Trong cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam, từ việc khai thác một khối lượng tư liệu lớn của cả Pháp và Việt Nam, sử gia Daniel Granclément đã viết nhiều chuyện thâm cung bí sử và đời tư cá nhân của cựu hoàng Bảo Đại.
Hai ngày sau lễ thoái vị, Bảo Đại tạm biệt Hoàng hậu Nam Phương để ra Hà Nội làm cố vấn trong Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng từ thời điểm này, cựu hoàng rất hiếm khi về thăm vợ con vì còn bận với chuyện chính sự và các bóng hồng khác. Hoàng hậu Nam Phương chung sống với Bảo Đại 10 năm đầu hạnh phúc, sau đó là những năm tháng sống cô đơn ở cung An Định và suốt quãng đời còn lại trên đất Pháp.
Bảo Đại đi đón Hoàng hậu Nam Phương cùng các hoàng tử, công chúa con Bảo Đại tại Hương Cảng, 1947. Ảnh: Tư liệu. |
Chuyện tình với vũ nữ Lý Lệ Hà
Chỉ vài tháng sau ra Hà Nội, Bảo Đại gặp lại Lý Lệ Hà, người tình cũ năm nào. Ông phải lòng cô vũ nữ này qua giới thiệu của Vĩnh Cẩn khi đến Sài Gòn để chữa chân gãy. Đó là nữ hoàng sắc đẹp của Hà Nội thời điểm ấy. Lý Lệ Hà quê ở miền Bắc đã có chồng, nhưng đó không phải là một trở ngại để cô gái này ngừng đi nhảy đầm ở các tiệm Sài Gòn.
Cựu hoàng quan hệ công khai với Lý Lệ Hà, đêm đêm đi dạo, ăn nhậu, lui tới các nơi ăn chơi, tiệm nhảy bất chấp dị nghị của mọi người xung quanh.
Một báo cáo mật của Sở Mật thám Pháp cho biết: “Lý Lệ Hà quê ở Hải Phòng đường Lạch Tray được mọi người quen gọi là Thông. Thời này cô ta sống bằng việc buôn hương bán phấn nổi tiếng về sắc đẹp quyến rũ. Khoảng năm 1934, hay 1935 ả trú tại một nhà hát cô đầu ở “Quán Bà Mau”, Hải Phòng. Năm sau ả lên Hà Nội và tiếp tục làm gái nhảy cho một vũ trường ở phố Khâm Thiên của một mụ chủ nổi tiếng là Đốc Sao, có nhiều người theo đuổi, nhưng cô ta cũng biết phát ân huệ để đổi lấy quà biếu hay tiền mặt trong khi vẫn đi tìm đối tượng ý hợp tâm đầu…”.
Daniel Granclément tiết lộ giữa tháng 3/1946, Bảo Đại tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh, nhưng khi kết thúc, ông không trở về nước theo đoàn. Cựu hoàng phải vay nợ để sống những ngày khó khăn ở đây. Lý Lệ Hà đã lặn lội sang Trùng Khánh để theo ông.
Sau khi xin tị nạn ở Hong Kong, giai đoạn đầu Bảo Đại phải sống nhờ vào tiền tiết kiệm của Lý Lệ Hà. Daniel Granclément viết: “Tiền ông quăng trên các bàn bạc hoặc thanh toán tiền phòng là của cô nhân tình Lý Lệ Hà chi trả. Cô này đã phải mở két, biếu ông tất cả tiền tiết kiệm của một cô gái nhảy nửa thượng lưu, số tiền lên tới vài trăm bạc nhờ tài kiên trì tích cóp”.
Để tiện bề ăn chơi, hưởng lạc, Bảo Đại còn viết thư về nước xin từ chức cố vấn tối cao và chuyển lời nhắn đến Hoàng hậu Nam Phương là ông vẫn vui khỏe.
Nam Phương không phải không biết những chuyện trăng gió này của chồng mình. Trong lần gặp cựu tổng lý văn phòng Nguyễn Khắc Hòe ở cung An Định bà đã hỏi: "Tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thụy mê con Lý". Dù bất ngờ khi hoàng hậu biết mọi chuyện nhưng ông Hòe chỉ dám trả lời ngắn gọn là có nghe loáng thoáng: "Chúng tôi chưa bao giờ gặp cô ta, chỉ biết là cô ta đẹp nhưng tư cách thì khỏi phải nói". Nam Phương đáp: "Nếu chồng tôi được hạnh phúc với người tình thì tôi không ngăn cấm".
Vào giữa tháng 8/1947, Nam Phương quyết định rời Việt Nam. Bà qua Hong Kong gặp chồng sau hai năm xa cách. Lúc này, cuộc sống vợ chồng được đặt lên hàng đầu. Những người tình khác của Bảo Đại phải lánh mặt ít nhất trong một thời gian. Nhưng cũng không bao lâu sau đó bà đưa con rời Hong Kong sang Pháp.
Nói về người tình Lý Lệ Hà, Daniel Granclément cũng cho biết thêm sau khi về nước năm 1949, Bảo Đại bảo lãnh Lý Lệ Hà khi cô bị Pháp bắt vì tình nghi là người của Việt Minh được giao nhiệm vụ bắt cóc cựu hoàng. Lý Lệ Hà sau đó sang Pháp, kết hôn với một người bản địa và sống tại một làng ngoại thành Paris. Lý Lệ Hà cũng không gặp lại cựu hoàng lần nào nữa từ khi sống ở đất Pháp.
Qua lại với phụ nữ đã có một đời chồng
Cựu hoàng Bảo Đại và Thứ phi Mộng Điệp. Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân. |
Cùng diễn ra mối quan hệ với Lý Lệ Hà, Bảo Đại còn qua lại với một phụ nữ khác đó là Bùi Mộng Điệp. Nhân vật cũng xuất hiện bên cạnh cựu hoàng ở Hong Kong và được tình báo Pháp theo dõi chặt chẽ.
Sinh năm 1924 ở Hà Nội, cô gái gốc Kinh Bắc (Bắc Ninh) Mộng Điệp nổi tiếng về sắc đẹp và tài quyến rũ cánh mày râu. Mộng Điệp đã có một đời chồng là thầy thuốc - bác sĩ Phạm Văn Phán nổi tiếng ở Hà Nội và một đứa con riêng. Sau này qua lại với Bảo Đại bà sinh thêm được một con gái đặt tên là Phương Thảo và hai con trai là Bảo Hoàng, Bảo Sơn.
Mộng Điệp quan hệ với cựu hoàng tháng 9/1945, chỉ mấy ngày sau khi ông ra thủ đô nhận chức cố vấn tối cao. Trong lúc đó, tại Huế, bà Nam Phương lặng lẽ sống nép mình trong căn phòng u tịch ở cung An Định tối tăm.
Khác với Lệ Hà, Mộng Điệp không đi Thanh Hóa với cựu hoàng nhưng sau đó cũng lặn lội sang Hong Kong mang thêm tiền cho ông tiêu xài. Sau năm 1949, Bảo Đại về nước, bà luôn luôn gần gũi cựu hoàng. Tại Đà Lạt, Bảo Đại tậu cho bà một toà nhà riêng gần biệt điện, sau đó lại theo ông lên Buôn Ma Thuột.
Bùi Mộng Điệp cũng hay về Huế thăm bà Từ Cung, thân mẫu Bảo Đại. Bà khéo cư xử, tranh thủ được cảm tình của hoàng thái hậu. Bà thay mặt Bảo Đại nhận ấn kiếm được người Pháp trao lại trước sự chứng kiến của Thái hậu Từ Cung.
Năm 1953, sang Paris, Bùi Mộng Điệp không trao cho Bảo Đại mà lại trao cho bà Nam Phương và thái tử Bảo Long hai báu vật đó cùng một số kỷ vật khác do Thái hậu Từ Cung gửi.
Hoàng hậu Nam Phương với Hoàng tử Bảo Long và Công chúa Phương Mai. Ảnh: Tư liệu. |
Ngoài Lý Lệ Hà và Mộng Điệp, trong thời gian ở Hong Kong, Bảo Đại còn có tình cảm với cô gái tên là Trần Nỷ - Jenny Wong. Cô này sau đó từ Hong Kong sang Sài Gòn tìm người có vai vế trong hoàng tộc để báo tin cô có thai với Bảo Đại.
Tác giả Daniel Granclément còn tiết lộ nhiều chi tiết về quan hệ của Bảo Đại với bà Phi Yến, cô vợ “hờ” người Pháp tên là Vicky và người phụ nữ cuối cùng trong cuộc đời cựu hoàng là Monique Baudot.