Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Về nước hay ở lại - Nhật ký từ khu cách ly của du học sinh Anh

Tôi nghĩ trở về là lựa chọn đúng đắn của mình, bởi đây mới là nơi tôi thuộc về. Và ở đó dẫu có bão táp, tôi vẫn tin rằng mình vẫn bình yên bên cạnh những người thân.

Nguyễn Sử là nhà nghiên cứu tôn giáo. Anh du học ở Anh từ năm 2018 tại trường SOAS University of London chuyên ngành Nghệ thuật tôn giáo châu Á. Anh trở về Việt Nam ngày 18/3. Đây là bài viết của Nguyễn Sử cho Zing.vn từ khu cách ly Sa Đéc (Đồng Tháp).

Khi virus corona ở Vũ Hán (Trung Quốc) bắt đầu xuất hiện, thông tin về những ca nhiễm tiếp tục tăng hầu như không ảnh hưởng gì đến đời sống của người dân ở xứ sở sương mù. Người dân tại đó vẫn có niềm tin một cách bình thản rằng virus còn ở khá xa, nó không liên quan, không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống của họ.

Vài ca nhiễm xuất hiện, phần lớn là những ca của người nước ngoài. Những khuyến cáo của chính phủ được đưa ra nhưng chủ yếu tập trung vào việc rửa tay. Đối với người châu Á, họ lựa chọn đó là hạn chế đi tới Chinatown, bởi trong suy nghĩ của mọi người thì ở đó có nhiều người Trung Quốc, nhiều người từ Châu Á qua nên nó mới thực sự là tâm điểm của dịch. Hạn chế tới đó là được.

Nước Anh - những ngày bất an…

Những con số thay đổi. Số người nhiễm bệnh bắt đầu tăng lên từng ngày. Không phải chỉ thuần túy là những con số ở Anh mà là từ Pháp, Italy, Đức, Tây Ban Nha. Mọi việc trở nên tệ hơn khi Italy chính thức đóng cửa thành phố, hạn chế nhiều phương tiện giao thông. Tây Ban Nha, Pháp cũng không có gì tiến triển hơn.

Có người luôn nhấn mạnh sự hữu hiệu của hệ thống y tế, phòng chống dịch của phương Tây - lấy nền tảng của chọn lọc tự nhiên để tạo đề kháng cộng đồng - nhưng cái giá phải trả có lẽ là không hề nhỏ một chút nào. Việc tạo kháng thể cộng đồng đó nếu khả thi thì Trung Quốc và Italy sẽ là hai nước đầu tiên tạo được hệ thống kháng thể đó.

Việc khả thi hay không, thực sự nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tôi chỉ biết, lúc này liệu ở lại đây với mình có phải là lựa chọn tốt nhất? Sinh viên làm gì?

Sinh viên truyền tay nhau đường link để ký tên yêu cầu chính phủ đóng các trường học sớm nhất có thể. Điều đó tác động đến chính phủ muộn màng hơn một chút khi hai tuần sau mới thực sự phát huy giá trị - khi Anh chính thức đóng cửa các trường học.

Trường hợp đầu tiên nhiễm virus coronas của trường được thông báo cho toàn thể sinh viên. Tuy nhiên, trường không có bất cứ hành động gì tiếp theo… Điều ấy làm cho sinh viên của trường có phần lo lắng hơn.

Ngày hôm sau, do có việc buộc phải tới trường nên tôi đã tới lớp như thường lệ. Điều thay đổi duy nhất là tất cả các cầu thang máy, các cửa ra vào được bố trí thêm các bình rửa tay. Nhân viên lao công của trường cũng nhiều hơn, họ đang lau rửa các cửa kính và cửa ra vào.

Nơi tập trung đông sinh viên nhất vào mùa cao điểm thi cuối kỳ thông thường không thể tìm thấy được một chỗ trống nào, thì nay chỉ còn lác đác vài người, có người đeo khẩu trang, có người dùng giấy lau máy tính, máy in của mình trước khi sử dụng… Phần lớn vẫn chỉ là người Châu Á làm việc này.

nhat ky cach ly cua du hoc sinh Anh anh 1
Trở về hay ở lại là câu hỏi chung của nhiều người Việt xa xứ. Ảnh: Việt Linh.

Trở về hay ở lại?

Băn khoăn giữa việc nên tiếp tục ở lại một thời gian nữa ở Anh hay là trở về Việt Nam lúc này lấn cấn trong đầu tôi mãi không quyết được. Nhiều khả năng được đặt ra, cân lên đặt xuống cho việc được gì và mất gì giữa về và ở lại. Cuối cùng tôi quyết định lựa chọn trở về, chấp nhận những mạo hiểm trên đường đi và cả việc cách ly 14 ngày, dẫu chưa biết tình hình thế nào phía trước.

Vé được đặt một cách nhanh chóng. Không thể mang tất cả đồ đạc mình có vì thế lựa chọn cuối cùng là chỉ những vật không thể bỏ mới cho vào vali.

