Khi tàu Sewol dần chìm xuống biển, nữ thuyền viên Park Ji Young, 22 tuổi, vẫn bình tĩnh hướng dẫn hành khách mặc áo phao rồi đẩy họ thoát ra ngoài. Cô đã tử nạn khi cố gắng giải cứu các hành khách ở tầng 3 và 4 của con tàu.
“Tôi liên tục hét lên rằng, tại sao cô không mặc áo phao cứu sinh trước. Park chỉ nói, cô ấy sẽ nhảy ra khỏi tàu sau khi chắc chắn rằng tất cả hành khách đều an toàn. Cô ấy nói, thủy thủ đoàn, trong đó có cô, sẽ là những người cuối cùng rời tàu”, một người sống sót kể lại với Korea Herald.
Cô Park Ji Young. Ảnh: Korea Herald. |
Ông Kim Jong Hwang, một người sống sót 58 tuổi, kể về những nỗ lực cứu các hành khách của Ji Young: “Cô ấy đẩy mọi người về phía lối thoát hiểm ngay cả khi nước đã dâng tới ngực cô. Khi tàu nghiêng sang một bên, các hành khách dồn về phía cánh cửa khiến một người suýt ngã. Park nhanh tay kéo hành khách này lên và đẩy những người khác ra ngoài”.
Ji Young làm việc tại công ty tàu từ năm 2012 để kiếm tiền phụ giúp gia đình mặc dù cô từng trúng tuyển vào một trường đại học vào năm 2013.
Khi trông thấy thi thể con gái tại bệnh viện, mẹ của Park Ji Young gục ngã. “Mẹ không tin. Tại sao con bỏ mẹ mà đi ?”, người mẹ khóc trong tuyệt vọng.
Sinh viên Jeong Cha Woong. Ảnh: Korea Herald. |
Jeong Cha Woong, học sinh 17 tuổi, cũng được ca ngợi như một anh hùng. Em thiệt mạng sau khi đưa áo phao cho người bạn đang chìm và còn lao xuống nước để cứu những người khác.
Mọi người còn khâm phục ông Kim Hong Gyeong, một người sống sót 59 tuổi, đã bất chấp tính mạng để cứu những người khác. Ông tạo một sợi dây 10 m từ rèm cửa và dùng nó để kéo nhiều hành khách đang chới với giữa dòng nước. Dù nước đã dâng cao quá đầu gối, ông vẫn không từ bỏ và cứu thêm khoảng 20 người. Sau đó, ông lên một thuyền cá tham gia cứu hộ để vào bờ.
Ông Kim Hong Gyeong. Ảnh: Korea Herald. |
Lực lượng cứu hộ với hàng trăm binh sĩ, cảnh sát và nhân viên dân sự đã được huy động để cứu nạn con tàu chìm. Nhiều ngư dân ở vùng biển gần đó cũng tình nguyện tìm kiếm người sống sót.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bổ nhiệm ông Hwang Ki Chul, chỉ huy lực lượng hải quân, là người đứng đầu lực lượng cứu hộ. Tàu đổ bộ Dokdo 14.000 tấn, 3 máy bay quân sự và hàng trăm đặc công cũng tham gia chiến dịch.
Thân nhân hành khách trên tàu Sewol theo dõi hoạt động tìm kiếm người mất tích từ một con tàu hôm 17/4. Ảnh: Reuters |
Tàu Sewol gặp nạn vào khoảng 8h58 theo giờ địa phương ngày 16/4 khi đang đến đảo Jeju, cách bán đảo Triều Tiên 100 km về phía nam. Vụ chìm tàu Sewol là thảm họa đường biển tồi tệ nhất ở Hàn Quốc từ năm 1993. Ít nhất 9 người trong số hơn 400 hành khách trên tàu thiệt mạng. Lực lượng cứu hộ đã giải cứu 179 người nhưng gần 290 người vẫn mất tích.