Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người thầm lặng đội nắng, phơi sương ở khu cách ly

"Nhìn tụi nhỏ đội nắng tội nghiệp, vậy mà cho gì tụi nó cũng nhất quyết không lấy. Thấy thương. Gặp chuyện mới thấy truyền thống tương thân tương ái của người Việt", bà Tú Anh nói.

Đội nắng hàng giờ chuyển đồ vào khu cách ly "Nhìn các cậu tình nguyện viên thấy thương và cảm kích thật sự; chúng tôi gửi sữa bồi dưỡng cho các cậu nhưng họ không nhận...", một thân nhân có người nhà cách ly chia sẻ.

"Ai có hàng gì ở khu H không? Con đang nhận đồ khu H", "Khu G nha. Cô chú nào có đồ khu G mang tới đây", "Ghi tên đầy đủ vào nha mọi người ơi"... Những tiếng thông báo vang lên từ anh dân quân to con, đội nón, đeo khẩu trang đứng trước cổng khu A thuộc làng Đại học Quốc gia TP.HCM (thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Từ ngày 19/3, nơi đây được chọn làm khu cách ly tập trung đón những người ở sân bay Tân Sơn Nhất trở về từ nước ngoài.

Trên chiếc cổng sắt trắng kéo kín, chỉ chừa một khoảng nhỏ để nhận đồ từ bên ngoài, một tấm bìa carton được xỏ tạm vào cọng kẽm, trên đó ghi dòng chữ: "Giao nhận đồ. Sáng 8h-10h. Chiều 14h-16h. Xin liên hệ đúng thời gian quy định. Xin cảm ơn".

Giữa trưa nắng gắt, ai nấy đều mang khẩu trang kín mít, mệt nhoài. Nhưng những tiếng hô giao nhận đồ vẫn liên tục.

Nhiệt tình

Bà Trương Thị Gái (quận 1, TP.HCM) một tay ôm quạt máy, tay cầm tấm nệm nhỏ vừa một người nằm, đứng xếp hàng trước cổng chờ nghe gọi khu nhận đồ.

Tại khu ký túc xá, từ ngày 19/3, các tòa nhà cụm AH (gồm H1, H2, G3 và G4) của ký túc xá đã đón người cách ly. Ngày 21/3, 18 tòa nhà của khu A (từ A1 đến A20, trừ A13 và A16) và khu B được dọn dẹp vệ sinh đưa vào sử dụng làm nơi cách ly tập trung.

Nghe gọi đến khu H - nơi con trai của bà Gái vừa được đưa vào sau chuyến đi từ Anh trở về, bà ôm vội đồ, nhận cây bút lông từ một anh dân quân rồi ghi tên, số phòng và số điện thoại của con mình.

Sau đó, một trong số chục tình nguyện viên khác ôm đồ đó để vào một góc rồi từ từ chất lên xe. Cứ thế, từng chuyến xe đầy ắp đồ đạc, vật dụng sinh hoạt dành cho người cách ly được chở từ cổng vào bên trong rồi dừng lại phía trước dải băng ngăn cách.

Những điều dưỡng, người phục vụ bên trong khu cách ly sẽ nhận đồ đạc rồi chuyển về theo tên, số phòng được ghi bên ngoài.

Giữa trưa nắng gay gắt, từ người đến đưa đồ cho đến người vận chuyển đều mệt nhoài. Thi thoảng, có người buông tiếng thở dài khi chờ mãi chưa tới lượt để gửi đồ cho người thân. Thế nhưng những người tình nguyện viên ở đây luôn nhẹ nhàng hết mức.

"Tôi đến đây từ 14h30, xếp hàng chờ nghe gọi đến khu G của con là vội vàng chạy tới sát cổng để gửi đồ. Mấy chú ở đây nhiệt tình lắm, thấy mà thương", ông Phan Thành Bá (quận 8) nói, dưới chân đặt 2 bịch đồ to để gửi cho người con trai từ Australia về.

