Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày hội Độc lập tại Hà Nội năm 1945

Người Hà Nội xuống đường. Nhân dân các tỉnh xung quanh kéo về thủ đô. Dòng thác người vô tận đổ về quảng trường Ba Đình lịch sử.

Không khí ngày 2/9/1945 được ghi lại trong cuốn Những ngày khởi nghĩa ở Hà Nội (tác giả Lê Hồng Lân, NXB Thanh Niên, 1975). Kỷ niệm 75 năm ngày Độc lập, Zing giới thiệu một phần cuốn sách.

Ngày 2 tháng 9 là ngày hội Độc lập của dân tộc.

Một lần nữa, cả Hà Nội tràn ngập cờ đỏ sao vàng và các biểu ngữ mang khẩu hiệu đủ các thứ tiếng Việt Nam, Pháp, Anh, Hoa.

Ngày hội lớn

Người Hà Nội xuống đường. Nhân dân các tỉnh xung quanh kéo về Hà Nội. Dòng thác người vô tận cuồn cuộn đổ về quảng trường Ba Đình lịch sử. Đủ mặt: Các dân tộc, các giai cấp, các đảng phái, các tôn giáo, các lứa tuổi. Anh em tự vệ, dân quân trai, gái mang theo súng, kiếm, mã tấu, long đao…

Có cả đơn vị Giải phóng quân từng chiến đấu ở chiến khu làm khiếp đảm bọn phát xít và làm nức lòng nhân dân cả nước về tham dự cuộc mít tinh.

Từ khi có Hà Nội đến giờ, chưa bao giờ người Hà Nội được thấy cuộc hội lớn đến thế, đông người đến thế. Có tới gần một triệu người dự ngày hội Độc lập và chào mừng Chính phủ lâm thời.

Khong khi ngay 2/9/1945 anh 1

Lễ đài Độc lập tại Ba Đình, Hà Nội trong ngày 2/9/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Quảng trường Ba Đình đã dựng sẵn một kỳ đài, xung quanh căng vải đỏ và trắng, một cột cờ sơn trắng vươn lên cao chót vót.

Các đoàn thể theo trật tự tiến vào quảng trường. Gần kỳ đài là đoàn thể phụ lão, đoàn thể Phật giáo, Công giáo và các chị em phụ nữ. Một đơn vị giải phóng quân, lưỡi lê cắm ở đầu súng sáng loáng đứng xếp hàng ngang phía sau kỳ đài. Một đội tự vệ súng lục cầm tay đứng chen khít nhau thành hàng rào bao quanh ngay gần sát kỳ đài.

Anh em giải phóng quân bồng súng đứng thành hàng từ kỳ đài kéo dài cho đến đầu đường Cột cờ (nay là đường Điện Biên Phủ). Từ kỳ đài nhìn xuống, một biển người đông đảo, trên đó phấp phới một rừng cờ đỏ sao vàng.

Hai giờ, đoàn xe hơi của Chính phủ, có đội cảnh sát đi trước dẫn đường theo nghi thức, tiến vào quảng trường và từ từ đỗ lại. Các thành viên của Chính phủ lâm thời bước lên kỳ đài. Tất cả đều chú ý nhìn lên xem ai là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Buổi lễ bắt đầu. Quân nhạc cử bài Tiến quân ca. Lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên ngọn cột cờ, theo chiều gió bay phần phật. Trên kỳ đài, các thành viên Chính phủ đầu trần đứng lên giơ nắm tay trái lên ngang tai để chào. Bên dưới, gần một triệu cánh tay cũng đều giơ lên. Tất cả yên lặng rất trang nghiêm.

Sau khi đại biểu Ban tổ chức ngày lễ Độc lập đứng trước máy truyền thanh đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ mặc bộ quần áo ka-ki, đội chiếc mũ dãi dầu mưa nắng, bước ra lễ đài. Thay mặt cho Chính phủ lâm thời, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới:

“Tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…”.

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Giọng Bác đọc sang sảng. Lời văn của bản Tuyên ngôn đanh thép, khúc chiết, rõ ràng. Bác đọc xong, tất cả nhân dân cùng cất tiếng hoan hô như sấm trong sự nồng nhiệt say sưa chưa bao giờ thấy. […].

Khong khi ngay 2/9/1945 anh 2

Sách Những ngày khởi nghĩa ở Hà Nội của tác giả Lê Hồng Lân, NXB Thanh Niên phát hành.

"Độc lập là cái quý giá vô ngần"

Với bản Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lịch sử Việt Nam đã sang trang. Một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam bắt đầu.

Tiếp đến là tuyên thệ của Chính phủ. Đứng trước lá Quốc kỳ và đứng trước nhân dân, các thành viên của Chính phủ lâm thời bỏ mũ, đứng thẳng người thề: “Chúng tôi, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội đại biểu cử lên, xin thề rằng: Chúng tôi sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại hạnh phúc tự do cho dân tộc”.

“Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mạng cũng không từ”.

[...] Buổi lễ kết thúc bằng tiếng hô vang long trời lở đất lời thề độc lập:

“Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề:

- Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.

“Chúng tôi xin thề:

- Cùng Chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc chống mọi mưu mô xâm lược, dù chết cũng cam lòng!”.

[…]

Bác Hồ lại bước ra kỳ đài nói thêm với toàn dân vài lời nữa. Bác nói: “Độc lập là cái quý giá vô ngần. Nhân dân ta đã gian khổ bao nhiêu lâu mới giành được nó, cần phải cố gắng dù hy sinh đến đâu cũng phải giữ lấy nó”.

Cuộc mít tinh chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành sau khi quân nhạc cử bài Tiến quân ca kết thúc buổi lễ.

Cả nước vui mừng ngày hội Độc lập. Riêng Hà Nội được ưu đãi hơn cả. Buổi lễ long trọng đó đã được tổ chức ở Hà Nội và lần đầu tiên, nhân dân thủ đô được trông thấy Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, người cha hiền từ của dân tộc.

Khai mạc triển lãm sách kỷ niệm 75 năm Quốc khánh

Triển lãm sách trực tuyến trưng bày hơn 1.000 tư liệu, tái hiện bức tranh lịch sử hào hùng của dân tộc.

Theo sách "Những ngày khởi nghĩa ở Hà Nội"

Bạn có thể quan tâm