Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện của bác sĩ trong khu điều trị Covid-19

Tuân thủ quy trình bảo hộ, khử khuẩn nghiêm ngặt nhưng một ngày kia, bác sĩ không ngửi thấy mùi quen. Điều đó khiến họ lo lắng cho tới khi nhận kết quả xét nghiệm âm tính.

Khu mặc đồ bảo hộ cần phải sạch sẽ nên được bố trí ngay cổng ra vào. Ngày hai lần, đội “nuôi ong” (bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ - PV) tập trung ở đấy lấy bút dạ đỏ viết tên mình lên ngực và lưng áo để khi trùm vào tất cả cùng trắng toát, mọi người còn biết ai là ai.

Mình cười hí hí, bảo quần áo trắng sáng, sang, xịn, mịn thế này mà nửa đêm lững thững đi dưới ánh đèn lờ nhờ trong sân viện kể ra cũng dọa người ra phết. Có khác mấy cảnh phim kinh dị đâu.

Tất cả được mặc theo quy trình lần lượt gồm bộ áo liền quần, bốt đi dưới chân, găng tay, khẩu trang N95 và tấm che mặt, không được phép làm sai để đảm bảo không hở ra tí nào.

Lúc xong việc, quy trình cởi bỏ còn phức tạp hơn nữa vì không được phép để tay chạm ra mặt ngoài đồ bảo hộ, càng không cho mặt ngoài các thứ ấy chạm vào người. Cởi xong sát trùng xong mới được phép ra ngoài hoặc vào khu hành chính sạch. Mỗi ngày, sợi dây cao su đeo khẩu trang đủ chặt nghiến vào vành tai....

Ấy vậy mà chưa thể đảm bảo an toàn tuyệt đối, nguy cơ bị lây nhiễm trong khu bệnh nhân Covid-19 dương tính vẫn xuất hiện bất cứ lúc nào. Anh em nuôi ong an ủi nhau nếu chẳng may bị “bế” đi thì yên tâm mà nghỉ ngơi, sẽ có người nhảy vào làm thay việc của chú.

Đằng sau khu mặc đồ có mấy hộ gia đình làm nghề nông, mỗi ngày từ lúc đến khi sáng sớm và lúc tập kết ra về khi chập tối đều được nghe dàn giao hưởng eng éc cạc cạc đòi ăn đều đặn chuẩn xác của các bộ đồng hồ sinh học được nuôi ở đó. Chiếc cửa sổ phòng luôn vấn vương chút mùi của vịt với lợn, không mạnh mẽ nhưng người có lỗ mũi bình thường đều nhận ra chúng có tồn tại.

Những tế bào trong lỗ mũi có nhiệm vụ giúp cơ thể phân biệt mùi, có những thụ thể đặc biệt hấp dẫn con Covid-19 tấn công vào khiến bệnh nhân giảm hoặc mất luôn khả năng ngửi. Dấu hiệu này cũng có thể gặp trong cảm lạnh hay cúm mùa.

Làm việc trong môi trường nguy cơ cao thế này, nếu bị mất khả năng ngửi sẽ trở thành vấn đề đáng lo lắng. Thế nên mỗi ngày lúc đến rồi đi, thay vì cảm giác khó chịu, được ngửi thấy mùi vịt và lợn đã trở thành điều mong chờ của mỗi người nuôi ong như mình […]

Một ngày như mọi ngày, sau khi ngoáy mũi họng làm test Covid-19 định kỳ buổi sáng xong, mình đến phòng thay đồ. Đang hí hoáy bỗng nhiên thấy điều gì kỳ lạ. Xung quanh yên ắng quá độ, mọi người đột nhiên đứng cách xa nhau chả ai nói với ai câu nào. Mình không ngửi thấy gì.

Nỗi lo lắng tràn lên, hít thêm vài hơi sâu nữa. Cũng không thấy gì. Chột dạ nhỡ đâu mình bị dính thì anh em lại thêm việc. Cả ngày làm việc bâng khuâng nghĩ ra đủ viễn cảnh linh tinh, tìm đủ mọi cách đứng cách xa người khác, không chuyện trò gì hết.

Mãi rồi tin nhắn điện thoại đến báo “Mẫu của các anh âm tính” mới thở phào trút đi được gánh nặng. Cởi hết đồ bảo hộ phi về phòng thấy cả đội nuôi ong đang hồ hởi như mình. Hỏi ra mới biết ai cũng không ngửi thấy gì. Hóa ra nhà hàng xóm vừa xuất chuồng hết cả lũ đồng hồ sinh học kia đi rồi, tối qua cọ rửa chuồng trại sạch sẽ chuẩn bị gây thêm lứa mới. Hú hồn.

Thế nên trong một số hoàn cảnh đặc biệt, những thứ tưởng như khó chịu thường ngày lại trở nên thân thiết và đáng mong chờ như liều thuốc tinh thần cho mỗi người.

Ngô Đức Hùng / Nhã Nam và NXB Thế giới

SÁCH HAY