Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những mảnh đời, thân phận chìm nổi nơi sông nước miền Tây

Hai mươi bốn bút ký trong "Người chở chữ qua sông" được tác giả Lê Quang Trạng thẩm thấu, tái hiện qua sự đồng cảm với nhân vật, cảnh, người miền Tây.

Người viết trẻ khi đặt bút viết thường có ba hướng lựa chọn. Một là viết những điều mình trực tiếp trải nghiệm, quan sát, lắng nghe từ cuộc sống xung quanh. Hai là viết về những kinh nghiệm sách vở mình đã đọc, tiếp thu được. Ba là kết hợp vốn trải nghiệm cùng vốn đọc để viết. Phải nói rằng chẳng có đúng hay sai ở đây, khi hướng đi nào cũng đầy rẫy chông chênh, khó khăn.

Ở lựa chọn thứ ba, tác giả Lê Quang Trạng, quê Chợ Mới, An Giang đã đưa đến cho người đọc một cái nhìn trực diện về những mảnh đời, thân phận chìm nổi nơi sông nước miền Tây, kết hợp cùng các khảo cứu lịch sử, văn hóa làm nên tập bút ký Người chở chữ qua sông.

Nguoi cho chu qua song anh 1

Sách Người chở chữ qua sông. Ảnh: Mộc Uyển.

Lựa chọn của người viết trẻ

Ngay ở bút ký được dùng làm tên cho tập, ta bắt gặp hình ảnh những cô giáo dạy học nơi cồn Phó Ba đầy khó khăn, vất vả. Cồn ở đây là mảnh đất đơn côi nằm giữa dòng sông Hậu, với bốn không: không đường, không điện, không trạm xá, không nước sạch. Ngày ngày, các cô phải dậy sớm ra bến sông gửi xe rồi đi đò qua, chiều về cũng lại lần đò nữa. Sách vở, quần áo đồng phục các em thiếu thốn các cô cũng đi vận động, xin từ các trường trên thành phố.

Mùa nước lớn các cô ở luôn căn nhà tạm bên cồn, sáng đi một vòng đón học sinh đi học, trưa dẫn về. Nhiều lần dùng dằng muốn bỏ trường xin vào phố dạy gần chồng gần con, nhưng rồi cứ nhìn vào mắt đám học sinh nhỏ lại chẳng nỡ…

Tạm xa các cô giáo bên cồn Phó Ba, người đọc còn gặp những người theo nghiệp sông nước. Họ làm đủ nghề từ đánh cá, chở hàng, đến việc đem lại thu nhập chính là lặn vớt ghe thuyền bị chìm, vỏ tàu bán sắt vụn, khúc cây to bán củi, đến lặn vớt xác người.

Dụng cụ lặn đơn giản chỉ là một chiếc mỏ neo (hoặc xích sắt) nặng để chìm, ống dây dẫn từ máy thổi hơi đặt trên bờ, cùng chai nước mắm uống mỗi khi xuống nước. Họ là những người theo "nghiệp Bà Cậu", nói chính xác ra là những người theo nghề thợ lặn, lấy lòng sông làm nơi mưu sinh chính của mình.

Nguy hiểm đầy rẫy, vì áp suất nước mạnh nên nhẹ thì tức ngực khó thở, nặng thì đột quỵ, thậm chí bỏ mạng, rồi nhiều người quá ám ảnh khi vớt xác thành điên. Nhưng nói thế nào thì nói họ vẫn không bỏ nghề, vẫn ngày ngày cần mẫn mưu sinh, bởi quan niệm nghề thợ lặn không chỉ kiếm ăn mà còn là làm phước.

Rồi đến bà Sáu trong bút ký Tôi không bỏ được xứ này cũng không bỏ được nghề bán hột vịt lộn ở chợ Đất Mũi, Cà Mau. Sâu xa hơn, bà không bỏ được cái xứ sở tận cùng dải đất hình chữ S mà trở về nhà ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Cái xứ sở ấy tuồng như bạc đãi bà, tài sản bao năm tích góp cùng ngôi nhà nằm cạnh dòng sông đất lở vài lần cuốn đi mất dạng. Chỉ còn bà cùng con mèo mướp già nhặt ở chợ Năm Căn may mắn chạy kịp.

Chẳng sao, với số vốn bà con giúp, người ít người nhiều bà dựng lại gánh vịt lộn. Nhà ở thì ở nhà người này vài bữa, nhà kia vài bữa, ăn uống cũng thế. Cả xứ tận cùng nuôi một bà má không máu mủ ruột già từ nơi khác đến, để ngày ngày ghé vào ăn quả trứng, nói dăm câu ba điều vu vơ về nhân tình thế thái.

