ rằng, cố học cao để tăng khả năng cạnh tranh nhưng họ không biết thảm kịch là, so với nhóm đồng tuổi khác, họ lại không được đánh giá cao bằng. Và khi họ nhận được những tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cũng là lúc họ đã quá lứa lỡ thì. Cơ hội dành cho họ đương nhiên cũng ngày càng ít đi”, một bài viết được đăng trên cổng thông tin chính thức của Hội Liên hiệp phụ nữ Trung Quốc tháng 3/2011 nhấn mạnh.
Theo các số liệu thống kê của Trung Quốc, cứ 5 phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 29 thì có một người chưa kết hôn. Trong khi đó, tỷ lệ đàn ông ở cùng độ tuổi đó còn độc thân còn cao hơn. Cụ thể, hơn 1/3 đàn ông trong độ tuổi 25-29 cũng chưa lập ra đình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các chàng độc thân Trung Quốc dễ dàng chấp nhận kết hôn với một cô gái cũng ở trong tình trạng và độ tuổi tương tự. Đàn ông Trung Quốc ngày nay vẫn được cho là bảo thủ, độc đoán và họ thích cưới một cô vợ trẻ tuổi hơn.
“Có nhiều ý kiến rằng, các chàng trai hạng A sẽ thích các cô nàng hạng B, các chàng trai hạng B sẽ thích các cô nàng hạng C... Tương tự như thế, trai Trung Quốc có xu hướng kết hôn với những cô gái thua kém họ một bậc. Theo logic trên, những người còn sót lại là phụ nữ hạng A và đàn ông hạng D. Do đó, tôi nói rằng, nếu bạn là người phụ nữ còn sót lại, bạn thuộc nhóm ưu tú”, "người phụ nữ thừa thãi'" Huang Yuanyuan hóm hỉnh bình luận.
Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, những người phụ nữ ưu tú, thông minh, có học vấn lại chính là nhóm mà Chính phủ muốn thúc đẩy nhất, Tiến sĩ Leta Hong Fincher nhấn mạnh đồng thời trích dẫn một tuyên bố về dân số được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đưa ra năm 2007 trong đó viết: “Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực dân số chưa từng có. Trong khi đó, chất lượng tổng thể của nhân dân còn rất thấp, do đó, cả nước có nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số”.
Để giải quyết nghịch lý này, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc còn tổ chức các sự kiện mai mối để những cô gái trẻ có học vấn có thể tìm được “ý trung nhân” tương xứng. Mục tiêu của việc làm này, theo Tiến sĩ Fincher không chỉ nhằm cải thiện gien di truyền mà còn nhằm hạ thấp tỷ lệ nam giới độc thân ngày càng phình ra, đặt ra nhiều vấn đề xã hội nguy hiểm.
Phương Đăng
Theo Infonet