Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu 2022, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm để độc giả gặp gỡ và giao lưu trực tuyến với nhà văn Laurent Demoulin, tác giả cuốn sách Robinson có-tự kỷ của tôi. Buổi toạ đàm còn có sự góp mặt của nhà giáo Trịnh Thị Lệ Thu, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương, khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhà văn Laurent Demoulin. Ảnh: objectif. |
Cơ hội trao đổi với nhà văn Laurent Demoulin
Giành giải Victor-Rossel danh giá của văn học Bỉ, Robinson có-tự kỷ của tôi là tác phẩm rất đỗi cảm động về tình phụ tử, cũng như về hành trình tìm hiểu thế giới nội tâm của những đứa trẻ tự kỷ.
Câu chuyện cảm động về Robinson, một cậu bé tự kỷ 10 tuổi, và người cha là giáo sư đại học gồm những mẩu chuyện ngắn xảy ra trong cuộc sống thường ngày của hai cha con: những lần đi siêu thị, những cuộc hẹn hò dạo quanh khu phố, những buổi tới công viên hay những câu chuyện dở khóc dở cười của người cha khi ở nhà trông cậu con trai khó chiều.
Tuy thế giới của hai cha con chỉ xoay quanh những chuyện tưởng như đơn giản là ăn uống, tắm rửa, mua sắm…, đó là cả một cuộc phiêu lưu chồng chất những khó khăn, thách thức và cả đau đớn, tuyệt vọng. Qua đó, độc giả nhận ra sự tinh tế lẫn hài hước trong lối viết của tác giả - người có khả năng biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử.
Robinson có-tự kỷ của tôi lẽ ra là một cuốn sách nặng nề đau đớn bởi khiếm khuyết mà cậu bé phải chịu, vậy mà độc giả lại bắt gặp những câu chuyện trong trẻo, hài hước, tràn đầy năng lượng từ cậu bé kháu khỉnh ấy, từ những tiếng reo vui đến điên rồ và cả từ tình yêu mà cậu dành cho người cha sẵn lòng chấp nhận toàn bộ con người cậu. Người cha ấy không nản chí, không bi kịch hóa cuộc đời mà luôn dang rộng vòng tay yêu thương.
Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Việt Nam vào tháng 12/2021, Laurent Demoulin từng chia sẻ về tác phẩm của mình: “Đây là một cuốn tiểu thuyết, không phải một câu chuyện có thật. Tôi chỉ viết lại câu chuyện thông qua ngôn ngữ văn học. Tôi xin nhấn mạnh, đây là một câu chuyện về tình yêu. Tôi nói về những tình huống thường ngày của một đứa trẻ có-tự kỷ. Để có những 'thường ngày' vui vẻ nhẹ nhàng ấy đòi hỏi cha cậu phải có một tình yêu thương rất lớn dành cho con. Cậu bé đã rất vui vẻ, hành trình của cậu mà chúng ta thấy có thể có hành động ngốc nghếch, khác biệt, nhưng điều quan trọng là cậu đã rất vui vẻ trong thế giới của mình. Tôi hi vọng đây là cuốn sách có nhiều chất thi ca".
Robinson có-tự kỷ của tôi là tất cả, là thiên sử thi và khúc bi ca, là chuyện kể phiêu lưu và vở hài kịch, là suy tưởng triết học và chuyến dạo chơi về văn chương, nhưng nó hoàn toàn không phải một “bản tường trình” về căn bệnh tự kỷ. Bởi trên hết, Laurent Demoulin là một nhà văn với ngôn từ phong phú, một giáo sư văn học, chuyên gia ngôn ngữ. Bằng ngôn từ của mình, ông đã biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử.
Sách Robinson có tự kỷ của tôi. |
Tọa đàm về sách của Delphine de Vigan
Cùng trong các hoạt động hưởng ứng Ngày hội Văn học Châu Âu, Viện Pháp phối hợp Nhã Nam tổ chức buổi ra mắt cuốn sách Dựa trên một câu chuyện của thật, tiểu thuyết của nữ nhà văn Pháp Delphine de Vigan. Lấy đề tài thao túng tâm trí, cuốn sách đã đoạt giải thưởng văn học Pháp Renaudot năm 2015.
Trong tiểu thuyết này, nữ nhà văn Delphine de Vigan đã hóa thân vào câu chuyện và tái hiện chính mình. Với cô, việc viết nên cuốn sách còn thể hiện một cuộc chiến dai dẳng chống lại nỗi sợ viết lách. Đây là cuốn tiểu thuyết về nỗi kinh hoàng, nhưng cũng là một câu chuyện tràn đầy hy vọng.
Cuốn tiểu thuyết có cốt truyện khá đơn giản và không khó nắm bắt. Delphine là một tiểu thuyết gia, cô có hai người con sinh đôi sắp sửa rời nhà để theo học đại học, cô yêu một nhà báo chuyên phỏng vấn các nhà văn và cô vừa cho xuất bản một cuốn sách bán chạy.
