Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những kỷ niệm êm đềm và kinh hoàng về mùa nước nổi miền Tây

Xoay quanh các câu chuyện về mùa nước nổi, tác phẩm "Sống cùng nước" của nhà văn Trương Chí Hùng đã ghi lại một cách sinh động nét văn hóa của người dân miền Tây.

Song cung nuoc anh 1

Tác phẩm Sống cùng nước của nhà văn Trương Chí Hùng. Ảnh: NVCC.

Lớn lên tại vùng Thất Sơn - Bảy Núi thuộc tỉnh An Giang, nhà văn Trương Chí Hùng thường xuyên chia sẻ những kỷ niệm, hiểu biết của mình với độc giả về vùng đất và cuộc sống của con người nơi đây.

Sau các tác phẩm về chốn đồng quê, miền sông nước như: Một nửa quê nhà, Trong sương thương má, Miền Tây lạ lắm à nghen, Nẻo đời phiêu bạt… nhà văn Trương Chí Hùng tiếp tục ra mắt độc giả cuốn sách Sống cùng nước với những câu chuyện độc đáo về một cuộc sống bình dị nhưng cũng nhiều bất trắc, mang đậm dấu ấn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi.

Cuộc sống của dân miền Tây trước đây không thể tách khỏi môi trường nước, từ những đứa trẻ phải tập bơi từ sớm để tránh đuối nước, cho đến những người lớn hàng ngày lao động, sinh sống nhờ nguồn nước, đặc biệt là mùa nước nổi mỗi năm.

Dưới lăng kính của nhà văn Trương Chí Hùng, những việc đời thường nhất, bình dị nhất từ làm nước mắm, dỡ chà bắt cá, nhấp ếch… đến những từ ngữ thường được người miền Tây sử dụng trong đời sống hàng ngày như "ăn cù lao", "ma da rút giò" hay "chơi tới bến"… đều được diễn giải một cách sinh động và chân thực.

Mùa nước nổi miền Tây thường được biết đến với những khung cảnh êm đềm, nên thơ. Còn với nhà văn Trương Chí Hùng, mùa nước nổi không chỉ thơ mộng mà còn xen lẫn những ký ức "kinh hoàng".

“Mùa nước nổi kéo dài chừng bốn tháng, nhấn chìm cả miền Tây, cho dân quê tôi rất nhiều tôm cá nhưng cũng mang đến không ít rủi ro, bất trắc... Mỗi năm nước lớn là bao nỗi kinh hoàng đối với người dân, nước gây đói khát chết chóc, nước trói chân người ta hàng tháng trời trong những căn nhà chật hẹp kê cao gần tới nóc’’, anh mô tả.

Song cung nuoc anh 2

Nhà văn Trương Chí Hùng. Ảnh: NVCC.

Những câu chuyện kể tuy ngắn nhưng đã đủ sức gợi lên trong người đọc ấn tượng về quy luật của cuộc sống, sự công bằng của mẹ thiên nhiên. Ở đây, nước được ví như tài sản quý giá mang lại nhiều lợi ích cho con người. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng mang đến không ít mất mát cho người dân.

Có thể nói, thế giới trong ký ức tuổi thơ của nhà văn Trương Chí Hùng lắm điều thú vị nhưng cũng không thiếu những chuyện đau thương. Dù như vậy, nhà văn Trương Chí Hùng vẫn mong ghi lại một cuộc sống mùa nước nổi từng rất quen thuộc ở miền Tây nhưng đang dần phai nhạt.

Chia sẻ với Zing, nhà văn Trương Chí Hùng cho biết thời gian gần đây, mùa nước nổi ở miền Tây không còn như trước, ít khi xuất hiện và văn hóa gắn với sông nước ngày một phai mờ.

"Tôi viết cuốn sách này với mong muốn lưu giữ lại nét đẹp trong ngôn ngữ, văn hóa sông nước mà cha ông chắt chiu bao đời nay, giờ đang đứng trước nguy cơ mai một. Tôi muốn kể lại những câu chuyện về quê mình, qua ký ức của tôi và các vị cao niên nơi đây. Từng trang viết là ký ức, hoài niệm của tôi về những năm tháng cơ cực nhưng đầy nghĩa tình với gia đình, chòm xóm, gắn với không gian sông nước mênh mông", anh bày tỏ.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

Nét độc đáo của miệt Hậu Giang

Nhiều câu chuyện kể cụ thể, tự nhiên về lối sống và tính cách của bà con miền Tây được ghi lại trong tác phẩm "Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang".

Những mảnh đời, thân phận chìm nổi nơi sông nước miền Tây

Hai mươi bốn bút ký trong "Người chở chữ qua sông" được tác giả Lê Quang Trạng thẩm thấu, tái hiện qua sự đồng cảm với nhân vật, cảnh, người miền Tây.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm