Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người thực sự sống tới hơn trăm tuổi đã ăn gì

Theo Makita Zenji ở khu vực phía Bắc Okinawa có nhiều người sống thọ trên trăm tuổi. Người ở vùng này vẫn duy trì những thói quen ăn uống từ xa xưa như là ăn mướp đắng hàng ngày.

Tuổi thọ trung bình trên thế giới trong 35 năm trở lại đây đã tăng thêm 10 năm tuổi. Ngay cả ở Nhật Bản, những thời kì mà người ta cho là “đời người chỉ sống 50 năm” giống như một trò đùa khi mà hiện nay chuyện “sống tới 100 tuổi” đã trở thành điều bình thường.

Trong thực tế, số người Nhật sống tới hơn 100 tuổi đã đột phá mốc 60.000 người. Ngay cả chúng ta cũng rất có khả năng sẽ gia nhập vào hàng ngũ đó.

Thế nhưng, khi tôi truyền đạt lại điều này cho các bệnh nhân của mình, họ lại chỉ cười và bảo: “Không cần sống dai tới mức đó đâu. Tôi chỉ cần sống tới 85 tuổi là mãn nguyện lắm rồi”.

Ấy vậy mà khi hỏi những người sống tới 100 tuổi là “Ông bà đã cảm thấy mình sống đủ chưa ạ?” thì họ lại trả lời rằng “Tôi còn muốn sống lâu hơn nữa”. Dường như có một thứ gì đó giống như cảm giác hạnh phúc, một vũ trụ quan đặc biệt ít phiền não mà bạn chỉ có thể đạt được khi bước qua ngưỡng cửa của tuổi 100.

Và nếu có thể thưởng thức thế giới tuyệt vời ấy, thì con người chúng ta chắc chắn đều sẽ muốn sống hơn trăm tuổi. Vậy, rốt cuộc chúng ta nên làm gì để đạt được điều đó?

Thay vì lắng nghe lý luận của những người còn chưa đạt được tới ngưỡng cửa đó, điều tốt nhất là chúng ta nên học hỏi từ những người đã thực sự sống hơn 100 tuổi. Một nhà nghiên cứu 40 tuổi dù có nói rằng “nếu làm thế này con người sẽ sống thọ” cũng chẳng ai có thể biết được là chính bản thân người đó liệu có thể sống tới bao nhiêu tuổi.

Thay vào đó, tôi lại lựa chọn cách tìm hiểu xem những người thực sự sống tới hơn trăm tuổi đã ăn gì, sinh hoạt ra sao và bắt chước theo họ.

Từ rất lâu trước đây, trên thế giới người ta đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu về chế độ sinh hoạt của những người sống thọ. Và điều mà ta nhận ra được từ kết quả các nghiên cứu ấy chính là rõ ràng những người có yếu tố di truyền khác nhau sống trong cùng một cộng đồng nhưng lại vẫn tồn tại những khu vực có nhiều người sống lâu và khỏe mạnh, ngược lại cũng có những khu vực tập trung nhiều người nằm liệt giường hay sống không thọ.

Nói cách khác, các số liệu thống kê đã chỉ ra rõ ràng rằng so với thể chất bẩm sinh, những thói quen sinh hoạt, trước hết phải kể đến là thói quen ăn uống, có ảnh hưởng rất lớn tới việc “sống thọ hay không”.

An thong minh anh 1

Người Nhật Bản có tuổi thọ cao nhất thế giới. Nguồn: ncctv.

Ngay cả nghiên cứu của tiến sĩ Kondo Shouji mà tôi từng để cập trong phần mở đầu cũng là một trong những nghiên cứu như vậy. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Kondo, chúng ta biết được rằng dù là các làng chài ven biển hay các sơn thôn rừng núi đều có những ngôi làng trường thọ và những ngôi làng đoản thọ, và mỗi một khu vực lại có những đặc trưng trong chế độ ăn uống khác nhau.

Trong thời gian gần đây, hiện tượng rất nhiều người dân bản địa của khu vực Acciaroli ở phía Nam nước Italy sống thọ hơn trăm tuổi đang được nhiều người quan tâm. Nghe nói mao mạch của những người cao tuổi sống ở khu vực Acciaroli này đều rất trẻ và thậm chí có người còn tương đương với những người trẻ tuổi. Những người đó có thói quen ăn rau và cá tươi cùng với dầu oliu.

Ngoài ra, nhà báo Dan Buettner, phóng viên của tạp chí National Geographic của Mỹ cũng từng làm báo cáo về các khu vực có nhiều người sống thọ và tổng hợp lại những kết quả này trong cuốn sách Blue Zone (Nhà xuất bản Discover Twenty One). Blue Zone, tiêu đề của cuốn sách này cũng là từ để chỉ các khu vực có nhiều người sống thọ hơn trăm tuổi trong cuốn sách này, cụ thể là bốn khu vực dưới đây.

. Miền Trung Sardegna, Italy.

. Phía Bắc Okinawa, Nhật Bản.

. Loma Linda, California, Mỹ.

. Bán đảo Nicoya, Costa Rica.

Trong chương này, tôi sẽ phân tích tài liệu quan trọng này và tổng hợp “những điểm chung trong sinh hoạt” của những người sống thọ theo quan điểm của riêng tôi.

“Điểm chung trong sinh hoạt” này là những điều hết sức quan trọng, còn việc sống thọ hay không không đơn giản chỉ dựa vào quốc tịch của bạn. Ví dụ người dân ở tỉnh Okinawa là một điển hình. Mặc dù được nhắc tới trong Blue Zone nhưng liên quan đến tuổi thọ của người dân ở Okinawa cũng tồn tại “hai nhóm” khác biệt.

Một nhóm là khu vực phía Bắc với nhiều người sống thọ trên trăm tuổi. Người ở vùng này cho đến nay vẫn duy trì những thói quen ăn uống từ xa xưa như là ăn mướp đắng hàng ngày.

Nhóm còn lại là khu vực tiếp nhận văn hóa Mỹ, tập trung chủ yếu ở khu vực xung quanh thành phố Naha phía Nam Okinawa.

Ở đây có nhiều người ăn đồ ăn nhanh hay các món thịt chế biến sẵn, số lượng người béo phì ngày một tăng, cũng như số người chết sớm vì các bệnh tim mạch cao nhất ở Nhật Bản.

Quá trình thâm nhập của văn hóa Mỹ còn được gọi là “Cocacolonization”, và nếu chế độ ăn bị thay đổi do sự thâm nhập này, tình trạng sức khỏe của người dân cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Ngay cả đảo Sardegna được nhắc tới trong Blue Zone do sự ập đến của làn sóng “Coca-colonization” trong những năm gần đây nên có lẽ một ngày nào đó nơi đây sẽ không còn là khu vực sống thọ nữa.

Đừng để bản thân bạn bị đầu độc bởi những điều này, thay vào đó hãy tiếp thu những quy tắc của những người sống thọ mà tôi sắp giới thiệu tiếp theo, sống tới hơn trăm tuổi và tận hưởng thế giới tươi đẹp này.

Makita Zenji / Quảng Văn Books - NXB Dân Trí

SÁCH HAY