Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ngày đi học của Stephen Hawking

Tôi chẳng bao giờ vượt qua được thứ bậc khoảng nửa trên của lớp nhưng các bạn gán cho tôi biệt danh Einstein.

Trước đây, tôi đã viết về cuộc đời mình, tuy nhiên vẫn còn một số kinh nghiệm thời trẻ đáng được kể lại khi nghĩ về niềm đam mê suốt đời của mình với những câu hỏi lớn.

Tôi ra đời chính xác 300 năm sau ngày mất của Galileo và tôi thích nghĩ rằng sự trùng hợp này hẳn có liên quan diễn tiến cuộc đời khoa học của mình. Tuy nhiên, tôi ước chừng có 200.000 trẻ cùng sinh vào ngày ấy. Tôi không rõ liệu trong số các bạn này có ai sau đó đã quan tâm thiên văn học hay không.

Tôi lớn lên trong một ngôi nhà kiểu Victoria cao và hẹp ở Highgate, London, mà cha mẹ đã mua với giá cực rẻ trong Thế chiến II, khi mọi người nghĩ rằng London sẽ bị bom đạn san phẳng.

Thực tế là tên lửa V2 đã đáp xuống cách nhà tôi vài căn. Lúc ấy, tôi cùng mẹ và em gái đi vắng và may là cha tôi không việc gì. Nhiều năm về sau vẫn còn một hố bom lớn gần bên con đường, nơi tôi vẫn thường chơi với bạn Howard của mình. Chúng tôi tìm hiểu các hậu quả của vụ nổ với cùng sự tò mò đã chèo lái tôi suốt cuộc đời.

Vào năm 1950, nơi làm việc của cha tôi chuyển qua rìa phía bắc của London, tới Viện Nghiên cứu Y học Quốc gia mới được xây dựng ở Mill Hill, nên gia đình tôi về thành phố nhà thờ St Albans. Tôi được gửi vào trường Trung học Nữ sinh, dù tên là vậy nhưng trường vẫn nhận các nam sinh dưới mười tuổi. Sau đó, tôi chuyển sang trường St Albans.

Tôi chẳng bao giờ vượt qua được cái thứ bậc khoảng chừng nửa trên của lớp - đó là một lớp rất sáng giá - nhưng các bạn gán cho tôi biệt danh Einstein, như thể họ nhìn thấy các dấu hiệu của điều gì tốt đẹp hơn. Khi tôi 12 tuổi, một bạn cá với bạn khác một gói kẹo rằng tôi sẽ chẳng bao giờ làm nên trò trống gì.

Tôi có khoảng sáu hoặc bảy bạn thân ở St Albans, và tôi nhớ là chúng tôi đã có những cuộc thảo luận, tranh cãi dài về mọi thứ, từ các mô hình được điều khiển bằng radio đến tôn giáo. Một trong các câu hỏi lớn mà chúng tôi đã thảo luận là nguồn gốc của vũ trụ và liệu cần phải có thượng đế để tạo ra vũ trụ và vận hành nó hay không.

Tôi đã nghe nói rằng ánh sáng từ các thiên hà xa xăm bị dịch về phía phổ màu đỏ và điều này được cho là chứng tỏ vũ trụ đang nở ra. Nhưng tôi tin rằng chắc phải có một nguyên nhân nào khác của cái sự dịch về phía đỏ ấy.

Có thể chăng trên con đường đến với chúng ta ánh sáng bị mệt mỏi và trở nên đỏ hơn? Một vũ trụ không thay đổi đáng kể và tồn tại lâu dài có vẻ là điều tự nhiên (chỉ ít năm sau, với phát hiện nền vi sóng vũ trụ khoảng hai năm trước khi làm nghiên cứu tiến sĩ, tôi đã nhận ra là mình sai).

Tôi luôn rất quan tâm cách thức hoạt động của mọi thứ và thường tháo rời chúng ra để xem hoạt động thế nào, nhưng tôi lại hơi yếu trong việc ghép chúng trở lại với nhau. Khả năng thực hành của tôi chưa bao giờ theo kịp các phẩm chất lý thuyết của mình.

Cha khuyến khích hứng thú khoa học của tôi và rất mong là con trai sẽ vào Oxford hay Cambridge. Bản thân ông đã học ở University College, Oxford, vì thế ông cho là tôi nên nộp đơn vào đó.

Thời ấy, University College không có ban Toán nên tôi không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ thử xin một học bổng về khoa học tự nhiên. Bản thân tôi đã rất ngạc nhiên là mình trúng tuyển.

Thái độ phổ biến ở Oxford thời ấy là không khuyến khích học tập. Bạn được cho là thông minh mà không cần cố gắng gì, hoặc chấp nhận những hạn chế của mình và nhận trình độ hạng tư.

Tôi hiểu điều này như một lời mời gọi để làm việc rất ít. Tôi không tự hào gì về điều này, tôi chỉ mô tả lại thái độ của mình khi đó, được chia sẻ bởi đa phần bạn bè sinh viên của mình.

Một hệ quả của chứng bệnh tôi mắc phải đã thay đổi tất cả chuyện ấy. Khi đối mặt khả năng chết sớm, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều việc muốn làm trước khi về với cát bụi.

Do ít học tập, tôi đã lên kế hoạch vượt qua kỳ thi tốt nghiệp bằng cách tránh các đề đòi hỏi bất kỳ hiểu biết thực tiễn nào, mà tập trung các bài toán vật lý lý thuyết. Đêm trước ngày thi tôi không ngủ được nên đã làm bài không tốt lắm. Tôi được đánh giá ở khoảng giữa trình độ hạng nhất và hạng hai, nên phải trực tiếp trả lời các câu hỏi của hội đồng chấm thi để xác định xem mình thuộc trình độ nào.

Trong cuộc phỏng vấn ấy, hội đồng hỏi tôi về dự kiến tương lai của bản thân. Tôi đáp rằng mình muốn làm nghiên cứu. Nếu họ xếp ở trình độ thứ nhất, tôi sẽ vào Cambridge. Còn, nếu chỉ ở trình độ thứ hai, tôi sẽ ở lại Oxford. Họ xếp tôi thứ nhất.

Trong kỳ nghỉ dài sau khi thi tốt nghiệp, trường đại học dành tặng một số chuyến tham quan. Tôi nghĩ cơ hội để được nhận một phần sẽ càng lớn nếu đề xuất chuyến đi càng xa, vì thế tôi nói rằng mình muốn đi Iran.

Vào mùa hè 1962, tôi khởi hành, đón tàu đi Istanbul, đi tiếp tới Erzuerum ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, rồi tới Tabriz, Tehran, Isfahan, Shiraz và Persepolis, thủ đô của các vị vua Ba Tư cổ đại.

Trên đường quay về, tôi và bạn đồng hành, Richard Chiin, đã gặp động đất ở Bouin-Zahra. Trận động đất khủng khiếp 7,1 Richter đã cướp đi 12.000 mạng người. Tôi chắc là mình đã ở gần tâm chấn nhưng không hay biết gì vì bị ốm và ở trên chiếc xe buýt nảy lên nảy xuống trên các con đường Iran rất không bằng phẳng lúc bấy giờ.

Chúng tôi ở lại Tabriz vài ngày tiếp theo, trong khi chờ tôi bình phục sau trận kiết lỵ kinh hoàng và xương sườn bị gãy trên xe buýt do tôi ngã đập vào ghế trước, tôi vẫn chưa biết gì về thảm họa vì không nói được tiếng Farsi. Mãi khi về đến Istanbul tôi mới được biết điều gì đã xảy ra.

Tôi gửi cho cha mẹ một bưu thiếp, họ đã căng thẳng chờ đợi cả chục ngày, vì tin cuối cùng mà họ có được là tôi đã rời Tehran hướng tới vùng thảm họa vào đúng cái ngày xảy ra rung chấn. Bất chấp động đất, tôi đã có nhiều kỷ niệm đáng yêu trong thời gian ở Iran. Sự tò mò mãnh liệt về thế giới có thể đặt người ta vào con đường nguy hiểm, nhưng với tôi đây có thể là lần duy nhất trong đời mình, tiếc rằng đó là sự thật.

Stephen Hawking / NXB Trẻ

SÁCH HAY