Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người ở lại với sách cũ

Lượng người cần đến sách cũ ngày càng giảm, lợi nhuận của người bán giảm. Dẫu vậy, nhiều người vẫn ở lại với công việc kinh doanh sách cũ.

sach cu anh 1

Kho sách của anh Nguyễn Duy Cường nhiều tới mức để tràn ra cả lối đi.

Trong căn phòng chỉ rộng chừng 60 m2, anh Nguyễn Duy Cường (trú tại Cầu Giấy) dò từng bước chân để với lấy bao sách cũ được cất trong góc phòng. Đến nay đã gần 15 năm gắn bó với sách cũ, những kệ sách của anh đã chất tới tận trần nhà.

Đối với anh Cường, công việc buôn bán sách cũ bắt đầu một cách khá tình cờ. Nhờ chung niềm đam mê với sách, anh kết nối được với một người bạn, sau này chính người đó đã giúp đỡ anh Cường mở cửa hàng sách đầu tiên vào năm 2014 trên phố Nguyễn Trãi.

Sách cũ mắc kẹt trong thời đại công nghiệp

Công việc kinh doanh sách cũ khá thuận lợi. Nhờ tiệm sách, anh Cường lo được cho cuộc sống của gia đình và có thêm những mối quan hệ mới. Dường như mỗi cuốn sách với anh Cường đều mang một kỷ niệm khá đặc biệt. Động đến cuốn sách nào, anh Cường cũng giới thiệu vanh vách thông tin về tác giả và nội dung cuốn sách.

“Ông Lý Khắc Cung này cái gì về Hà Nội ông cũng biết đấy. Ông Hữu Ngọc chuyên làm các cuốn về hồ sơ văn hóa các nước này. Cuốn lịch Almanach này ngày xưa ở Hà Nội rầm rộ nổi tiếng lắm…”, anh Cường say mê kể về những cuốn sách của mình. Có lẽ trong suy nghĩ của anh Cường, chúng giống một kho báu hơn chỉ đơn thuần là những “tập giấy” phủ đầy bụi.

Anh Cường cũng tâm sự rằng, có những người mua nhà mua xe nhờ sách cũ nhưng cũng có những người bỏ nghề đi buôn đất buôn hàng khác. Ở lại với sách cũ đòi hỏi nhiều yếu tố mà anh Cường cho rằng trong đó có sự may mắn. Trải qua nhiều năm gắn bó với nghề, anh Cường cho biết sách cũ càng ngày càng ít người quan tâm, họ không còn sử dụng sách như một tài liệu tham khảo cho nghiên cứu nữa mà thay vào đó là Internet.

sach cu anh 2

Anh Nguyễn Duy Cường đang xem lại một cuốn sách ảnh cũ được đóng gáy gấp lại. Những cuốn sách như này có thể đáng giá vài triệu đồng.

Một trong những điều khó khăn nhất khi kinh doanh sách cũ hiện nay là bởi tính chất "một bản" của loại hàng này. Mỗi tác phẩm, người bán thường chỉ có một bản, hết quyển này sẽ không có nguồn nhập dồi dào như sách mới. Vậy nên sách cũ không phù hợp khi đưa lên sàn thương mại điện tử. Các tiệm sách cũ chỉ cố bán online thông qua các nền tảng trên Facebook hoặc Zalo.

Ngày nay, các tiêu chí “nhanh”, “tiện” trở thành hàng đầu. Người ta bắt đầu ngại những việc như lục lọi một tiệm sách nào đó để có tài liệu mình cần. Vô hình trung, tiệm sách cũ là những thứ bị mắc kẹt lại trong một thời đại công nghiệp hóa mọi thứ và tinh thần đấu tranh giữ lại giá trị tốt đẹp của quá khứ.

Tình yêu với sách cũ

Bắt đầu từ những năm 2003, khi còn là sinh viên, anh Bùi Mạnh Trưởng (quê quán tại Thái Bình) đã bắt đầu tìm hiểu về thị trường sách cũ thông qua công việc thu gom sách. Nguồn hàng của anh có thể đến từ khắp nơi như thư viện, đồng nát, nhà dân... Nơi đâu anh cũng có mặt để mua lại sách. Cứ vậy anh đổ buôn cho các tiệm ở đường Láng. Cho đến khi ra trường, vì không thể kiếm được một công việc đúng với ngành học, anh quyết định biến đam mê với sách trở thành một nguồn thu nhập. Cứ như vậy, một cửa hàng sách trên phố Láng được ra đời.

sach cu anh 3

Anh Bùi Mạnh Trưởng (bên trái) đi lấy những bao tải sách về cửa hàng để phân loại.

Cũng như anh Nguyễn Duy Cường, anh Trưởng hiểu sách đến mức chỉ cần nhìn thoáng qua cái bìa là có thể biết được trọn bộ sách cuốn đó, thông tin về tác giả hay thậm chí là cả nội dung.

Đó là khả năng thẩm định mà mọi người làm sách cũ đều phải có, nó không còn đơn thuần chỉ là sự mặc cả, kỳ kèo giữa người bán người mua. Trải qua những năm tháng khó khăn, cửa hàng sách cũ của anh Trưởng bị suy giảm nguồn thu đáng kể. Mẹ anh Trưởng đã phải trông cửa hàng thay anh mỗi lúc có người gọi đi lấy sách.

Mặc dù bao năm qua, lãi lời không đáng kể, các cơ hội công việc khác có thu nhập ổn định hơn vẫn mở ra cho anh Trưởng nhưng vì đam mê, anh nhất định gắn bó với cửa hàng sách. “Khi ta đã yêu một thứ gì đó rồi làm sao ta có thể quay lưng ghét nó được”, anh Trưởng trải lòng khi nói về quãng thời gian làm việc trong tiệm sách cũ.

Nhờ sách cũ, anh Trưởng cũng quen biết thêm được nhiều người bạn mới có cùng chung đam mê. Có những buổi chiều khi anh mới đi lấy hàng về, họ lại ngồi tụ tập và nói chuyện “trên trời dưới biển”. Đây là một động lực lớn để anh Trưởng giữ lại tiệm sách này.

Còn với anh Nguyễn Duy Cường, không chỉ dừng lại ở công việc bán sách, anh còn tham gia những đợt quyên góp ủng hộ sách trên vùng cao. Mỗi lần được chung tay xây dựng tủ sách cho trẻ em là một lần anh cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn. Các cuốn sách được trao đến đúng người cần và lan tỏa tri thức đến những vùng biên ải của tổ quốc.

Sách cũ không chỉ dừng lại ở một niềm đam mê tri thức, nó đem lại cho những người sưu tầm những giá trị vô hình về mặt tinh thần, lan tỏa những nét đẹp về một truyền thống xem trọng chữ nghĩa của dân tộc.

Thủ phủ sách cũ đìu hiu trên phố

Sự bùng nổ của Internet, thương mại điện tử phát triển cùng nhịp sống vội vã khiến các hàng sách cũ thưa vắng khách.

Truy tìm kho sách

Ở cái thời chưa có vô tuyến và điện thoại thông minh, tuổi thơ tôi may mắn có những cuốn sách cũ làm bạn. Thế giới mới mẻ mở ra ngay trước mắt nhờ những trang giấy ngả màu.

Đức Huy

Bạn có thể quan tâm