Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ngôi nhà sàn Bác Hồ ở

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cùng các cơ quan Trung ương phải di chuyển luôn quanh chiến khu Việt Bắc. Người đã chọn nhà sàn để ở và làm việc.

Ngày 19/12/1946, lúc 18h45, Bác Hồ và anh em giúp việc rời làng Vạn Phúc, mang balô, máy chữ và những thứ cần thiết lên Xuyên Dương, Cần Kiệm, Sài Sơn. Rồi từ Sài Sơn, Hà Nội, đi lần lên chiến khu Việt Bắc để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong những năm tháng đầy gian khổ và kiên cường đó, do hoàn cảnh giữ bí mật phải sơ tán luôn, Bác di chuyển nơi ở và làm việc tới 30 địa điểm trên địa bàn của các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn...

Thay đổi chỗ ở luôn, cũng có nghĩa là mỗi lần đến địa điểm mới lại phải làm nhà mới. Thời gian đầu chưa có người biết làm nhà, anh em giúp việc Bác chỉ dựng tạm tre nứa như một túp lều để ở. Sau đó Cơ quan 41 (C.Q41) bổ sung thêm các đồng chí Cần, Kiệm công tác tại Ban xây dựng An toàn khu Trung ương là hai thợ mộc khéo tay; việc làm nhà đỡ vất vả hơn.

Mỗi lần chuyển đến địa điểm mới, anh em giúp việc thường cố gắng đáp ứng yêu cầu của Bác là chỉ cần một mái lán tranh xinh xinh, dưới tán cây cao, gần sông hoặc suối thì càng tốt. Dần dần anh em làm nhà cho Bác theo kiểu nhà sàn ở miền núi, Bác rất thích nhưng chỉ cho làm vừa đủ ở và làm việc.

Nhung ngoi nha san Bac Ho o anh 1

Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc năm 1951. Ảnh: T.L.

Nhà sàn đó, tầng dưới dùng làm việc ban ngày; tầng trên dùng làm việc và nghỉ ban đêm. Kiểu nhà sàn này tránh được khí hậu ẩm thấp và phòng thú dữ bất ngờ tấn công. Ngôi nhà sàn ấy chiều cao mỗi tầng có thể đứng nhón chân với tay được; chiều ngang thì đưa tay sang phải, đưa tay sang trái là có thể lấy được các vật dụng gài trên vách.

Từng tầng tuy đơn sơ, nhưng vẫn có cái bàn con và mấy chiếc ghế đơn giản. Đồ dùng của Bác cũng giản dị, chỉ có cái chăn chiên, cái màn một, vài bộ quần áo... Cho nên khi phải di chuyển chỉ việc lấy quần áo, màn cuộn vào cái chăn thành một gói nhỏ. Số tài liệu cần thì đựng trong chiếc túi vải Bác mang lấy. Bác chỉ để anh em giúp việc mang hộ chiếc máy chữ.

Nơi Bác ở lâu nhất khoảng hơn năm tháng là Khấu Lấu, và Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên (tháng 5-10/1947). Tổng cộng trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ và bộ phận giúp việc cho Bác đã ở các địa điểm thuộc tỉnh Thái Nguyên là 19 tháng, thuộc tỉnh Tuyên Quang là 5 năm, 10 tháng... Có địa điểm ở rồi chuyển đi, năm sau lại trở về, như: Khuôn Tát (Thái Nguyên) ba lần; Khấu Lấu (Tuyên Quang) bốn lần...

Dạo ở Khấu Lấu, nhà sàn của Bác được làm gần sông, dưới tán cây rừng ken dày lá. Có vạt đất rộng, bằng, làm được sân bóng chuyền để chiều chiều sau khi làm việc căng thẳng, Bác có điều kiện chơi bóng chuyền. Cạnh sân bóng chuyền Bác cho làm một dãy bàn tre. Hai bên bàn tre là hai dãy ghế dài dùng làm nơi ngồi nghỉ cho những “cầu thủ” trong khi tập, vừa là chỗ tiếp khách khi cần, vừa làm nơi ăn cơm của Bác và một số anh em giúp việc.

Dưới gầm nhà sàn có đường hào đi ra hầm trú ẩn. Những quả bầu, quả bí do Bác trồng được quanh nhà sàn thì để gần nhà bếp nấu ăn. Bác thường nói với anh em giúp việc:

- Trồng bầu, trồng bí là nhanh thu hoạch, cho ta ăn được cả hoa, lá, quả. Nếu phải chuyển địa điểm đến nơi khác thì để lại cây tăng gia được cho bà con khác.

Hồng Khanh / NXB Chính trị quốc gia Sự thật

SÁCH HAY