Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn trẻ tự gỡ ‘vòng kim cô’ để viết

Vượt qua những định kiến mà mình đặt ra, học hỏi, trải nghiệm thế nào, nuôi dưỡng cảm xúc ra sao... là những vấn đề mà các cây bút trẻ quan tâm khi chọn theo văn nghiệp.

“Bao giờ chúng ta mới bỏ qua được những đường biên để các thể loại văn chương, tác phẩm được tự do bay lên?” là câu hỏi mà tác giả Mạc Yên (Cần Thơ) đặt ra tại hội thảo “Vì sao chúng ta viết?”. Chương trình được tổ chức sáng 19/6 tại Đà Nẵng.

Làm thế nào để vượt lên những định kiến mà người cầm bút tự đặt ra cho mình, làm sao để tự tin sáng tạo là trăn trở chung của nhiều cây bút tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X.

Nha van tre anh 1

Tác giả Mạc Yên (trái) và Phát Dương tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Ảnh: Y.N.

Xóa bỏ những định kiến để sáng tạo

Thế giới văn chương phong phú với nhiều thể loại. Nhiều cây bút trẻ hôm nay chọn viết khoa học viễn tưởng, trinh thám, kỳ ảo… Theo Mạc Yên, dù viết với hình thức nào thì cái cuối cùng của văn học nghệ thuật vẫn là tư tưởng. Tuy vậy, người viết trẻ thường gặp những trở ngại về quan điểm, tư tưởng. Đi tìm mình, xác định bản ngã, quan điểm… cũng là chủ đề chính trong những trang văn của Mạc Yên.

Tương tự, tác giả Phát Dương trăn trở người viết trẻ đôi khi cầm bút với bao ngần ngại. “Chúng ta có được tự do viết hay không? Có dám viết ra những gì chúng ta muốn không? Hay chúng ta còn đang ngần ngại công chúng sẽ đón nhận tác phẩm của ta ra sao? Giám khảo giải thưởng văn chương sẽ đánh giá gì?”, Phát Dương nêu câu hỏi.

Đối thoại với cây bút trẻ, nhà văn Khuất Quang Thụy nói: “Các bạn trẻ đừng tự kiểm duyệt mình, đừng hạn chế tự do sáng tạo”.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, khuyên người trẻ hãy dấn thân vào con đường văn học mênh mông.

Ông nói: “Những cuốn sách gai góc đều đã xuất bản, các tác giả gai góc như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… đã trở thành những bóng lớn trên văn đàn. Nên chúng ta cứ viết, không có rào cản nào cả; cứ viết thật hay”.

Là cây bút thành danh từ khi còn trẻ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giờ đây trở thành giám khảo một số giải thưởng văn chương uy tín. Chị cho rằng việc quan sát giám khảo, thế hệ đàn anh nghĩ gì về mình, công chúng đón nhận ra sao… đều là những yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Điều quan trọng nhất với nhà văn là làm sao viết tốt mà thôi.

“Chúng ta đừng tự đội cho mình chiếc vòng kim cô”, TS Lê Vũ Trường Giang (Huế) nói. Anh khích lệ các cây bút trẻ tự tháo bỏ những rào cản để tác phẩm của mình được cất cánh.

Sống, trải nghiệm để tránh rơi vào văn chương salon

Một trong những vấn đề được người viết trẻ quan tâm là làm sao viết nên những tác phẩm có chiều sâu. TS Lê Vũ Trường Giang cho rằng với người viết trẻ, xác lập tư tưởng là quan trọng. Nhưng điều đó không có nghĩa người cầm bút nhất thiết phải ngồi trong thư phòng đọc để am tường mọi quan điểm, tư tưởng.

Nha van tre anh 2

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (thứ nhất từ trái sang) nói điều cần quan tâm nhất của một nhà văn là làm sao viết thật tốt. Ảnh: Y.N.

“Người trẻ chưa có thời gian để trải nghiệm nhiều. Chúng ta hãy sống thật sâu, lắng nghe những bi kịch, những câu chuyện quanh ta. Viết chỉ dựa vào những điều ta thấy trong sách vở nhiều quá, thì trang viết là văn học salon”, cây bút xứ Huế bày tỏ quan điểm.

