Kể từ sau ngày lịch sử 19/8/1945 ở Hà Nội, lịch sử hiện đại Việt Nam bước sang một trang mới với sự thay đổi vị thế của đất nước hình chữ S, vị thế của quốc gia độc lập. Và sự kiện khẳng định cho quyền thiêng liêng bất khả ấy, là lễ Độc lập ngày 2/9/1945.
Miêu tả sự kiện này, nhà sử học Pháp Philippe Devillers trong tác phẩm Paris - Saigon - Hanoi đã viết: “Tại Hà Nội, trước một đám đông dân chúng mà Sainteny ước lượng có đến 500.000 người, ông Hồ Chí Minh cùng một lúc tuyên bố nền Cộng hòa (Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và nền Độc lập”.
Người đọc bản Tuyên ngôn ấy, lần đầu tiên xuất hiện chính thức trước quốc dân với tên gọi Hồ Chí Minh, đã gây nên ấn tượng mạnh, sâu sắc qua buổi lễ Độc lập. Đó không chỉ là phong thái ung dung, là giọng xứ Nghệ trầm ấm, là sự gần gũi khi ngắt quãng mà hỏi thăm đồng bào có nghe rõ lời tuyên ngôn… đó còn ở bộ trang phục giản dị mang phong cách Hồ Chí Minh.
Báo Cờ giải phóng số 16 ra ngày 12/9/1945 đăng bản Tuyên ngôn độc lập. |
Theo báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5/9/1945 cho hay, Bác Hồ ngày hôm ấy, lần đầu tiên xuất hiện chính thức trước quốc dân với tư cách lãnh tụ của một nước Việt Nam mới, tuyên bố bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể đồng bào và thế giới. Xuất bản năm 1946, tác phẩm Chặt xiềng với lời tựa của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố cũng cho biết: “Lần đầu tiên vị lãnh tụ cả nước đều mong đợi ấy chính thức ra mắt quốc dân”.
Trải qua cơn bạo bệnh không lâu nơi Chiến khu Việt Bắc, hình ảnh của Bác được báo ghi nhận lúc đó là “Một ông già dáng gầy yếu, nhưng tinh thần hiên ngang vẫn lộ ra trong bộ điệu ung dung, trong vầng trán cao mênh mông và đôi mắt sáng quắc”. Đó là thần thái của vị lãnh tụ trong sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Và trang phục Người mang lúc ấy thế nào?
Vẫn trong bài viết “Cuộc mít tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ Ngày Độc lập” đăng trên số báo trên của phóng viên Hoàng Hà, cho ta hay Hồ Chủ tịch “vận một bộ quần áo bằng vải vàng đã bạc màu và [mất hai chữ] có lẽ vẫn là y phục của ông mang theo từ những ngày lận đận bôn ba ở hải ngoại”. Đó là miêu tả của báo Cứu quốc.
Cũng là tờ báo có tường thuật về lễ Độc lập, trong bài viết “Ngày độc lập” đăng trên Trung Bắc Chủ nhật số 261, ra ngày 9/9/1945, đã có miêu tả tương tự về trang phục của Hồ Chủ tịch: “Người ấy điềm tĩnh bước lên khán đài. Bận một cái áo vàng cũ kỹ và đội một chiếc mũ lại ọp ẹp và cũ kỹ hơn nữa, người ấy nhìn thẳng vào một triệu người đang nhìn mình. Mắt thì sáng ngời, chòm râu đã hoa râm trên một bộ mặt xương xẩu nhưng cương quyết lạ thường, một sức mạnh hiên ngang đã hiện ra trên bộ quần áo cũ kỹ có lẽ đã nhuốm bao nhiêu sương gió khi người ấy bôn tẩu ở hải ngoại để xây đắp nền độc lập Việt Nam. Người ấy là chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Và ngay cả phía bên kia, Pierre Quatrepoint (theo binh nghiệp, trở thành sĩ quan Pháp năm 1954) khi tìm hiểu về chiến tranh Đông Dương qua tác phẩm L’Aveuglement, De Gaulle face à l’Indochine (Sự mù quáng của tướng Đờ Gôn đối với cuộc chiến ở Đông Dương), nói về sự kiện ngày 2/9/1945, ngoài việc phân tích Tuyên ngôn độc lập, đã không bỏ qua hình ảnh gây ấn tượng mạnh, đó là trang phục Hồ Chí Minh: “Ngày 2/9, ông Hồ Chí Minh trong bộ ka-ki, chân đi dép cao su, trước một cuộc mít tinh lớn ở địa điểm Ba Đình, đọc bản Tuyên ngôn độc lập và tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Chỉ qua vài dòng tường thuật về cá nhân vị lãnh tụ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng đã đọng lại nhiều điều đáng để suy nghĩ.
