Điểm nhấn của trại viết là tọa đàm “Người viết trẻ trên hành trình sáng tạo” nhằm chia sẻ những thuận lợi và những khó khăn của một thế hệ cầm bút được thụ hưởng hòa bình và đang khao khát hội nhập.
Văn học đồng hành với cuộc sống, nên văn học luôn cần sự tiếp nối và sự bồi đắp của từng lớp nhà văn tâm huyết và sáng tạo.
Người viết trẻ của mỗi thời luôn có dấu ấn riêng và có thách thức riêng, tương ứng với bối cảnh xã hội mà họ trưởng thành.
Từ khi thành lập vào năm 1981 đến nay, Hội Nhà văn TP.HCM đã chứng kiến và đã đón nhận 3 thế hệ người viết trẻ.
Thế hệ thứ nhất, với Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Đoàn Vị Thượng, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Hồ Thi Ca, Thanh Nguyên...
Thế hệ thứ hai, với Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang...
Và bây giờ là thế hệ thứ ba, với Ngô Thị Hạnh, Anh Khang, Nguyễn Phong Việt, Lê Thùy Vân, Phương Huyền, Hồ Huy Sơn, Ngô Thúy Nga, Võ Chí Nhất, Nguyễn Thị Thanh Hoa, Trần Phi Long, Tiểu Quyên, Nguyễn Trần Thiên Lộc, Trần Đức Tín...
Tất nhiên, cũng có những tác giả xuất hiện lưng chừng, như những gạch nối giữa thế hệ nọ với thệ hệ kia.
Nhà thơ Lê Hưng Tiến. Ảnh: Văn Nghệ Công An. |
TP.HCM có đặc thù một đô thị phương Nam sầm uất, luôn quy tụ những người trẻ từ khắp nơi đổ về lập nghiệp. Con đường mưu sinh của họ vừa là chất liệu vừa là cảm hứng cho con đường bút mực của họ.
Văn hóa của nhiều vùng miền được tập hợp, được tương tác với văn hóa bản địa, hình thành màu sắc riêng trong sáng tác của người viết trẻ TP.HCM.
Nỗi ám ảnh ly hương, niềm tri ân đất mới và sự hạnh ngộ những tâm hồn đồng điệu là câu chuyện thường xuyên được phản ánh trong tác phẩm của người viết trẻ tại TP.HCM.
Hội Nhà văn TP.HCM nói riêng và đời sống văn chương TP.HCM nói chung, lúc nào cũng đủ chỗ cho mọi thể nghiệm, mọi thao thức, mọi gửi gắm của người viết trẻ.
Thế nhưng, trên hành trình sáng tạo của người viết trẻ hôm nay, có nhiều điều vẫn cần được nhìn lại, vẫn cần được nhắc tới, vẫn cần được sẻ chia, vẫn cần được luận bàn... một cách cởi mở và thiện chí, để cùng nhau lắng nghe và cùng nhau thấu hiểu.
Nếu như thế hệ thứ nhất có thể lan tỏa sáng tác qua những buổi sinh hoạt đoàn thể rộn ràng của thời bao cấp, thế hệ thứ hai được sự ủng hộ của báo chí - xuất bản trong giai đoạn phát triển thịnh vượng, thì thế hệ thứ ba lại bước vào thời đại bùng nổ Internet.
Nhiều ý kiến đã được thảo luận sôi nổi tại tọa đàm “Người viết trẻ trên hành trình sáng tạo” xoay quanh các câu hỏi: Mạng xã hội và dữ liệu lớn có tác động ra sao đến những người viết trẻ?
Khi công chúng xem điện thoại thông minh là vật bất ly thân, thì trang sách có bị thu hẹp biên độ thẩm mỹ lại hay không? Ý thức thị trường và kỹ nghệ PR có phải mối bận tâm của người viết trẻ ở kỷ nguyên số?
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh chia sẻ: “Tôi từng bỏ thơ để làm biên kịch và cũng có chút ít thu hoạch trong dòng phim thị trường. Thế nhưng, bây giờ tôi cảm thấy rất lãng phí nếu xa rời văn chương. Bởi lẽ, trang viết cho tôi được những giây phút là chính mình, những giây phút của riêng mình”.
Còn nhà văn Ngô Thúy Nga thổ lộ: “Tôi làm biên tập ở nhà xuất bản, cũng học hỏi được nhiều điều từ trang viết của đồng nghiệp. Nhất là qua tác phẩm của bạn bè cùng trang lứa, tôi tìm được sự tương tác ấm áp. Trước đây, tôi xem việc cầm bút như một cách chữa lành tâm hồn. Thế nhưng, càng ngày tôi càng nhận ra, văn chương là một cái duyên, một cái nghiệp mà mình không thể trốn tránh”.
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh và nhà thơ Trần Đức Tín. Ảnh: Văn Nghệ Công An. |
Hành trình sáng tạo, nghĩ cho cùng, mỗi cá nhân vẫn cô đơn trước trang viết. Thế nhưng, tình yêu văn chương vẫn phải được gìn giữ bằng thái độ truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác và truyền lửa giữa những người cùng thế hệ cho nhau.
Truyền lửa đam mê, có thể chỉ là động tác trao cho nhau một ngọn nến nhỏ đang cháy, chứ không thể là hành vi trao cho nhau một cây đuốc đã tắt.
Nhà thơ Trần Đức Tín, người vừa được giải thưởng Nhà Văn trẻ năm 2021 của Hội Nhà văn TP.HCM, bộc bạch: “Hiện tại, đối với tôi, khó khăn nhất vẫn là việc xuất bản. Bên cạnh nỗi lo tài chính, tôi cũng gặp trở ngại về phát hành. Độc giả ở đâu, nếu cộng đồng không nâng cao văn hóa đọc? Tập thơ in 500 bản, nếu mang đi tặng thì cũng mất thời gian và công sức. Tôi thử rao hàng và bán trên Facebook thì cũng thấy hiệu quả tương đối tích cực”.
Lắng nghe tâm tư ấy, nhà văn Bùi Anh Tấn - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - lập tức hồi đáp: “Tác phẩm văn chương cũng có yếu tố may rủi, giống như số phận con người. Có những cuốn sách bán chạy, cũng chỉ là phục vụ nhu cầu nhất thời. Tôi thấy rằng, bây giờ có nhiều tác giả làm truyền thông rất tốt, bán hàng rất giỏi, nhưng cần phân biệt văn chương và vài thứ na ná văn chương chạy theo thị hiếu. Cho nên, dấn thân vào sáng tạo, cũng phải chấp nhận đôi chút thiệt thòi một cách tự nguyện”.
Đồng cảm với tọa đàm “Người viết trẻ trên hành trình sáng tạo”, một số khách mời cũng đã bày tỏ quan niệm cá nhân.
Nhà thơ Lê Hưng Tiến từ Ninh Thuận cho rằng nhà văn trẻ hôm nay cần tìm hiểu về những dòng chảy văn học thế giới, bởi những thẩm mỹ khác, những trào lưu khác cũng góp phần bồi đắp cho ý thức cầm bút chuyên nghiệp.
"Vừa rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng về giải Nobel Văn học cho Việt Nam là một tín hiệu giục giã chúng ta phải hành động. Tôi nghĩ có ba việc cần làm để có thế hệ mới cho văn chương nước nhà, thứ nhất là đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình, thứ hai là tăng cường công tác dịch thuật và thứ ba là đưa văn học hiện đại vào chương trình giáo dục học đường”, ông Tiến nói.
Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk - lại suy tư: “Tôi là cây bút được phát hiện và chăm lo từ năm 10 tuổi trong phong trào sáng tác học trò ở Tây Nguyên. Rất nhiều người cùng nhận được sự hỗ trợ từ thời ấy, nhưng chỉ còn lại mỗi mình tôi theo đuổi văn chương. Điều ấy có nghĩa là sự bồi dưỡng và sự nâng đỡ của người đi trước rất quan trọng, nhưng cốt lõi thành bại vẫn phụ thuộc vào sự cố gắng của bản thân, tình yêu văn chương của bản thân”.
Tương tự, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - cũng động viên các đồng nghiệp trẻ: “Thước đo của văn chương không phải là số lượng tác phẩm hay mức độ ăn khách, mà là đam mê nghề nghiệp và kích cỡ tài năng. Văn chương đòi hỏi nỗ lực tự thân, còn tổ chức hội chỉ tạo môi trường trau dồi và khuyến khích sáng tạo. Làm văn chương, phải lấy ngắn nuôi dài, và bước đi một cách đàng hoàng tử tế”.
Cũng có mặt giao lưu tại trại viết trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Bruce Weigl từng là cựu binh Mỹ, nhắn nhủ: “Sau khi rời khỏi chiến trường Việt Nam cuối năm 1968, tôi mang một vết thương trong cơ thể u buồn và một nỗi đau trong trái tim tăm tối. Tôi biết mình đã sai lầm khi tham chiến tại Việt Nam. Rất xấu hổ và rất ăn năn, tôi quyết tâm phải làm một điều gì đó cho Việt Nam, để xoa dịu những bất an của chính mình.
Tôi trở thành một dịch giả từ những tư liệu mà lính Mỹ tịch thu được của lính Việt. Hầu hết trang giấy được cất giữ của lính Việt đều là những bài thơ thương nhớ quê nhà, thương nhớ cha mẹ, thương nhớ người yêu.
Tôi đã đọc và khóc. Thì ra, giữa giằng co bom đạn khủng khiếp lúc ấy, chúng tôi chỉ là những gã cao bồi hiếu thắng, còn lính Việt là những nhà thơ đôn hậu. Văn chương đã cứu rỗi cuộc đời tôi khỏi những ám ảnh chiến tranh Việt Nam.
Các bạn là thế hệ hòa bình, cần nỗ lực đưa văn chương Việt Nam ra khỏi biên giới để phô diễn vẻ đẹp Việt Nam thời hội nhập.
Đừng bao giờ nói “tôi không có gì để viết ra cả”, vì ngay câu nói đó cũng đã là một điều để viết. Hãy nhìn vào cuộc sống chính mình và những người xung quanh, sẽ có rất nhiều điều để nghĩ, để viết cho Việt Nam hôm nay và mai sau”.