Nguoi cho chu qua song anh 2

Người miền Tây mưu sinh trên sông nước. Ảnh: Phạm Ngôn.

Viết từ tình yêu với nơi chôn nhau cắt rốn

Hai mươi bốn bút ký trong tập đa số đều được tác giả Lê Quang Trạng thẩm thấu, tái hiện qua sự đồng cảm với nhân vật của chính mình. Những số liệu được làm mềm hóa, xuất hiện khi thực sự cần nhằm phục vụ cho câu chuyện chính được kể.

Vậy nên những chủ đề tưởng khô khan như về anh Hoa Sĩ Hiền, người sản xuất giống lúa TC1 đến TC30 chịu được mặn trong Nhà nông của những nhà nông được viết rất hoạt, cuốn hút. Đến chủ đề nặng nề như thảm sát Ba Chúc vào tháng 4/1978 của quân Khmer Đỏ trong Từ miền đất chết cũng được viết dưới góc nhìn riêng của người trẻ hôm nay khi nhìn về quá khứ. Không chỉ có máu, nước mắt, đau khổ mà còn là sự vươn lên, hồi sinh của một vùng đất, của những nhân chứng đã trải qua những giờ phút khổ đau tột cùng.

Rồi chủ đề tưởng khó viết về quân đội, chiến tranh cách mạng, đòi hỏi nhiều tri thức chuyên ngành trong Như những thiên thần, Bộ đội của phum, Từ ký ức chiến trường đến việc làm đời thường, Chiếc cầu nối hai bờ biên giới… được xử lý khéo léo, đi sâu vào hành động, tâm tư nhân vật, tránh được sự lên gân, hô hào mà những bài viết cùng dạng thường hay mắc phải. Với các chủ đề thiên về văn hóa vùng đất như Dọc những triền sông, Lũ đẹp, Cánh cung Bảy Núi, Linh hồn mắm, Linh hồn của đất, Đệ nhất cù lao của vùng Nam Bộ, Âm vang xe ngựa Thất Sơn, Mắm Tết miền Tây… được viết kỹ lưỡng, trau chuốt, nổi rõ đặc trưng riêng biệt của miền, chi tiết đưa ra độc lạ không lặp lại. Với người đọc ưa du lịch khám phá thì những bài bút ký này chắc chắn là một cẩm nang tham khảo thú vị, bổ ích trước mỗi chuyến đi.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khi giới thiệu về tập bút ký Người chở chữ qua sông đã viết: “Đọc tập bút ký, tôi thấy nó đặc quánh chất miền Tây và vẫn tầng tầng lớp lớp các suy ngẫm, nhiều tư liệu thuyết phục được trích dẫn tinh tế, sau khi chúng thanh lọc qua cái đầu 'cụ non' của Trạng. Tôi đánh giá cao khả năng 'làm mềm hóa dữ liệu' của 'con mọt sách' này. Trạng làm mềm chúng bằng chất văn hồn nhiên, tình yêu mảnh đất chôn nhau cắt rốn và cắm dùi ở đó (chưa bao giờ rời xa) của mình với An Giang, rồi xứ Cà Mau, miền tột Nam, các mùa nước nổi với bông điên điển và cá linh…”.

Sinh năm 1996, với hành trang năm tập sách đã in gồm: Dòng sông không trôi (tập truyện ngắn), Thủ lĩnh băng vịt đồng (truyện dài), Vệt sáng của bụi (tập truyện ngắn), Áp tai vào đất (tập thơ); cùng nhiều giải thưởng đã đạt được như Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ, Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam…; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tập bút ký Người chở chữ qua sông thêm một lần khẳng định con đường đang đi của tác giả Lê Quang Trạng là đúng, kết hợp vốn đọc cùng vốn đi để tạo nên điểm đặc sắc, riêng biệt cho ngòi bút của mình.

Tìm chủ nhân tương lai của nền văn học Việt

"Tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình”, ông Nguyễn Quang Thiều nói tại khai mạc hội nghị nhà văn trẻ.

Các nhà văn trẻ truyền thông điệp tích cực trong mùa dịch

Nam Kha, Dy Khoa hay Liêu Hà Trinh là các cây bút trẻ đã và đang bắt nhịp hiện thực xã hội để tìm nguồn cảm hứng viết sách.

Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm