Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nơi đang dùng giáo viên trí thông minh nhân tạo trong dạy học

Các dự án giáo viên trí thông minh nhân tạo đang được triển khai ở nhiều nơi, mang lại hiệu quả đào tạo.

Trong các giờ học tại trường mầm non dành cho bé gái St. Peters của Australia, giáo viên trí thông minh nhân tạo Ada đang dạy cho các bé từ bảng chữ cái, con số đến các tiết học nghệ thuật, thể chất như hát, vẽ, yoga hay các môn thể thao khác. Đương nhiên, Ada còn phụ trách việc hướng dẫn các bé chơi đùa nữa.

Ở Trung Quốc, giáo viên trí thông minh nhân tạo Keeko đang được sử dụng trong hơn 200 trường mẫu giáo (số liệu năm 2017). Keeko không những trò chuyện với các bé mà còn biết đọc sách và dạy làm toán nữa. Chưa hết, nó còn hát, múa và chơi trò chơi với các bé.

Bộ Giáo dục Nhật Bản đã có nhiều cố gắng để nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Anh của giáo viên tiểu học lên chuẩn người bản xứ. Nhưng việc đó không dễ chút nào. Dù Bộ Giáo dục đã nỗ lực nhưng không thể đào tạo thành công giáo viên có thể sử dụng tiếng Anh như người bản xứ.

Gần đây, Bộ Giáo dục đã tìm ra phương pháp cực kỳ đơn giản. Đó là chỉ cần bố trí giáo viên trí thông minh nhân tạo dạy tiếng Anh. Theo báo cáo của NHK, “Dự án giáo viên tiếng Anh trí thông minh nhân tạo” được thử nghiệm ở 500 trường tiểu học trên toàn quốc từ tháng 4 năm 2019, sau đó dần dần sẽ được triển khai đến toàn bộ trường học.

Giao vien tri thong minh nhan tao anh 1

Nhiều nơi đang sử dụng giáo viên trí thông minh nhân tạo trong giáo dục. Ảnh: Poznyakov/openaccessgovernment.

Tại trường trung học ở thành phố Wichita, bang Kansas, Mỹ, giáo viên trí thông minh nhân tạo MATHia do Đại học Carnegie Mellon sản xuất đang giảng dạy môn Toán.

Tại Ba Lan, giáo viên trí thông minh nhân tạo do Photon Entertainment sản xuất được bố trí trong trường học, hỗ trợ học sinh học tập.

Phần Lan thì bố trí giáo viên trí thông minh nhân tạo có tên gọi là OVObot trong các trường học thí điểm trí thông minh nhân tạo, ở đây OVObot tham gia giảng dạy môn Toán.

Các trường tiểu học của thành phố Tampere nằm ở phía Nam Phần Lan ủy thác việc giáo dục ngôn ngữ cho giáo viên trí thông minh nhân tạo Elias. Elias có thể dạy 23 ngôn ngữ, nó giảng dạy theo cách phân tích trình độ học tập của học sinh, đưa ra phương pháp giáo dục và học tập thích hợp nhất với từng học sinh.

Tại Scandinavia, giáo viên trí thông minh nhân tạo do No Isolation chế tạo được bố trí ở trường học, giúp các học sinh không thể đến trường trong thời gian dài do điều trị bệnh hay lý do cá nhân khác có thể liên lạc và hòa hợp với bạn bè trong lớp.

Tại New Zealand, giáo viên trí thông minh nhân tạo Amy sở hữu phương pháp giảng dạy và học tập của các học giả uyên bác trên thế giới, nó được bố trí trong các trường thí điểm trí thông minh nhân tạo để dạy môn Toán cho học sinh.

Amy được học sinh đón nhận nồng nhiệt bởi vì Amy không tỏ vẻ thất vọng, không phát ngôn gây tổn thương lòng tự trọng, không bỏ rơi khi học sinh học kém. Thay vào đó, Amy ở bên cạnh để quan sát tỉ mỉ quá trình học sinh giải bài tập, tế nhị sửa những lỗi sai, giải thích niềm nở và tường tận đến khi học sinh hiểu vấn đề. Nói ngắn gọn, Amy đã thực hiện được vai trò của một giáo viên dạy Toán lý tưởng nhất đối với học sinh.

Trường công lập Boston, Mỹ đã thực hiện một dự án giáo dục mà đối tượng là các học sinh học kém, đặc biệt là học sinh trung học phổ thông nhưng không đọc được chữ. Dự án nhận được sự hợp tác của nhóm nghiên cứu của giáo sư Cynthia Breazeal thuộc Viện nghiên cứu MIT Media Lab, nơi phát triển trí thông minh nhân tạo Jibo.

Nội dung chính của dự án là trao việc hướng dẫn học sinh kém cho giáo viên trí thông minh nhân tạo Jibo. Kết quả thành công ngoài sức tưởng tượng. Khả năng học tập của học sinh được cải thiện vượt bậc.

Đại học bang Arizona, Mỹ đã tiến hành dự án giáo dục trí thông minh nhân tạo với 65.000 sinh viên. Các em được học các môn như Toán, Sinh vật, Kinh tế... với trí thông minh nhân tạo. Kết quả bất ngờ. Thực lực môn Toán của các sinh viên từng bỏ cuộc với môn Toán thời trung học phổ thông được cải thiện đến 28%; tỷ lệ rớt môn Sinh vật giảm 1,5%, từ 20% xuống 18,5%; tỷ lệ điểm dưới C cũng giảm 6%, từ 28% xuống còn 22%; tỷ lệ điểm dưới C môn Kinh tế cũng giảm 11%, từ 38% xuống còn 27%.

Sau khi tiến hành dự án giáo dục trí thông minh nhân tạo có đối tượng là trẻ em tự kỷ, nhóm nghiên cứu của giáo sư Brian Scassellati thuộc Đại học Yale, Mỹ công bố “Giáo viên trí thông minh nhân tạo đã mang lại thành quả ngoài mong đợi trong việc nuôi dưỡng bản năng xã hội của trẻ em tự kỷ".

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Pamela Rollins thuộc Đại học bang Texas, Mỹ đã nghiên cứu trị liệu cho trẻ em tự kỷ từ năm 1982. Cùng doanh nghiệp chuyên về trí thông minh nhân tạo Robokind, họ đã sản xuất ra Milo - giáo viên trí thông minh nhân tạo dành cho trẻ em tự kỷ.

Milo giúp phát triển các khả năng của trẻ em tự kỷ như khả năng điều tiết cảm xúc, khả năng đồng cảm, khả năng quan hệ xã hội... Nó mang lại hiệu quả điều trị đến 70%, cao hơn gấp 23 lần so với mức điều trị hiệu quả 3% theo phương pháp giáo dục truyền thống.

Thực tế này được thể hiện rõ trong đoạn phỏng vấn của truyền thông với bà Katie Hill, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kipp, Texas, nơi đang ứng dụng Milo vào trường học để giáo dục cho trẻ tự kỷ: “Những trẻ tự kỷ có tiếp xúc với Milo đều bộc lộ sự thay đổi tức thì. Khả năng tiết chế của các em được cải thiện rõ ràng, các em tham gia tương tác xã hội và tiến bộ đến bất ngờ".

Hiện nay số trường học đang ứng dụng Milo lên đến con số khoảng 300.

Lee Ji-sung / Phương Nam Book và NXB Thế giới

SÁCH HAY