Một trong những dấu ấn canh tân trong tháng ngày cuối cùng nắm quyền chấp chính của vua Bảo Đại là việc quyết định chọn tên các danh nhân Việt đặt cho đường phố.
Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, có nhiều điểm khác biệt so với các vua tiền nhiệm. Trên thực tế Bảo Đại ngồi trên ngai vàng rất ít, thời gian dành cho công việc triều chính không nhiều, hầu như không có thực quyền, mọi quyền hành đều nằm trong tay Chính phủ bảo hộ Pháp.
Bảo Đại cầm quyền trong giai đoạn lịch sử cận đại phức tạp, khi đất nước đã không còn quyền độc lập tự chủ. Vốn được đào tạo từ nhỏ ở Pháp, ngay khi lên ngôi ngày 8/1/1926 (sau đó trở lại Pháp học tiếp), ông đã ấp ủ mang những điều mới mẻ từ phương Tây về canh tân đất nước.
|
Chân dung vua Bảo Đại. Ảnh: Tư liệu. |
Nhưng những việc làm này của vị vua cuối cùng vấp phải không ít trở ngại từ phía chính quyền bảo hộ Pháp và ngay trong nội bộ triều đình An Nam.
Trong cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam, Daniel Grand Clément cho biết Bảo Đại sau mấy tháng cầm quyền đã có những hành động phản kháng. Mặc dù, những chính sách canh tân mà ông thực hiện (từ năm 1932, khi chính thức nắm quyền chấp chính triều đình, sau 10 năm học tập tại nước ngoài) có thể chưa thực sự để lại nhiều dấu ấn, thậm chí còn được cho là có bàn tay sắp đặt của người Pháp, nhưng ít nhiều đã mang đến một làn gió mới làm thay đổi ít nhiều sự tù túng lạc hậu của một triều đình phong kiến đến hồi suy vong.
Trong thời gian trị vì, Bảo Đại đã xóa bỏ các nghi thức hủ tục trong triều, cải tổ nội các và các bộ, thay thế những quan lại bảo thủ bằng các học giả theo trường phái tân tiến, thay thế hệ thống văn bản hành chính cũ viết bằng chữ Hán Nôm với hệ thống văn bản kiểu mới viết bằng chữ Quốc ngữ… Những ngày tháng cuối cùng nắm quyền chấp chính, Bảo Đại đã quyết định lựa chọn tên các danh nhân Việt Nam thay cho tên người Pháp ở các đô thị Việt Nam.
Châu bản triều Nguyễn có ghi lại ngày 19/6/1945 vua đã chuẩn y đề nghị của Bộ Nội vụ về việc đổi tên đường và vườn hoa thành phố Thuận Hóa.
Châu bản này viết: “Dưới chế độ Pháp, phần nhiều các đại lộ, tiểu lộ, hoặc công viên các thị xã tỉnh lỵ đã do toàn quyền dùng tên người Pháp mà đặt tên. Bộ chúng tôi phụng xét những tên ấy không hợp thời nữa cần phải bỏ ngay, nên đã thông tư các Thủ hiến tỉnh, đạo và đốc lý các thành phố lựa chọn tên danh nhân Việt Nam thay tên người Pháp. Nay tiếp đốc lý thành phố Thuận Hóa trình rằng quý chức ấy đã nhóm hội đồng để bàn định về việc ấy và đệ trình bản kể tên những danh nhân Việt Nam (như sau này) xin dùng để đặt những tên đường, cầu và vườn hoa thành phố Thuận Hóa thay tên và tên người Pháp… Bộ thần tôi phụng xét thấy những tên kể trên lựa chọn đã được thỏa đáng và trình Hội đồng Nội các ý hiệp…”.
|
Đại lộ Paul Bert, năm 1938. Năm 1945, vua Bảo Đại cho đổi tên đường này thành đường Trần Hưng Đạo - tên gọi này giữ nguyên cho đến ngày nay. Nguồn: Aavh. |
Một bảng kê chi tiết 40 đường, cầu, vườn hoa, bờ sông ở hữu ngạn và tả ngạn thành phố được đưa ra, một bên là tên cũ người Pháp và một bên là tên mới của danh nhân người Việt: rue Paul Bert đổi thành đường Trần Hưng Đạo, rue Jules Ferry và rue Graffeuil đổi tên thành phố Lý Thái Tổ, rue Chaigneu đổi tên thành phố Lý Thường Kiệt, rue Doudartde Lagrée đổi thành Trần Thúc Nhẫn, rue Rivière đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn, quai Forgan đổi thành bờ sông Phan Chu Trinh, rue Francis Garnies đổi thành đường Hoàng Hoa Thám...
Một số tên đường vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay như đường Trần Hưng Đạo,Trần Thúc Nhẫn, Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám…
Tư liệu ghi lại, vua đã chuẩn y đề nghị của Bộ Nội vụ xin đổi đại lộ, tiểu lộ hoặc công viên thị xã Đà Nẵng. Theo đó, 17 đường, 1 công viên được đổi tên người Pháp thành danh nhân người Việt. Chỉ có tên bác sĩ Pasteur được giữ nguyên.
Vua đã chuẩn y đề nghị của Bộ Nội vụ đổi tên 48 đường và chỉ giữ lại 2 tên đường là Yersin và Pasteur tại tỉnh Quảng Nam… Với các quyết định này, vua Bảo Đại không chỉ chấm dứt một thời gian dài nhiều thập kỷ các tên phố phải được thông qua bằng nghị định của Toàn quyền Đông Dương, cũng như việc sử dụng tên đường để mở rộng ảnh hưởng của văn hóa Pháp.
Điều này ít nhiều cho thấy lòng tự tôn dân tộc của nhà vua. Những quyết định trên vừa mới ban hành được một thời gian ngắn thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, lịch sử đất nước bước sang trang mới. Bảo Đại thoái vị, trao quyền lại cho chính quyền cách mạng.