Theo thời gian, càng có nhiều câu hỏi và giả định xoay quanh vụ việc khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump bị khám xét.
Một trong số đó liên quan đến những tài liệu mật mà FBI thu giữ khi lục soát tư dinh ông Trump tuần trước. Đã xuất hiện những thắc mắc nội dung 11 bộ tài liệu mật mà ông Trump cất tại Mar-a-Lago, và tại sao chính phủ cương quyết muốn thu hồi chúng, với 4 bộ tài liệu được phân loại "tuyệt mật".
Ngoài ra, những tài liệu đáng chú ý khác được thu giữ có tài liệu được đặt với danh mục "tổng thống Pháp", hay tài liệu liên quan đến việc ân xá Roger Stone - một đồng minh của ông Trump, bị kết tội năm 2019 do nói dối quốc hội liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Ông Trump đã yêu cầu được trả lại những tài liệu, mặc dù theo luật Mỹ, tài liệu tổng thống không phải tài sản của ông.
Quyền tiếp cận tài liệu "tuyệt mật"
Có hơn một triệu người có thể tiếp cận với dữ liệu tuyệt mật.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) đã công bố tài liệu “Quyết định Thông qua An ninh” vào năm 2017 - báo cáo gần nhất của cơ quan này. Theo đó, hơn 2,8 triệu người có thể tiếp cận các loại tài liệu mật, trong đó gần 1,2 triệu người được cho là có thể tiếp cận tài liệu bảo mật cấp cao nhất.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa hơn một triệu người trên có thể tùy ý xem những tài liệu tuyệt mật được cất ở Mar-a-Lago. Mỗi cơ quan phân loại tài liệu, chẳng hạn FBI hay CIA, sẽ có một hệ thống riêng liên quan đến quy trình giải mật tài liệu.
Biên nhận tài liệu mà FBI thu giữ khi khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Những người biện hộ cho ông Trump lập luận rằng cựu tổng thống đã ra lệnh giải mật các tài liệu ông mang từ Phòng Bầu dục đến tư dinh trong thời gian làm việc tại Nhà Trắng, dù các chuyên gia nói rằng tuyên bố này không chính xác.
"Ý tưởng tổng thống có thể giải mật tài liệu chỉ bằng cách đem nó đi từ nơi này đến nơi khác là vô lý", Shawn Turner, cựu Giám đốc truyền thông của Tình báo Quốc gia Mỹ, nói trong chương trình "Inside Politics" hôm 15/8.
Ông Turner nói rằng quy trình giải mật cần có chữ ký của cơ quan đã phân loại thông tin đó nhằm bảo vệ quá trình thu thập tin tình báo, nguồn tin và các phương pháp.
Ngoài ra, các đời tổng thống thường sử dụng sắc lệnh hành pháp để cập nhật quy trình, các thủ tục phân loại và giải mật tài liệu.
Gần nhất, cựu Tổng thống Barack Obama năm 2009 đã ký sắc lệnh hành pháp về cách phân loại, bảo vệ và giải mật thông tin liên quan đến an ninh quốc gia. Nó vẫn là quy trình được sử dụng cho đến nay khi không ai trong hai tổng thống kế nhiệm có những thay đổi khác.
Rủi ro với những tài liệu mật
Với các tài liệu được xếp vào dạng “tuyệt mật”, cựu quan chức tình báo Mỹ (CIA) David Priess cho biết đó là những thông tin chính phủ cho rằng tốt nhất không nên công khai, chẳng hạn tin tình báo về chương trình hạt nhân Triều Tiên hay hoạt động quân sự của Nga.
Những thông tin tuyệt mật thường rất khó để lấy được. Nhiều người có thể phải đánh cược mạng sống, hay chính phủ sẽ dùng những công nghệ bí mật để thu thập thông tin.
“Công khai những thông tin như vậy có thể khiến nhiều mạng người gặp nguy hiểm. Đây không phải trò đùa. Chúng tôi biết nhiều người đã chết khi phụng sự tổ quốc theo cách này (hoạt động tình báo - PV)”, ông Priess nói.
Câu hỏi chưa có lời giải
Ông Priess cho rằng thay vì tập trung vào nội dung nào được bảo mật, điều bận tâm là vì sao chính phủ biết những tài liệu này ở Mar-a-Lago, nhưng phải mất rất lâu để các điều tra viên thu lại những tài liệu trên.
Ông nói rằng để một tổng thống giải mật tài liệu nào đó, trước đó phải có những ghi chép để mọi người biết có tài liệu đã được giải mật.
"Nếu nó không được đánh dấu là 'đã giải mật', liệu nó có thật sự được giải mật hay không? Nếu không có tài liệu ghi chép, làm sao bạn biết được", ông Priess thắc mắc.
Vấn đề lúc này là sẽ có thêm nhiều giả định về nội dung những tài liệu trên, và có thể sẽ mất rất lâu để người Mỹ biết được sự thật.
Một góc khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago nhìn từ trên cao. Ảnh: Reuters. |
“Về mặt kỹ thuật, dựa trên khung pháp lý, chúng ta sẽ không thấy thêm nhiều hành động khác về vụ việc này, trừ khi Bộ Tư pháp Mỹ ra cáo buộc hình sự với bất kỳ cá nhân nào”, cựu công tố viên liên bang Elie Honig nói.
Các thông tin mật có thể tồn tại trong nhiều vòng 10-25 năm. Theo thông lệ, những thông tin không còn quan trọng thì nên được giải mật, nhưng nó có thể được bảo mật trở lại sau mốc thời gian 25 năm nếu cần thiết.
Các cơ quan như FBI, CIA hay Bộ Ngoại giao Mỹ đều có hệ thống đọc trực tuyến các tài liệu đã được giải mật dựa trên Đạo luật Tự do Thông tin, song không có tài liệu nào liên quan đến những vụ việc gần đây.
Trước đây, từng có những nhân vật cấp cao bị truy tố do rò rỉ tài liệu mật. Cựu giám đốc CIA David Petraeus đã đưa thông tin mật cho bạn gái của ông. Ông Petraeus sau đó bị kết án 2 năm quản chế và phạt 100.000 USD.