Đã 10 năm trôi qua nhưng Tripp Harris vẫn nhớ rõ ngày lạnh lẽo vào tháng giêng khi anh qua mặt tử thần trong chuyến bay 1549 của US Airways.
Không lâu sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia của thành phố New York, cú va chạm của máy bay với đàn ngỗng đã khiến động cơ ngừng hoạt động. Khi thấy khói bốc lên từ cabin và mùi điện khét lẹt, mọi người xung quanh anh đều hoảng loạn.
Cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger nhắc nhở mọi người bám chắc để chuẩn bị cho vụ va chạm khi ông lái chiếc Airbus A320-214 vào vùng nước lạnh lẽo của sông Hudson vào ngày 15/1/2009.
Một thợ lặn chuẩn bị nhảy xuống giải cứu các hành khách trên máy bay Airbus 320 của US Airways. Sự kiện chiếc máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson ở New York, Mỹ được gọi là "phép lạ trên sông Hudson" vì tất cả mọi người đều sống sót. Ảnh: AP. |
Thay đổi cuộc sống các hành khách
Tất nhiên, Harris đã biết kết thúc có hậu của "phép lạ trên Hudson". Tất cả 155 người trên máy bay đều sống sót. Ngày hôm đó, Harris nhận ra vợ và đứa con trai 2 tuổi quan trọng với anh thế nào.
"Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến những gì mà mình sẽ bỏ lỡ. Điều đó về cơ bản đã thay đổi các ưu tiên của tôi", Harris nói với AP.
Kể từ đó, anh quyết định dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tận hưởng những cuộc phiêu lưu và trải nghiệm mà anh có thể đã bỏ qua. Ngày hôm đó "đã khiến tôi trở thành một người cha tốt hơn, một người chồng tốt hơn", Harris nói.
Đó cũng là cảm xúc chung của những người sống sót. Ngày hôm đó đã dẫn đến những thay đổi lớn trong cuộc sống của họ và khiến họ biết trân trọng cuộc sống hơn. Tuy nhiên, một số người cũng cảm thấy ám ảnh và căng thẳng hơn mỗi lần đi máy bay.
Tripp Harris, một hành khách trên chuyến bay 1549 của US Airways, chụp ảnh bên sông Hudson 10 năm sau sự kiện. Ảnh: AP. |
"Tôi cảm thấy biết ơn cuộc sống hơn. Tôi có ba đứa cháu trai mà có thể tôi đã không bao giờ được gặp mặt", Sheila Tweets, 67 tuổi, một trong những tiếp viên hàng không trên chuyến bay, nói. Sau một năm nghỉ làm, bà đã trở lại làm việc trên bầu trời và tham gia thành lập nhóm hỗ trợ cho các tiếp viên hàng không tại hãng hàng không của mình.
Chuyến bay 1549 cất cánh từ LaGuardia một thập kỷ trước vào một ngày thứ ba. Cơ phó Jeffull Skiles đang cầm lái chuyến bay với 3 tiếp viên và 150 hành khách. Nhiệt độ khi đó là -7 độ C nhưng bầu trời rất trong.
"Sông Hudson hôm nay thật đẹp", Sullenberger nói với Skiles. Chưa đầy một phút sau, máy bay và đàn chim đã va chạm ở độ cao 915 m. Cả hai động cơ đều ngừng hoạt động.
Cơ trưởng Sullenberger nắm quyền điều khiển và nói với các kiểm soát viên không lưu rằng ông không thể quay trở lại LaGuardia. Lựa chọn của ông là một sân bay nhỏ cho máy bay tư nhân ở New Jersey nhưng địa điểm này ở quá xa. Vì vậy, Sullenberger quyết định chọn mặt nước sông Hudson làm nơi đáp xuống.
15h31, chiếc máy bay lao xuống nước nhưng bằng cách nào đó đã nổi lên và bắt đầu trôi nhanh về phía bến cảng. Hành khách bước ra phía cánh máy bay và di chuyển xuống các phà được điều động tới giải cứu họ.
Một tiếp viên và 4 hành khách bị thương nhưng những người khác hầu như đều ổn. Chiếc máy bay bị ngập nước và hư hỏng đã được phục hồi và hiện được giữ tại Bảo tàng Hàng không Carolinas ở Charlotte.
Ở giữa ranh giới sự sống và cái chết
Hôm 15/1, những người sống sót đã lên kế hoạch tập hợp tại bảo tàng để đánh dấu kỷ niệm 10 năm với bánh mì nướng vào đúng thời điểm xảy ra vụ va chạm.
"Tôi không biết mình có làm lại điều đó một lần nữa hay không nhưng vụ việc rõ ràng đã khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của gia đình và sắp xếp lại các ưu tiên trong cuộc sống của mình", Pam Seagle, 52 tuổi, một hành khách trên chuyến bay, cho biết.
Sau vụ việc, cô đã đưa ra một số quyết định lớn trong đời. Cô và gia đình đã chuyển từ Charlotte đến một ngôi nhà mới gần bãi biển ở Wilmington. Cô đã chuyển sang làm việc cho bộ phận thúc đẩy việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ của Bank of America.
Cô dành thời gian để ở bên những người thân yêu, bao gồm khoảng thời gian dài nghỉ ngơi cùng em gái, người đã bất ngờ qua đời vào năm 2009.
Ngày tháng giêng 10 năm trước "đã đưa tôi đến con đường hiện tại, nơi tôi cảm thấy hạnh phúc và hài lòng", cô nói.
Steve O'Brien cầm bức tranh minh họa sự kiện chuyến bay 1549 của US Airways đáp xuống sông Hudson trong ngôi nhà ở Charlotte, New York. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Steve O’Brien, 54 tuổi, đã mất một thời gian để vượt qua sang chấn tâm lý sau vụ việc. "Năm đầu tiên là khó khăn nhất. Tôi như vỡ vụn. Tôi không thể tập trung, không thể kiên nhẫn. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Chúng tôi thực sự đã ở ranh giới mong manh ấy trước khi quay trở lại", O'Brien nói.
Hiện tại, mỗi khi đi máy bay, O'Brien không còn có thể ngủ ngon trên ghế và luôn phải trông chừng cửa thoát hiểm. "Mỗi khi ngủ thiếp đi trên máy bay, tôi lại giật mình nhớ lại những gì đã xảy ra. Cảm giác sợ hãi chạy qua lồng ngực tôi giống như điện giật vậy", anh nói.
Tuy nhiên, O'Brien cho biết anh cảm thấy cuộc sống của mình trở nên thoải mái hơn vì không còn thất vọng nhiều.
"Tôi nhận ra rằng mình cần trân trọng hơn những điều nhỏ bé. Những thứ nhỏ nhặt đó tạo nên cuộc sống của bạn. Đó là điều bạn sẽ nhớ tới nếu một ngày kia chúng bị giật khỏi tay bạn", anh nói.