Tác giả Căn cước xứ mưa cho rằng người viết hãy thường xuyên trao đổi, quan sát, nuôi dưỡng cảm xúc chân thành bằng việc sống thực với đời sống này. “Chúng ta đừng mặc chiếc áo quá rộng so với chính mình. Mỗi người đều có hạt ngọc của riêng mình, hãy mài giũa cho thật sáng, đẹp”, Lê Vũ Trường Giang trao đổi với các cây bút trẻ.

Đồng quan điểm, tác giả Phát Dương nói khi xem Pokémon, công chúng có thể tán thưởng trí tưởng tượng của đội ngũ tác giả; thật ra các sinh vật thú vị đó đều được xây dựng, liên tưởng tới đời sống thực của chúng ta. “Ta cứ sống, cứ trải nghiệm để có nội tâm phong phú”, Phát Dương nói.

Phát Dương cho biết tuổi thơ nhiều lần chuyển nơi sống, tiếp xúc nhiều người cho mình những trải nghiệm để viết tác phẩm hư cấu.

Một xu thế mà nhiều cây bút trẻ quan tâm hiện nay là văn học mạng. Luận bàn về xu thế này, cây bút Lê Ngọc (Ninh Bình) đặt ra vấn đề chất lượng văn chương trên Internet. Anh cho rằng khi nói tới chất lượng văn chương, dường như ai cũng chỉ xem xét tác phẩm trên sách in, còn văn học mạng thì buông trôi, thả nổi. Nhiều tác phẩm hư cấu nhưng sai kiến thức khoa học, phi logic… vẫn được đọc nhiều.

Internet giúp người viết thế hệ mới dễ dàng công bố tác phẩm, nhưng nó cũng đặt ra yêu cầu người viết phải thận trọng, tránh dễ dãi với tác phẩm của mình. Tác giả Nguyệt Chu cho rằng Internet là nơi có đủ vàng và thau, có cả “hàng auth” lẫn “hàng chợ”. Người cầm bút trẻ cần nghiêm khắc với mình, còn người đọc nên có kiến thức, bản lĩnh để lựa chọn những gì mà mình sẽ tiếp nhận.

Tác giả Trần Duy Thành (TP.HCM) làm việc cho một công ty sách, quản lý một dòng sách chuyên khai thác tác phẩm của tác giả Việt. Anh cho rằng nhà văn nên quan tâm hơn tới việc công bố tác phẩm của mình, trong đó Internet là công cụ thuận lợi. Một nhà sách khi lựa chọn bản thảo có nhiều tiêu chí. Những tác giả trẻ có sách in nhiều, số bản in lớn… đều là những người đã xây dựng tốt hình ảnh của mình trên mạng xã hội.

“Với tư cách người làm sách, tôi nghĩ các bạn viết văn, bên cạnh chăm chút nội dung, nên quan tâm tới sự xuất hiện bài viết của mình, cách tiếp cận độc giả, xây dựng hình ảnh…”, Trần Duy Thành nói.

Học hỏi qua sách vở, trải nghiệm, vượt lên những rào cản chính mình đặt ra, một số cây bút trẻ đã tự tin khẳng định bản thân trên trang viết. Tác giả Nguyệt Chu cho rằng ngày nay không có đường biên nào từ bên ngoài, người trẻ có quyền viết bất cứ điều gì mình tâm đắc. “Không ai đặt biên giới, viết là lựa chọn của riêng mình. Chọn rồi thì hãy đi đến tận cùng ước muốn, đam mê của mình”, Nguyệt Chu nói.

Tìm chủ nhân tương lai của nền văn học Việt

"Tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình”, ông Nguyễn Quang Thiều nói tại khai mạc hội nghị nhà văn trẻ.

Có phải cứ trải nghiệm mới viết được văn?

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, bất kỳ nhà văn nào khi cầm bút cũng cần chắt lọc vốn sống từ trải nghiệm thực tế và đọc những tác phẩm hay của thế hệ đi trước.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm