Anh chị chủ nhà ở phố Hàng Ngang đã dành cho chúng tôi tầng gác hai. Bác được mời lên tầng ba làm việc cho tĩnh. Nhưng Bác không thích ở một mình, cùng ở với chúng tôi. Lúc đó, theo sự phân công của Bác, anh Tô (1) và anh Hoan còn ở lại Tân Trào ít lâu.
Đối với những người giúp việc trong gia đình và hàng xóm thì Bác và chúng tôi là “các cụ và các ông ở nhà quê ra chơi”. Anh Ninh hồi đó có bộ râu rậm lười cạo nên cũng được coi lầm là một “ông cụ”.
Tầng gác này vốn là phòng ăn và buồng tiếp khách nên không có bàn viết, Bác ngồi viết ở cái bàn ăn rộng thênh thang. Chiếc máy chữ của Bác được đặt trên cái bàn vuông nhỏ, mặt bọc nỉ xanh kê ở góc phòng.
Hết giờ làm việc, mỗi người kiếm một chỗ nghỉ luôn tại đó. Người nằm ở đi-văng. Người ngủ trên những chiếc ghế kê ghép lại. Bác nghỉ trên một chiếc ghế xếp bằng vải trước kia vẫn dựng ở góc phòng.
Ngay từ hôm Bác mới về, những toán quân Tưởng đầu tiên đã xuất hiện ở Hà Nội. Đó là những tên thám báo vô tiền trạm. Đứng trên bao lơn, chúng tôi nhìn thấy những toán quân Tưởng lẻ tẻ vẫn tiếp tục kéo đến. Thật khó mà tin được đây lại là một quân đội vừa chiến thắng. Mặt mũi chúng bủng beo, ngơ ngác. Những bộ quân phục màu vàng nghệ rách rưới, bẩn thỉu. Chúng gồng gánh lễ mễ. Có những toán đem theo cả đàn bà và trẻ con.
Nhiều đứa kéo lê không nổi cặp chân voi. Chúng xuất hiện như những vết nhơ trên thành phố vừa quét sạch được mùi hôi tanh của bọn thực dân. Nhìn chúng lần này thảm hại hơn nhiều so với lần chúng tôi đã nhìn thấy chúng năm năm trước tại Côn Minh, Quế Lâm.
Bác chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thường vụ tại Hà Nội. Cách mạng đã thành công ở hầu khắp các tỉnh. Nhưng chính quyền cách mạng trung ương vẫn chưa thành lập. Tình hình trong, ngoài lại rất khẩn trương. Thường vụ nhận thấy phải sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời và tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ. Những việc này cần làm ngay trước khi đại quân của Tưởng kéo vào.
Các tỉnh ở phía trên nhận được chỉ thị nhân lúc nước lụt, lấy cớ huy động thuyền bè khó khăn, làm chậm việc chuyển quân của Tưởng thêm ngày nào hay ngày ấy.
Một số chi đội Quân giải phóng đã được lệnh điều động gấp từ Thái Nguyên về Hà Nội. Nước lụt làm hư nhiều đoạn đường nên anh em về chậm. Hà Nội giành chính quyền đã hơn một tuần lễ. Nhưng lực lượng vũ trang cách mạng mới chỉ có những đơn vị tự vệ chiến đấu và một số lính bảo an vừa theo cách mạng. Đó cũng là một điều phải quan tâm.
Sáng ngày 26, có tin hai chi đội Quân giải phóng đã về đến Gia Lâm. Anh Nguyễn Khang cùng anh Vương Thừa Vũ sang đón.
Phải trải qua một cuộc dàn xếp khó khăn, bọn Nhật mới đồng ý để các đơn vị Quân giải phóng vào Hà Nội.
Đội nhạc binh cử những khúc quân hành khi đoàn quân vượt cầu Long Biên. Các chiến sĩ dàn thành hai hàng dọc hai bên đường, súng cầm tay, đạn lên nòng, đi theo tư thế sẵn sàng chiến dấu.
Sự có mặt ở Hà Nội của những lực lượng vũ trang cách mạng đã trải qua tôi luyện, thử thách làm cho mọi người phấn khởi. Một cuộc duyệt binh của Quân giải phóng và tự vệ thành được tổ chức tại quảng trường Nhà hát lớn trước niềm hân hoan, tin tưởng của đồng bào.
Ngày 28, danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên các báo chí tại Hà Nội. Thành phần của Chính phủ nói lên chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc xây dựng đất nước.
Hôm trước đó, Bác đã gặp các vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời tại Bắc Bộ phủ. Ông Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, nhìn thấy ở phòng khách có một cụ già, mặc chiếc quần “soóc” nhuộm nâu, đội cái mũ bọc vải vàng đã móp, đứng chống cây gậy, tươi cười gật đầu chào mình. Lát sau, ông mới biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thường vụ đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa.
Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: Thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.
Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy.
Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.
Một buổi sáng, Bác và anh Nhân gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người.
Hai mươi sáu năm trước, Bác đã tới Hội nghị hòa bình Véc-xây, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình.
Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người.
-----------------
(1) Đồng chí Phạm Văn Đồng