Park Ji Yoon không muốn tới đảo Jeju của Hàn Quốc bằng tàu hôm 15/4 vì cô ghét việc di chuyển bằng tàu, phà. Khoảng 12 giờ sau khi tàu xuất phát, nữ sinh gọi điện thoại cho bà ngoại Kim Ok Young, người đã nuôi nấng cô từ nhỏ. Bà Ok Young ngạc nhiên vì trước đó khoảng 90 phút, cháu gái đã gọi điện. Nhưng khi nghe điện thoại, người phụ nữ cảm nhận rõ giọng nói run rẩy của Ji Yoon.
"Bà ơi, cháu nghĩ cháu sắp chết. Tàu chìm và cháu đang bám vào thanh chắn. Cháu phải đi đây", nữ sinh nói nhanh.
Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc tìm người mất tích trong tàu Sewol hôm 17/4. Ảnh: AP |
Sau đó, bà Ok Young không nghe thấy gì nữa. Vào khoảng 10h09 sáng 16/4, bà nhận một tin nhắn của cháu. Nhưng nội dung tin nhắn chỉ gồm một ký tự Hàn Quốc và chẳng mang ý nghĩa nào.
"Tôi đã cố gắng gọi lại cho nó", bà Ok Young ngậm ngùi nói khi chờ đợi tin về Ji Yoon tại trường trung học Danwon.
Nhà chức trách công bố danh sách những người trên tàu đắm ở tấm bảng thông báo của trường. Họ khoanh tròn tên của những người mà lực lượng cứu hộ đã đưa ra khỏi tàu. Tên của Ji Yoon không được đánh dấu.
"Hai ngày trước khi tàu khởi hành, con bé nói nó không muốn đi vì sợ tàu, phà. Chúng tôi nói nó sẽ tiếc nếu không đi. Giờ đây chúng tôi ân hận vì lẽ ra không nên ép nó lên tàu", bà Ok Young hồi tưởng.
Người phụ nữ 74 tuổi nuôi nấng Ji Yoon vì bố, mẹ cô làm việc ở xa và không có thời gian chăm sóc em.
Chính phủ Hàn Quốc thông báo 9 nạn nhân chết, gần 300 người mất tích trong tổng số 462 người trên tàu Sewol. Giới truyền thông địa phương đưa tin tàu chìm do đâm trúng đá trong lúc sương mù dày đặc. Danh sách hành khách cho thấy 325 học sinh và 14 giáo viên đã lên tàu.