Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà nghiên cứu người Mỹ tìm về nguồn gốc quốc ca Việt Nam

Tác giả Jason Gibbs trích một bài báo của Trần Huy Liệu cho biết trong ngày cuối của Hội nghị Tân Trào là ngày 18/8/1945, hội nghị đã tuyên bố lấy bài Tiến quân ca là quốc ca.

Jason Gibbs sinh năm 1960, là một nhà nghiên cứu âm nhạc người Mỹ. Ông đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Năm 2007, ông xuất bản cuốn Rock Hanoi & Rumba Cuu Long, đã được NXB Tri thức phát hành năm sau với tên Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long theo bản dịch của Nguyễn Trương Quý. Trong cuốn sách này, bài viết Quốc nhạc Việt Nam: Hành trình tìm kiếm bản Quốc ca đã cho người đọc tìm về cội nguồn bản Quốc ca của nước ta.

Tien quan ca,  Quoc ca Viet Nam,  Jason Gibbs,  Rock Ha Noi va Rumba Cuu Long,  Van Cao anh 1
Chiều 17/8/1945, bản Tiến quân ca lần đầu được công chúng Hà Nội hát vang tại Nhà hát Lớn. Ảnh tư liệu.

Tác giả lần ngược lịch sử để cho độc giả biết rằng, thời Nguyễn, bản Đăng đàn cung thường được tấu khi vua làm lễ. Trích bài viết Nhớ và nghĩ về quốc ca Việt của Nguiễn Ngu Í, cuốn sách cho biết năm 1933, khi ban nhạc lính của triều đình Huế khi sang Pháp dự cuộc Đấu xảo (triển lãm) thuộc địa ở Vincennes, họ nhận ra mình thiếu một bản quốc ca để mở đầu các buổi lễ, do đó, người chỉ huy của ban nhạc, một người Pháp tên là Tourrnier, đã cho hòa tấu giai điệu của Đăng đàn cung.

Theo Nguiễn Ngu Í, lời bài Đăng đàn cung có những câu như “Kìa là núi vàng bể bạc. Có sách trời, sách trời định phân…”.

Còn theo hồi ký của ông Đinh Ngọc Liên, người chỉ huy đội quân nhạc của lính bảo an binh tại Hà Nội và sau này đi theo cách mạng, trong suốt những năm 1930 và 1940, giai điệu của bản Đăng đàn cung đã được dùng như là “quốc ca An Nam” và được trình tấu tại các cuộc họp hay các buổi lễ có nhà vua giá lâm.

Dẫn bài viết Bài Tiến quân ca (Văn nghệ, 25/8/1990) của Văn Cao, Gibbs cho biết năm 1944, Văn Cao được các thành viên trong tổ chức Việt Minh mời tham gia cách mạng. Họ nói với ông rằng: “Chiến khu thiếu bài hát… Khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng của chúng ta”.

Khi viết bài hát này, Văn Cao đã lấy cảm hứng từ nỗi thống khổ của đồng bào đang chết đói mà ông nhìn thấy trên đường phố Hà Nội. Ông cố hình dung ra những người lính cách mạng mà ông chưa từng gặp, nhưng những hành động dũng cảm của họ thì ông đã biết qua những bài viết trên những tờ báo bí mật.

Văn Cao cũng kể lại rằng, ông chủ ý viết một bài hát giản dị sao cho những người lính ấy có thể hát được. Hơn thế, ông tin rằng để cách mạng thành công, người Việt sẽ phải tham gia, vì thế ông viết cho cả đoàn quân tưởng tượng và cho cả đất nước.

Tiến quân ca của Văn Cao không khác La Marseillaise (quốc ca Pháp) với những khung cảnh được khắc họa từ những cảnh thiếu thốn hiện tại và động cơ của lòng căm hờn, hình ảnh của lá cờ pha máu, trở thành tiếng gọi cho nhân dân đập tan gông cùm, kêu gọi tập hợp thành quân đội với tinh thần “chung lòng cứu quốc”.

Câu cuối bài hát theo nguyên bản là “Hỡi ai! Lòng chớ quên! Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên”, nhắc đến ba cuộc khởi nghĩa do Việt Minh tổ chức diễn ra trước đó.

Tiến quân ca đã được xuất bản với bút danh (Anh Thơ, Anh Dung) trên một tờ báo bí mật và tìm đường lên chiến khu, trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh.

Jason Gibbs trích một bài báo của Trần Huy Liệu cho biết trong ngày cuối của Hội nghị Tân Trào là ngày 18/8/1945, hội nghị đã tuyên bố lấy bài Tiến quân ca là quốc ca.

Còn các tài liệu viết về cuộc “phản mít tinh” phá cuộc mít tinh của Tổng hội công chức của chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức ở trước Nhà hát Lớn chiều 17/8/1945, có kéo cờ triều đình (cờ quẻ ly) và trình bày bài Đăng đàn cung, các đội viên Việt Minh đã chiếm lĩnh diễn đàn cùng micro. Họ hạ cờ triều đình, phất cờ đỏ sao vàng từ ban công nhà hát và tổ chức hát hai bài Tiến quân ca và bài Diệt Phát xít của Nguyễn Đình Thi, lúc này đã được in trên tờ rơi.

Nhạc sĩ Văn Cao, trong bài viết trên báo Văn Nghệ năm 1990 kể lại rằng, sau đó, bài hát đã được hát khắp nơi trong thành phố.

Thiếu tá Archimedes L.A. Patti, nguyên chỉ huy một đội OSS (tiền thân của CIA), người có mặt tại Hà Nội vào cuối tháng 8/1945, trong cuốn Why Viet Nam: Prelude to America’s Albatros (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu của con chim hải âu Mỹ, NXB Đại học California, 1980), đã mô tả về một buổi “Lễ Quốc tế”, khi ông Võ Nguyên Giáp cùng đoàn lính và quân nhạc Việt Nam tập hợp trước căn nhà nơi đoàn của ông ở vào ngày 26/8/1945, để tổ chức chào 4 lá cờ của các nước Đồng Minh gồm Mỹ, Liên xô, Anh và Trung Hoa Dân quốc cùng Việt Nam và lần lượt trình tấu các bản quốc ca của các nước này.

Ông Patti dẫn lời ông Võ Nguyên Giáp nói rằng: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, lá cờ của chúng tôi được trưng trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca của chúng tôi được chơi vì sự kính trọng đối với một vị khách nước ngoài. Tôi sẽ nhớ mãi giây phút này”.

Jason Gibbs viết tiếp: “Cuối cùng Tiến quân ca đã được quốc hội phê chuẩn làm Quốc ca vào ngày 8/11/1946”. Nhạc sĩ Văn Cao sau đó đã được nghe một Việt kiều Pháp kể lại đầy tự hào khi nghe ban nhạc quân đội Pháp chơi bản Tiến quân ca tại sân bay ở Pháp khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bước xuống máy bay sang dự thương thuyết.

Nhà nghiên cứu người Mỹ đã tìm trong các tư liệu sách báo để viết rằng, sau khi quân đội nhân dân chiến thắng trở về tiếp quản Hà Nội, một ủy ban của Bộ Tuyên truyền đã đề nghị thay đổi một phần lời của quốc ca vì “có một số chữ và một số câu không được rõ nghĩa và có thể bị hiểu lầm” (Báo cáo của Bộ Tuyên truyền về quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, Báo Nhân dân số 17/9/1956).

Theo Gibbs, những thay đổi này thực tế do Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, nhà thơ Tố Hữu đề ra với sự đồng ý của tác giả.

Việc thay thế này cũng bỏ đi chi tiết nhắc đến các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, Thái Nguyên ở cuối bài vì có thể những nơi này không còn đóng vai trò lớn so với những chiến thắng gần hơn khi kết thúc cuộc chiến tranh giành độc lập với Pháp.

Tien quan ca,  Quoc ca Viet Nam,  Jason Gibbs,  Rock Ha Noi va Rumba Cuu Long,  Van Cao anh 2
Bản Tiến quân ca in trên báo bí mật năm 1944.

Sau khi đất nước thống nhất, ngày 2/7/1976, Việt Nam DCCH và Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam hợp nhất thành Cộng hòa XHCN Việt Nam, trong dịp tuyên bố này, Jason Gibbs thấy bản Tiến quân ca được in trên trang nhất báo Nhân dân (ngày 3/7/1976) đi cùng Nghị quyết số 5 công bố Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam là bài Tiến quân ca.

Sau khi nhắc lại cuộc thi sáng tác quốc ca diễn ra năm 1981 mà không tìm được kết quả, Gibbs ghi nhận: “Cuối cùng, vào năm 1992, Hiến pháp Việt Nam mới đã phê chuẩn: Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm