Việc Gia Long lên ngôi Hoàng đế vào ngày tháng năm nào hiện nay vẫn còn những ý kiến chưa đồng nhất.
Trong công trình mang tên Les archives des Empreurs d’Annam et l’histoireannamite (Tài liệu lưu trữ của các Hoàng đế An Nam và lịch sử An Nam) của PaulBoudet – nhà cổ tự người Pháp, Giám đốc Nha Lưu trữ Đông Dương (1917-1945) có đề cập đến việc lên ngôi của Gia Long tại phần những Bản sách vàng (công trình này được giới thiệu trong Chuyên đề sử liệu Việt Nam “Một số tư liệu về việc tìm hiểu Châu bản triều Nguyễn trước Cách mạng tháng Tám”, Vũ Văn Sạch - Lê Huy Tuấn sưu tầm, biên dịch và chú giải, xuất bản năm 2016).
Cũng cần nói thêm rằng, công trình trên của Paul Boudet xuất phát từ một cuộc triển lãm tại Hà Nội vào tháng 10/1941 do ông đứng ra tổ chức. Trong triển lãm này, Paul Paul Boudet với sự cho phép của vua Bảo Đại và sự giúp đỡ của Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh lần đầu tiên đưa những bản chụp các tài liệu và di sản trong kho báu của triều đình ra giới thiệu với công chúng.
|
Chân dung Hoàng đế Gia Long. |
Paul Boudet cho biết trong 26 quyển sách vàng, thì có bốn quyển mới xứng đáng được đặc biệt quan tâm. Chúng khác các quyển khác không chỉ về hình thức và nội dung. Quyển đầu tiên nói về việc lên ngôi của vua Gia Long, ba quyển kia là quy định cách đặt tên, thế thứ trong Hoàng tộc.
Ông cũng cho biết, ngày 1/6/1802, Nguyễn Ánh, ngay sau khi thắng nhà Tây Sơn đã khôi phục và đưa dân vào các tỉnh miền Trung và miền Nam, tức là toàn bộ xứ Trung kỳ, Nam Trung kỳ và Nam kỳ bây giờ thành vương quốc của nhà vua, tuyên bố chấm dứt triều Cảnh Hưng của nhà Lê mà nhà Nguyễn tỏ ra liên tục thần phục cho đến ngày này.
Chữ “Gia” do chữ Gia Đinh (Hạ Nam kỳ), nơi khởi nghiệp của Nguyễn Ánh, chữ “Long” do chữ Thăng Long (Hà Nội). Nhưng Nguyễn Ánh không muốn tự xưng vương, bởi như ông nói, ông chỉ giành lại cơ đồ cũ của nhà Nguyễn và chưa muốn làm chủ thể một cách tuyệt đối toàn bộ bờ cõi, vì Bắc kỳ còn nằm trong tay kẻ thù. Gia Long đã không phải đợi điều đó quá lâu, ngày 20/7/1802, ông ra Hà Nội và được đại diện của Bắc kỳ tiếp đón tại điện Kính Thiên.
Tuy nhiên, ông vẫn từ chối việc xưng vương vào tháng 9 vì như ông nói: “Còn một sứ mệnh cao cả cần hoàn thành là hàn gắn những nỗi đau do nhà Tây Sơn gây ra”. Cho đến mãi ngày 12 tháng năm triều Gia Long năm thứ 5, tức ngày 28/6/1806, do sự khẩn khoản của các quần thần văn võ trong kinh thành và các trấn, thành, Nguyễn Ánh cuối cùng đã lên ngôi xưng Hoàng đế An Nam, Hoàng đế Việt Nam.
|
Sách vàng nhân dịp lễ lên ngôi của Hoàng đế Gia Long đang bảo quản tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. |
Chính tờ biểu của các bề tôi dâng lên vua Gia Long khẩn khoản xin vua Gia Long đăng quang là nội dung chính của quyển sách vàng được bảo tồn trong kho báu ở Huế. Bản sách này gồm 10 tấm vàng, được kết nối với nhau bằng những vòng hình tròn… Tên của sách là: Sách vàng nhân dịp lễ lên ngôi của Hoàng đế Gia Long.
Trong sách ghi những lời thỉnh cầu của quần thần dâng lên vua. Mở đầu là một đoạn văn thể hiện sự khát khao tôn vua Gia Long lên ngôi. Rồi sau đó nhắc lại sự vinh quang của vương quốc An Nam. “Đất nước của chúng ta rộng lớn và nằm ở vùng thuận lợi xuống phương Nam. Các đấng tiên vương đã lập ra một giang sơn rộng lớn, tích lũy được những công đức lớn lao, xứng đáng với mệnh trời. Các quân vương kế vị đã tiếp tục nối được truyền thống tốt đẹp này nên đã thu được nhiều thành quả vẻ vang”.
Thế rồi, gặp những thời thuận lợi, một vị hoàng tử vĩ đại ra đời và nhờ sự tận tụy tài năng, khôn khéo của mình giành chiến thắng trong các cuộc chiến với kẻ thù. Ngài dấy binh để đánh bại kẻ thù và thu phục thần dân. Ngài thực hiện được hai việc khó khăn là khôi phục và lập quốc. Ngài đã thống nhất đế chế Việt.
“Chúng thần xin kính cẩn dâng tờ tấu biểu này và xin kính mong thánh thượng chấp nhận tôn hiệu Hoàng đế để thể hiện cương vị nắm giữ vận mệnh của đất nước và nhận sự vinh quang với ngôi vị Hoàng đế”.
Việc lên ngôi Hoàng đế của Gia Long Đại Nam thực lục chính biên, Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế chép lại như sau: “Nhâm tuất, năm Gia Long thứ 1 [1802], mùa hạ, tháng 5, ngày mồng 1 Canh ngọ, lập đàn ở đồng An Ninh hợp tế trời đất cáo về việc đặt niên hiệu. Ngày Tân mùi, kính cáo vong linh liệt thánh [tổ tiên]. Làm lễ xong, vua ngự ở điện, nhận lễ chầu mừng. Đặt niên hiệu là Gia Long, đại xá cho cả nước. Chiếu rằng :... Nay ơn trời giúp đỡ, các thánh để Phước, bờ cõi cũ đã lấy lại, cơ nghiệp xưa đã trở về, các quan văn võ tại triều dâng sớ chương khuyên ta lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu. Nhưng ta nghĩ rằng giống giặc chưa trừ xong, đất nước chưa thống nhất, không nên vội lên ngôi tôn. Duy cứ theo niên hiệu đã qua mà thi hành những lệnh đổi mới thì không phải là nêu rõ được khuôn phép.Vậy nên chuẩn lời xin đặt niên hiệu mới, định lấy ngày mồng 1 tháng 5 năm nay kính cáo trời đất, ngày hôm sau kính cáo liệt thánh, chép niên hiệu là Gia Long, để thống nhất kỷ cương, làm mới tai mắt. Vậy xuống 6 điều ân điển...”. Sách cũng chép: “Họ Lê họ Trịnh cùng các cựu thần văn võ và phiên tù nhà Lê dâng biểu xin vua lên ngôi hoàng đế. Vua khiêm nhường không nhận”.
“Bính dần, Gia Long năm thứ 5 [1806], mùa hạ, tháng 5, ngày Kỷ mùi, vua lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa... Vua lên ngôi hoàng đế, xuống chiếu bố cáo trong ngoài. Bầy tôi dâng biểu chúc mừng”.