Nhật Bản là nước có văn hóa đọc phát triển. Tuy nhiên, từ những năm 90 của thế kỷ trước trở đi, do sự phổ cập của Internet và các phương tiện kỹ thuật số, văn hóa đọc có dấu hiệu suy giảm, biểu hiện ở số lượng sách trung bình mỗi người dân đọc trong một năm giảm sút.
Để chấn hưng văn hóa đọc, bên cạnh các bộ luật đã có như Luật Thư viện (1950), nước Nhật đã ban hành một loạt bộ luật như Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001), Luật Chấn hưng văn hóa đọc (2005). Quốc hội Nhật Bản ra cả quyết nghị về đọc sách và quốc gia có kế hoạch cơ bản chấn hưng văn hóa đọc.
Căn cứ những bộ luật và chính sách này, trong một năm, nước Nhật có rất nhiều ngày lễ lấy đọc sách làm trung tâm.
Ngày thư viện
Năm 1950, Luật Thư viện được ban hành đánh dấu mốc thay đổi lớn lao của hệ thống thư viện Nhật Bản, khi nó chuyển từ phục vụ các mục đích chính trị của nhà nước trước kia thành nơi khai sáng quốc dân và thúc đẩy văn hóa, giáo dục quốc gia phát triển, cống hiến cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Để kỷ niệm ngày công bố bộ luật quan trọng này, Hiệp hội Thư viện Nhật Bản tại Đại hội toàn thể năm 1971 đã quyết định lấy ngày 30/4 (ngày công bố bộ luật) làm Ngày thư viện.
Bắt đầu từ năm 1972, đến Ngày thư viện, Hiệp hội Thư viện Nhật Bản sẽ công bố áp phích kỷ niệm và phân phối nó tới các thư viện trên toàn quốc là thành viên. Vì vậy, quãng thời gian từ ngày 1/5 đến 31/5 được coi là “Tháng phục hưng thư viện”.
Ngày thư viện trường học
Thư viện trường học vốn được người Nhật coi là “trái tim của trường học”, vì vậy, Luật Thư viện trường học ở Nhật Bản được công bố, thực thi từ năm 1953, sửa đổi năm 1997.
Để kỷ niệm ngày sửa đổi bộ luật quan trọng này và thúc đẩy hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là giáo viên và học sinh về vai trò của thư viện trường học, Hiệp hội Thư viện trường học Nhật Bản lấy ngày 11/6 (ngày công bố Luật Thư viện trường học sửa đổi) làm “Ngày thư viện trường học”.
Ngày trẻ em đọc sách
Ngày trẻ em đọc sách được quy định là 23/5, bắt đầu từ năm 2001, khi “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” được công bố, thực thi. Việc đặt ra ngày này có mục đích nâng cao mối quan tâm, hứng thú của xã hội, trẻ em đối với sách, đọc sách và thúc đẩy hoạt động khuyến khích trẻ em đọc sách.
Với vai trò tiên phong và trung tâm của Hiệp hội phong trào khuyến khích đọc sách, thời gian hai tuần tiếp sau ngày 23/4 này (thường là từ 23/4-12/5) được coi là “Tuần lễ trẻ em đọc sách”.
Tuần lễ đọc sách
“Tuần lễ đọc sách” là quãng thời gian kéo dài 2 tuần từ ngày 27/10 đến 9/11 hàng năm. Nguồn gốc của ngày này có từ năm 1924 khi Hiệp hội thư viện Nhật Bản quy định “Tuần lễ sách” (17/11-23/11). Đến năm 1933, nó được đổi tên thành “Tuần lễ thư viện” và bị đình chỉ năm 1939 bởi chiến tranh.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hơn 30 đoàn thể bao gồm Hiệp hội Thư viện Nhật Bản, các tổ chức văn hóa, cửa hàng sách, nhà xuất bản… đã cùng nhau lập ra “Ủy ban thực thi tuần lễ đọc sách” năm 1947 và tuần lễ đọc sách kéo dài từ 17/11 đến 23/11.
Từ năm sau, nó kéo dài thêm một tuần nữa là hai tuần (27/10-9/11) và kéo dài cho đến ngày nay.
Năm quốc dân đọc sách
Năm quốc dân đọc sách được xác định dựa trên “Quyết nghị về năm quốc dân đọc sách” với sự tán thành tuyệt đối của thượng-hạ nghị viện của Nhật năm 2008.
Theo đó, năm 2010 - năm kỷ niệm 5 năm ngày công bố Luật Chấn hưng văn hóa đọc được chọn là “Năm quốc dân đọc sách”.
Ngày văn hóa đọc
Ngày văn hóa đọc được quy định trong Luật Chấn hưng văn hóa đọc (công bố năm 2005) là ngày 27/10. Nó cũng là ngày đầu tiên của “Tuần lễ đọc sách”. Ngày văn hóa (3/11) - một ngày lễ lớn của Nhật Bản cũng nằm trong tuần lễ đọc sách kéo dài hai tuần này.
Vào những ngày lễ, trên các cơ quan, công sở, trường học đặc biệt là các cơ quan văn hóa như thư viện, trường học, bảo tàng sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú nhằm tôn vinh giá trị của sách, của văn hóa đọc và khuyến khích người dân đọc sách, quan tâm tới sách.
Nhiều hoạt động được tổ chức như: Diễn thuyết, nói chuyện về sách, trưng bày sách, hội sách, giao lưu với các tác giả -dịch giả, biểu diễn kịch giấy truyền thống, đọc sách cho trẻ em nghe, hội thảo, tọa đàm…
Những hoạt động phong phú này đã làm cho mối quan tâm tới văn hóa đọc của người dân tăng lên, tạo ra nhiều cơ hội cho người dân tiếp cận, hưởng thụ văn hóa và thúc đẩy hoạt động đọc sách ở các địa phương trên toàn Nhật Bản.
Chính vì vậy, cho dù bị tác động bởi dân số già hóa và ảnh hưởng của các phương tiện nghe nhìn, Internet, Nhật Bản cho đến nay vẫn là một quốc gia có văn hóa đọc phát triển đáng nể trên thế giới.
Nhiều kỳ vọng cho ngành xuất bản trong năm 2021
Với những thành quả đạt được sau một năm đầy khó khăn, biến động, ngành xuất bản được đặt nhiều kỳ vọng phát triển hơn nữa, góp phần nâng cao văn hóa đọc.
'Cha mẹ, thầy cô cần làm gương để trẻ đọc sách'
TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh và phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ quan trọng của các trường học hiện nay.
Đường sách trong chặng đường khởi tạo và phát triển văn hóa đọc
Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam chúc mừng thành quả mà Đường sách TP.HCM đạt được, đồng thời gửi lời cảm ơn những đơn vị, cá nhân đã chung tay xây dựng không gian văn hóa.