Mar-a-Lago - nơi được ông Trump gọi là “Nhà Trắng mùa đông” - đã nhiều lần khiến giới chức an ninh quốc gia và tình báo Mỹ phải đau đầu. Giới quan chức tình báo thậm chí mô tả việc giữ các bí mật hàng đầu của chính phủ Mỹ tại địa điểm này là “cơn ác mộng”.
“Mar-a-Lago đã là địa điểm có nhiều lỗ hổng kể từ khi ông Trump tuyên bố tranh cử và bắt đầu giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ một vài năm trước”, ông Aki Peritz, cựu chuyên gia chống khủng bố của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói.
“Mọi cơ quan tình báo có năng lực - dù có thân thiện hay không - sẽ tập trung vào địa điểm đầy lỗ hổng đến mức đáng kinh ngạc này”, ông Peritz nhận định.
Mar-a-Lago được coi là hiện thân của cách thức vị cựu tổng thống xử lý tài liệu và thông tin mật: Thiếu cẩn trọng và ẩn chứa nhiều nguy cơ rò rỉ.
Mar-a-Lago khó kiểm soát
Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago có bể bơi, spa, nhà hàng, câu lạc bộ và phòng hội nghị nên thường đón nhiều khách. Lực lượng mật vụ Mỹ có quyền kiểm tra danh tính và khám xét khách nhằm loại bỏ khả năng họ mang theo vũ khí, nhưng không chịu trách nhiệm bảo vệ tài liệu mật.
Khi ông Trump còn là tổng thống, câu lạc bộ luôn đông khách mỗi khi ông trở về Florida. Quy định cấm chụp ảnh trong phòng ăn - vốn được đưa ra từ đầu nhiệm kỳ - không phải lúc nào cũng được tuân thủ chặt chẽ.
Vụ việc tiêu biểu xảy ra tháng 2/2017, khi ông Trump tiếp đón cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Mar-a-Lago. Khi một vụ phóng tên lửa tại Triều Tiên xảy ra giữa bữa ăn, hai nhà lãnh đạo và các nhân viên cùng thảo luận. Hình ảnh này đã bị tung lên mạng.
Hình ảnh ông Trump và ông Abe bị đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh: ABC News. |
Ngay sau vụ việc, giới chức Mỹ phải đưa ra quy định mới về những người được phép có mặt tại câu lạc bộ khi ông Trump ở đó.
Một trong những quan ngại lớn nhất của các viên chức tùy tùng của ông Trump tại Mar-a-Lago là việc họ không thể kiểm soát danh sách chính xác những người nói chuyện với vị tổng thống - khác hoàn toàn với quy định nghiêm ngặt tại Nhà Trắng.
Cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly từng cố hạn chế những người được tiếp cận với ông Trump, theo CNN. Dù vậy, ông và các quan chức khác ít có khả năng hạn chế hoàn toàn ông Trump trao đổi với bạn bè và các hội viên tại Mar-a-Lago.
Ông Kelly thừa nhận ông chỉ quan tâm đến việc biết được ông Trump nói chuyện với ai, thay vì muốn ngăn chặn cuộc trò chuyện. Ông cũng cố gắng xây dựng một hệ thống xử lý tài liệu mật, nhưng ông Trump không phải lúc nào cũng hợp tác.
Theo một nguồn thạo tin của CNN, ông Trump thường xuyên không sử dụng Cơ sở Thông tin Nhạy cảm (SCIF) - căn phòng có an ninh cao - khi xem tài liệu mật tại Mar-a-Lago. Tính cách thích chia sẻ của ông khiến các nhân viên dưới quyền lo ngại.
Năm 2019, bà Yujing Zhang - một nữ doanh nhân 33 tuổi đến từ Thượng Hải - đã bị bắt khi cố xâm nhập sân golf của câu lạc bộ tại Mar-a-Lago. Khi đó, bà mang theo bốn chiếc điện thoại, một máy tính xách tay, một ổ cứng rời và một ổ USB.