Tôi bắt đầu nhận được hàng loạt email từ các bảo tàng, gallery, các cơ quan, từ The National Gallery, Tate, Britain Museum… Nội dung email lúc này không còn là best wish, mà là cẩn trọng, an toàn, giữ gìn cho bạn, cho cả những người bên cạnh… Đọc những câu chúc đó có thể hiểu đó là sự bất an và lo lắng của mọi người đã thực sự tới gần hay chỉ đơn giản là những lời xã giao thông thường ở một thời điểm khác? Tôi không dám chắc, nhưng đó cũng là những dấu chỉ cho một cơn bão đang đến nơi này.

Tuy nhiên, những thông báo của chính quyền vẫn chỉ nhằm khuyến cáo người dân hạn chế tụ tập nơi công cộng chứ chưa hề bắt buộc. Tàu điện ngầm vẫn đông người, thưa thớt trong họ đeo khẩu trang, vẫn những tiếng cười nói thoải mái. Chỉ số ít người ngại chạm vào tay nắm trên tầu điện hay dùng khuỷu tay trở để mở cửa…

nhat ky cach ly cua du hoc sinh Anh anh 2
Nhiều chuyến bay từ các nước châu Âu được chuyển hướng về sân bay Vân Đồn hoặc Cần Thơ để giảm tải cho Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ảnh: Việt Linh.


Bình yên ở quê nhà

Quyết định về vào ngày 22/3 nhưng chiều ngày 17/3 khi có quá nhiều thông tin về việc có khả năng London sẽ bị phong thành, rồi Vietnam Airlines dừng bay, tôi đã đổi luôn vé ngay ngày hôm sau. Nhà tôi ở Hà Nội nhưng tôi lại về TP.HCM do không có chuyến bay hạ cánh ở Nội Bài.

Mọi thứ được nhanh chóng thu xếp xong xuôi. Tôi ăn bữa cơm tối, chào tạm biệt cô chú chủ nhà, cám ơn họ đã giúp đỡ mình trong suốt thời gian dài lưu trú ở Anh. Sáng sớm, tôi được đưa ra sân bay Hearthrow. Sân bay không đông như mọi lần, các chuyến bay có vẻ thưa thớt. Vietnam Airlines chỉ nhận khách là người Việt Nam, có một số khách người nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản bị từ chối ngay tại cửa checkin.

Khách người Việt đa phần đều đeo khẩu trang, găng tay. Nhưng khách phương Tây hoặc các nhân viên, phần lớn không mang dụng cụ phòng hộ. Đây là nơi duy nhất việc đeo khẩu trang, đeo găng tay, mặc áo mưa mà không bị kỳ thị ở London.

Máy bay trễ khoảng 30 phút, mọi người có lo lắng nhưng rồi thở phào nhẹ nhõm khi mọi việc hoàn tất, một chặng đường dài trở về…

nhat ky cach ly cua du hoc sinh Anh anh 3
Nguyễn Sử hiện được cách ly tại Sa Đéc (Đồng Tháp) cùng với nhiều du học sinh khác trở về từ Anh. Bức ảnh tác giả bài viết chụp vào buổi sáng ở khu cách ly. Ảnh: Nguyễn Sử.

Chuyến bay London - TP.HCM cuối cùng hạ cánh ở sân bay Cần Thơ. Tôi nghĩ đâu cũng được, miễn là về nước, dù nhà vẫn còn cách hơn nghìn cây số. Mất 3 tiếng để di chuyển và cuối cùng chúng tôi đến địa điểm cách ly ở thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp).

Mỗi người được phát cho mình một bộ tư trang bao gồm cốc, chăn màn, xà phòng... vật dụng cơ bản đầy đủ. Phòng thì như đi tập quân sự, thoáng mát, mỗi giường được kê cách xa nhau. Hàng ngày, bác sĩ vào kiểm tra nhiệt độ sáng chiều. Tôi duy trì việc đi bộ, vận động cơ thể và đọc sách.

Tại khu cách ly, nhân mấy cậu sinh viên chém gió với nhau, tôi chen vào hỏi mấy câu. Đại ý loanh quanh vì sao các em về vì chuyến bay hôm đó có gần 200 người, chủ yếu là sinh viên trẻ.

Phần lớn câu trả lời nhận được thuộc về hai nhóm. Tôi không thuộc nhóm “gia đình bảo về”, hay “em sợ chết”. Tôi tự cho mình thuộc nhóm số 3: “Nhóm tiếc tiền”. Giờ không đi học, về nhà ôm con vài tháng.

Cả ba nhóm này vấn đề chính vẫn xuất phát từ liên kết gia đình. Mỗi người có một điều kiện và hoàn cảnh khác nhau để về. Không nói chuyện cách lựa chọn nào là đúng, cách lựa chọn nào là sai, đơn giản chỉ là lựa chọn.

Đến lúc này, khi đang ngồi ở giữa một trại cách ly tại Sa Đéc, tôi vẫn tin rằng đây là lựa chọn đúng đắn của mình. Bởi đây mới là nơi tôi thuộc về, và ở đó dẫu có bão táp, tôi vẫn tin rằng mình vẫn bình yên bên cạnh những người thân.

Xếp hàng chờ vào tiếp tế cho người cách ly ở TP.HCM

Nhiều gia đình đến ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM để tiếp tế cho người nhà ngay sau khi nơi đây tổ chức tiếp nhận.

Nguyễn Sử (Từ khu cách ly Sa Đéc)

Bạn có thể quan tâm