Một hôm sau buổi ký tặng sách, Delphine làm quen với L. Đẹp, nữ tính, quyến rũ, người phụ nữ này lập tức khiến cô bị mê hoặc. Xuất hiện đúng vào lúc Delphine đang bấp bênh dưới áp lực về những gì độc giả mong đợi ở cô, L. len lỏi vào cuộc sống của cô, gây ảnh hưởng, thao túng, kiểm soát cô lúc nào mà cô không hay. L. nhận là bạn học cũ của Delphine, trích dẫn những quyển sách cô từng đọc, khiến cô có cảm giác thân thuộc, tìm được người thấu hiểu mình…
Nhà văn Delphine de Vigan. Ảnh: Telerama. |
Xoay quanh sự phát triển tình bạn giữa hai người sau này, Delphine phải đối mặt với những hoài nghi cùng lo sợ trước công việc viết lách của mình, cô chìm dần vào tình trạng trầm cảm nặng. L. tự xem mình như lương tâm thứ hai của cô, một tiếng nói thì thầm những câu hỏi mà cô không muốn nghe. L. dẫn cô vào những vùng đất dễ vấp ngã, khiến cô bất ổn, thúc đẩy nỗi sợ trong cô bằng cách khiến cô tổn thương người mình yêu quý. Cuối cùng Delphine đã hoàn toàn quy phục. Cô mặc cho L. kiểm soát toàn bộ đời mình, không giới hạn.
Qua nhiều cuộc trò chuyện giữa người kể và L., Delphine de Vigan còn đưa ra suy ngẫm về mối quan hệ giữa văn chương và hiện thực. Cô chất vấn tính chủ quan của văn chương, vai trò trị liệu của nó cũng như mối quan hệ của nó với độc giả. Viết sách liệu có phải là trình bày một sự thật? Delphine de Vigan mang đến một cái nhìn thú vị về hình tượng nhà văn đối diện trước tác phẩm của mình.
Cuốn tiểu thuyết mang màu sắc trinh thám tâm lý này đặt ra một câu hỏi: ngày nay liệu còn có thể viết một cuốn tiểu thuyết với cốt truyện cùng những nhân vật tưởng tượng hay nhà văn phải phơi bày ruột gan mình, những điều sâu kín trong mình, thế giới riêng của mình để khiến độc giả tin rằng tất cả những gì viết ra đều là thật? Đây chính là điều trăn trở xuyên suốt cuốn sách: thực tế hay hư cấu, hay có thể hòa trộn giữa cái thực và cái tượng tưởng, và cuối cùng liệu điều đó có quan trọng?
Dựa trên một câu chuyện có thật là một cuốn sách hay. Delphine de Vigan mang đến cho ta một tiểu thuyết đầy xúc cảm lẫn kinh ngạc và suy ngẫm. Sau cùng, Delphine không phải người kể chuyện cũng không phải L., mà có lẽ đâu đó giữa cả hai nhân vật. Vấn đề nhân dạng chính là cốt lõi của tác phẩm này.
Theo như Delphine từng chia sẻ, Dựa trên một câu chuyện có thật có thể đọc theo nhiều cấp độ. Từ mặt tâm lý kinh dị là cấp độ đầu tiên đến từ tình tiết truyện cho đến cấp độ thứ hai, có phần khó hiểu hơn, về mối liên hệ chặt chẽ và lằn ranh mong manh giữa hiện thực và hư cấu, cũng như vị trí của hiện thực trong văn học và điện ảnh ngày nay. Cuối cùng, ở cấp độ thứ ba, Delphine de Vigan hy vọng giúp người đọc thấy được những gì ở phía sau cánh gà của công việc sáng tạo, nơi các nhà văn, ở đây là Delphine, đấu tranh với lo âu và cả những con quỷ trong tâm trí mình.
Nhà văn Laurent Demoulin sinh năm 1966 tại Liège, Bỉ. Xuất thân là một giáo viên trung học, ông tiến xa hơn vào con đường nghiên cứu văn chương và đảm đương cùng lúc nhiều vai trò, nhà thơ, nhà tiểu luận, nhà phê bình văn học và hiện là giáo sư chủ nhiệm khoa Văn học và Ngôn ngữ Roman tại Đại học Liège.
Các luận án nghiên cứu của Demoulin xoay quanh sáng tác của Jean-Philippe Toussaint và Francis Ponge. Ngoài ra, ông còn là người phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Quỹ Georges Simenon.
Tác giả Delphine de Vigan sinh năm 1966 tại Boulogne-Billancourt. Sau khi theo học tại Trung tâm nghiên cứu văn học và khoa học ứng dụng, bà làm giám đốc nghiên cứu tại một viện khảo sát, dù vẫn luôn mơ ước trở thành nhà văn. Không từ bỏ ước mơ, mỗi ngày bà đều dành hai giờ để viết sau khi làm việc. Năm 2001, bà xuất bản tiểu thuyết đầu tiên Jours sans faim (tạm dịch: Những ngày không đói) dưới bút danh Lou Delvig.
Năm 2005, bà dùng tên thật xuất bản một tập truyện ngắn Les Jolis Garçons (Những cậu trai đẹp đẽ) cùng tiểu thuyết Un soir de décembre (Một tối tháng mười hai) và bắt đầu chuyên tâm vào viết. Kể từ đó, bà giành được nhiều thành công vang dội, các tiểu thuyết của bà được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được chuyển thể thành phim.