Cơ quan công tố cho biết họ còn tìm thấy một số thiết bị điện tử - bao gồm thiết bị bắt sóng để nhận diện máy quay giấu kín - cũng như hàng nghìn USD tiền mặt trong phòng khách sạn.
Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago bị coi là địa điểm mà tình báo nước ngoài có thể lợi dụng. Ảnh: AP. |
Tới tháng 12 cùng năm, một công dân Trung Quốc khác tên Lu Jing cũng bị cáo buộc cố gắng xâm nhập Mar-a-Lago. Các quan chức cho biết Lu bị các nhân viên an ninh yêu cầu rời đi, nhưng quay lại để chụp ảnh.
Động cơ của hai người phụ nữ trên vẫn chưa được làm rõ. Lu được tuyên vô tội, trong khi Zhang bị kết án 8 tháng tù.
Thói quen của vị tổng thống
Khi phải rời Nhà Trắng vào tháng 1/2021, ông Trump chuyển về Mar-a-Lago, mang theo hàng chục hộp đựng tài liệu được đóng gói vội vã trong những ngày cuối nhiệm kỳ.
Một phần nguyên nhân của sự vội vã này đến từ việc ông Trump vốn không thừa nhận kết quả bầu cử và không muốn có bất cứ động thái nào thể hiện bản thân sẽ rời đi. Khi điều này trở nên không thể tránh khỏi, các vật dụng được gói vội vào hộp và gửi đi mà không được tổ chức theo hệ thống rõ ràng.
“Trong các tập tài liệu, ông Trump giữ khá nhiều thứ nằm ngoài hệ thống chính quy hoặc các tin tức tình báo nhận được”, ông John Bolton, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, nói.
“Tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng ra cảnh trong những ngày hỗn loạn cuối cùng tại Nhà Trắng - do ông ấy (tức ông Trump) không nghĩ sẽ phải rời đi đến phút cuối cùng - họ cứ thế ném mọi thứ vào hộp, bao gồm nhiều đồ mà ông Trump đã tích trữ trong bốn năm”, ông Bolton bổ sung.
Một số hộp chứa tài liệu mật đã được mang tới Florida.
Khi các điều tra viên liên bang Mỹ - bao gồm quan chức phụ trách phản gián tại Bộ Tư pháp Mỹ - đến Mar-a-Lago hồi tháng 6 để thảo luận với ông Trump và các luật sư về số phận của các tài liệu mật, họ bày tỏ quan ngại phòng chứa không đảm bảo đủ an ninh. Sau đó, đội ngũ của ông Trump đã bổ sung một ổ khóa cửa.
Ông Trump bị coi là vị tổng thống không chú ý đúng mức tới cách xử lý tài liệu mật. Ảnh: Reuters. |
Các sự kiện xảy ra sau khi ông Trump rời nhiệm sở không phải lần đầu tiên giới chức tình báo Mỹ lo ngại về cách ông Trump - người dường như muốn bỏ qua các thủ tục liên quan tới thông tin nhạy cảm - giữ gìn bí mật quốc gia của chính phủ Mỹ.
Ngay từ năm 2017, ông đã tiết lộ một cách tự phát một số tin mật về âm mưu tấn công của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhằm vào đoàn khách Nga, bao gồm Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Đây là thông tin Mỹ nhận được từ tình báo Israel. Vụ việc này khiến giới chức tình báo ở cả Washington lẫn Tel Aviv tức giận.
Tới năm 2019, ông đăng tải bức ảnh mật về cơ sở quân sự của Iran, dù đã được cảnh báo hành động này có thể hé lộ năng lực của Mỹ.
“Trong khía cạnh cung cấp thông tin cần thiết, ông ấy là một tổng thống khó hỗ trợ. Chúng tôi vẫn phải bảo vệ cách thức thu thập thông tin, không để ông tiết lộ mà không chuẩn bị trước và đề cập đến những điều mà kẻ thù có thể sử dụng để tìm ra nơi chúng tôi có điệp viên”, ông Douglas London, cựu quan chức chống khủng bố của CIA, nói.