Là Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó, cũng là người trực tiếp tham gia và phát biểu trong ngày lễ Độc lập, Võ Nguyên Giáp khi nói tới vị Chủ tịch Chính phủ, đã không bỏ qua chi tiết liên quan đến trang phục của người đại diện quốc dân trong ngày lễ Độc lập. Trong hồi ức Những năm tháng không thể nào quên (Hữu Mai thể hiện), Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp vẫn còn nhớ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trước quốc dân trên lễ đài ngày hôm ấy với hình ảnh còn đọng lại mãi trong ký ức những người tham dự: “Đó là một cụ già gầy gò, trán cao, mắt sáng, râu thưa. Cụ đội chiếc mũ đã cũ, mặc áo ka-ki cao cổ, đi dép cao su trắng”. Ở đây, ta có được miêu tả mang tính chi tiết về tổng thể trang phục của vị lãnh tụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bước xuống lễ đài. |
Vẫn lời tướng Võ Nguyên Giáp cho hay, không phải ngẫu nhiên Hồ Chủ tịch xuất hiện trước quốc dân với bộ trang phục giản dị nhường ấy. Là người đứng đầu Chính phủ, là người đại diện của hơn 20 triệu đồng bào, lại là lần đầu tiên ra mắt quốc dân và thế giới trong tư thế người lãnh đạo nước Việt Nam mới, trang phục của người lãnh tụ, chắc chắn phải gây ấn tượng lớn đối với quốc dân, hơn nữa đó là hình ảnh đầu tiên, là ấn tượng đầu tiên.
Bởi vậy nên, việc chọn trang phục xuất hiện trước quốc dân, đã được đặt ra trước đó mà như lời vị đại tướng tương lai là “Mấy ngày hôm trước, một vấn đề đặt ra là phải có một bộ quần áo để Bác mặc khi Chính phủ ra mắt đồng bào”. Nhưng cuối cùng, Hồ Chủ tịch là người quyết định cuối cùng, và Người đã chọn bộ trang phục như trên đã miêu tả, chiếc áo ka-ki bạc màu, đôi dép cao su trắng.
Hình ảnh ấy lần đầu tiên xuất hiện trước quốc dân nơi vườn hoa Ba Đình, nhưng rồi về sau, sẽ trở nên quen thuộc khi “Hai mươi bốn năm làm Chủ tịch nước, trong những ngày lễ lớn của dân tộc, trong những cuộc đi thăm nước ngoài, Hồ Chủ tịch bao giờ cũng xuất hiện với một hình ảnh giản dị, không thay đổi. Vẫn bộ quần áo vải, trên ngực không một tấm huân chương, y như lần đầu Bác đã ra mắt đồng bào”. Lời ấy, của đại tướng họ Võ sau này, cũng là một trong những người gần gũi Hồ Chủ tịch suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Tem kỷ niệm ngày 2/9 (1945 - 1960). |
Hình ảnh của vị lãnh tụ, là hình ảnh đại diện cho quốc thể ở bất cứ thời nào cũng vậy. Nói thế để thấy, trang phục sẽ phản ánh phần nào tính cách, tính thẩm mỹ của người mang nó. Về phần Chủ tịch Hồ Chí Minh, với hình ảnh bộ trang phục giản dị khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không chỉ bởi nó thể hiện một phong cách sống giản dị, cần kiệm của vị lãnh tụ, bên cạnh đó, nhìn vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chính là sự thấu cảm, sự sẻ chia, sự tận tâm… của nhà lãnh đạo đối với toàn thể quốc dân. Như lời mở đầu trong tác phẩm Chặt xiềng ghi xúc cảm của quần chúng: “Công chúng cảm động biết bao khi thấy Người nhân từ, giản dị như một vị Cha già”.