Không nhận thức ăn bên ngoài

Có nhiều người mang thức ăn, nước uống tới để gửi vào bên trong cho người thân nhưng những tình nguyện viên ở đây từ chối tiếp nhận.

"Tụi con không nhận đồ ăn nước uống. Bộ Y tế đã có chỉ đạo nhằm đảm bảo sức khỏe và tránh nguy cơ dịch bệnh", bạn Trần Hoàng Phi Long - một trong những dân quân đứng trực ở cổng nhắc nhở.

Do vậy, nhiều người mang thức ăn đến đành đem về. Cả những anh shipper được người bên trong đặt hàng trà sữa, nước ép cũng không được chuyển vào. Một anh giao 10 ly trà sữa trân châu đã được khách thanh toán tiền nghe vậy liền chia ra cho các anh dân quân phục vụ bên ngoài.

"Tôi đem thêm cho con cái mền với làm ít thức ăn gửi vào mà giờ có lệnh nên mấy chú ở đây không nhận. Đành chịu chớ biết sao, vì sức khỏe con mình và mọi người", bà Tâm (quận 2) nói với Zing.vn.

Xen giữa những đợt tiếp tế nhu yếu phẩm từ người thân là những chiếc xe chở y bác sĩ, hàng hóa và nhiều chuyến xe đưa người từ sân bay vào khu cách ly. Khoảng 30 phút lại có một chiếc xe 45 chỗ, phía trước dán dòng chữ "Xe phục vụ công tác phòng, chống Covid-19" chở người đeo khẩu trang kèm vali túi xách chạy vào bên trong.

Thấy các anh dân quân tự vệ đứng dưới trời nắng cả buổi chiều mà vẫn không nghỉ, ông Nguyễn Văn Quân (quận 7) ôm vào một thùng sữa to ngỏ ý tặng nhóm làm công tác nhận đồ. Tuy nhiên, những người này từ chối.

"Tụi con cảm ơn tấm lòng của mọi người nhưng tụi con xin phép không nhận đồ hỗ trợ", Phi Long xua tay và cùng các bạn tiếp tục công việc mặc cho ông Quân liên tục nài nỉ: "Chú thấy tụi con cực quá, chút tấm lòng của chú thôi".

"Mình nhìn tụi nhỏ đứng nắng tội nghiệp, vậy mà cho gì cũng nhất quyết không lấy. Thấy thương. Gặp chuyện mới thấy truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam mình", bà Trần Tú Anh (quận 11) bày tỏ.

16h chiều, theo quy định là hết khung giờ nhận đồ tiếp tế của người thân; tuy nhiên, vẫn còn một số người không biết khung giờ hoặc đi đường xa nên tới trễ, xách lỉnh kỉnh đồ đạc đứng chờ. Lúc này, các anh dân quân từ chối tiếp nhận vì sợ làm sai quy định.

Nhưng sau một hồi thấy mọi người vẫn đứng bên ngoài năn nỉ được gửi đồ, nghe có người nói chạy xe 30-40 km xuống, những tình nguyện viên này "du di" thêm một tiếng.

"Em ở đây 4 ngày rồi. Có bữa mệt quá bạ đâu ngủ đó luôn", một dân quân đeo kính, từ chối cho biết tên nói.

Khi bên ngoài vãn người thân tới đưa đồ đạc, một anh dân quân ở bên trong đi lại ngồi cạnh gốc cây, lấy ly nước cam đã tan hết đá, uống một hơi như bù lại cho những phần sức lực đã mất đi cả buổi chiều.

Về nước hay ở lại - Nhật ký từ khu cách ly của du học sinh Anh

Tôi nghĩ trở về là lựa chọn đúng đắn của mình, bởi đây mới là nơi tôi thuộc về. Và ở đó dẫu có bão táp, tôi vẫn tin rằng mình vẫn bình yên bên cạnh những người thân.

Hoài Thanh - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm