Những mẫu phi cơ kỳ dị nhất hành tinh (phần 4)
Tuy mang hình dáng kỳ lạ cùng với những công nghệ đặc biệt nhưng không phải tất cả những loại máy bay kì dị đều đạt thành công như mong đợi.
Máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit
Ra đời sau sự thất bại thảm hại của “pháo đài bay” bất khả xâm phạm B-52 trên bầu trời Việt Nam, các chuyên gia quân sự Mỹ bắt đầu chương trình nghiên cứu loại máy bay chiến lược mới, cho phép thọc sâu vào lãnh thổ đối phương để phá hủy những mục tiêu chủ chốt nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho những chiếc phi cơ trị giá hàng trăm triệu USD.
Trong các mẫu sản phẩm được trình lên Bộ Quốc phòng Mỹ, máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit do tập đoàn Northrop Grumman sản xuất nhanh chóng được chọn. Sở hữu công nghệ tàng hình tối tân, khả năng hoạt động tối ưu cùng với việc triển khai được nhiều loại bom, trong đó có cả bom hạt nhân khiến B-2 Spirit nhanh chóng trở thành ngôi sao của Không quân Mỹ.
Việc cho ra đời loại máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Spirit đánh dấu mốc quan trọng trong chương trình hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ. Kỹ thuật tàng hình tối ưu, thiết kế vật liệu chống phản hồi sóng radar cùng với lớp sơn hoàn hảo giúp B-2 Spirit gần như biến mất hoàn toàn trước những hệ thống phòng không dày đặc và tinh vi nhất thế giới, giúp cho loại máy bay ném bom thế hệ mới nhận được sự tin tưởng hoàn toàn của Lầu Năm Góc chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, giá thành để sản xuất mỗi chiếc B-2 Spirit từ 1,1 - 2,2 tỷ USD không chỉ biến nó trở thành loại máy bay đắt nhất thế giới từng được sản xuất mà còn khiến số lượng phi cơ loại này bị cắt giảm gấp nhiều lần so với dự định ban đầu. Theo kế hoạch được đưa ra vào giữa những năm 1980, 132 chiếc B-2 Spirit sẽ được sản xuất và đưa vào phục vụ cho quân đội.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc buộc phải cắt giảm gần một nửa số lượng đã định, giảm xuống 75 chiếc vì chi phí quá cao. Việc Liên bang Xô viết sụp đổ những năm đầu thập niên 90 khiến Mỹ tiếp tục cắt giảm số lượng B-2 Spirit xuống 21 chiếc (trong đó có 1 chiếc được cải tiến từ phiên bản thử nghiệm). Tuy chưa một lần bị phát hiện và bắn hạ nhưng hiện tại, Mỹ chỉ còn 20 chiếc B-2 Spirit bởi một trong số chúng gặp nạn và bị phá hủy hoàn toàn trong sự cố hồi tháng 2/2008.
Những chiếc B-2 Spirit có chiều dài 21m, sải cánh 52,4m nhưng chỉ cao 5,18m. B-2 Spirit có trọng lượng cất cánh rỗng đạt 71.700kg trong khi trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 170.000kg. Sở hữu 4 động cơ phản lực đẩy General Electric F118-GE-100, những chiếc B-2 Spirit có khả năng bay với vận tốc tối đa đạt 1.010km/h với tầm bay lên tới 11.100km trong khi trần bay đạt 15.200m. B-2 Spirit có khả năng mang bom thông thường nhưng đủ sức chứa tối đa 16 bom hạt nhân B-61 hoặc B-83.
“Cá da trơn” Boeing 757-200 Catfish
Được ra đời nhằm đáp ứng những thử nghiệm đối với các máy móc dành cho 2 loại máy bay tàng hình thế hệ thứ năm là F-22 Raptor và F-35 Lightning, Boeing 757-200 Catfish là biến thể quân sự của loại máy bay chở khách Boeing 757 với sức chứa lên tới 279 hành khách hạng ghế phổ thông.
Boeing 757-200 Catfish được gắn phần mũi của chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor cùng với đôi cánh cảm biến trên buồng lái, nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của hệ thống thiết bị chiến tranh điện tử sẽ được lắp trên những chiếc F-22 và F-35 của không quân Mỹ. Bên cạnh đó, Boeing 757-200 Catfish còn được lắp hệ thống liên lạc, truyền dữ liệu cũng như các cảm biến định vị để kiểm tra khả năng hoạt động.
Là phiên bản quân sự của Boeing 757-200, những chiếc Catfish không thay đổi nhiều về cấu tạo cũng như máy móc. Ngoài những thiết bị điện tử được lắp thêm phục vụ quá trình thử nghiệm, Boeing 757-200 Catfish hoàn toàn mang đặc tính của những chiếc máy bay chở khách. Với chiều dài 47,32m, sải cánh 38,05 m, những chiếc Boeing 757-200 có trọng tải đối đa đạt 115.000kg. Tốc độ bay tối đa của loại máy bay này đạt 850 km/h với tầm hoạt động 7.222km.
Máy bay không người lái Global Hawk
Là sản phẩm của tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu nước Mỹ Northrop Grumman, RQ-4 Global Hawk chính là loại máy bay không người lái thông minh, hiện đại và hoàn hảo nhất của quân đội Mỹ. Được ra đời với vai trò giám sát tầm xa, RQ-4 Global Hawk sẽ thay thế toàn bộ nhiệm vụ của phi đội “mắt thần” U-2 mà Mỹ đưa vào hoạt động từ những năm 1950.
Những chiếc RQ-4 Global Hawk có khả năng bay liên tục trong 30 giờ nhằm quan sát khu vực có diện tích rộng tới 100.000km2, tự động ghi hình những mục tiêu khả nghi. Ngoài ra, việc sở hữu radar khẩu độ tổng hợp (SAR) giúp RQ-4 Global Hawk có khả năng quan sát xuyên mây, sương mù hay thậm chí là bão cát. Camera độ phân giải cao giúp khả năng gián điệp của RQ-4 Global Hawk vượt trội hơn so với người tiền bối U-2, biểu tượng một thời của nước Mỹ.
Sở hữu những công nghệ đặt biệt cùng với thiết kế gần như hoàn hảo, RQ-4 Global Hawk có chi phí lên tới 218 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, “đắt xắt ra miếng” là cụm từ chính xác để gọi RQ-4 Global Hawk vì những hiệu quả do thám tuyệt với mà nó mang lại. Dựa vào đó, khả năng tấn công quân sự tầm xa cũng như việc bảo vệ tính mạng cho quân đội Mỹ được thực hiện tốt hơn.
Những chiếc RQ-4 Global Hawk dài 14,5m, xải cánh 40m cùng với chiều cao 4,7m. Tuy sở hữu duy nhất một động cơ phản lực cánh quạt đẩy nhưng RQ-4 Global Hawk có thể cất cánh với trọng lượng tối đa đạt 14.628kg và bay với vận tốc 575km/h. Nhiên liệu dự trữ đủ cho RQ-4 Global Hawk hoạt động liên tục trong quãng thời gian 28 tiếng.
Phi cơ khổng lồ Kalinin K-7
Kalinin K-7 là sản phẩm của Liên Xô, được đưa vào thử nghiệm những năm 1930 của thế kỉ trước. Những chiếc Kalinin K-7 sở hữu kích thước khổng lồ với 2 cánh trải rộng cùng hệ thống động cơ cánh quạt gắn dọc 2 bên cánh máy bay. Tổng cộng, chiếc Kalinin K-7 sở hữu tới 7 động cơ (6 chiếc ở 2 bên cánh cùng một chiếc ở giữa).
Đặc biệt, Kalinin K-7 có hình dáng vô cùng kì dị với hệ thống thân đôi và khoang chứa khổng lồ nằm ở giữa. Kalinin K-7 ra đời với mục tiêu vận tải và ném bom hạng nặng. Tuy nhiên, cánh máy bay dày 2,3m trong khi toàn bộ phần thân được chế tạo từ loại thép tổng hợp khiến chiếc máy bay Kalinin K-7 có trọng lượng khổng lồ.
Sải cánh của Kalinin K-7 dài bằng máy bay ném bom chiến lược phản lực B-52 của Mỹ trong khi khoang chứa mà Kalinin K-7 sở hữu vượt trội hơn rất nhiều so với kẻ hậu bối. Tuy đúng đầu về kích cỡ trong hàng ngũ máy bay cánh quạt nhưng thực tế, Kalinin K-7 chưa tạo ra được bất kể thành tựu “để đời” nào.
Được hoàn tất năm 1933 sau 2 năm đóng mới, chuyến bay đầu tiên của Kalinin K-7 diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn vì sự cộng hưởng rung lắc từ các động cơ khiến chiếc phi cơ mất ổn định. Chuyến bay thử buộc phải chấm dứt để khắc phục những lỗi hoạt động của chiếc Kalinin K-7.
Tuy nhiên, những lần bay tiếp theo không khả quan hơn và thảm kịch xảy ra trong chuyến bay thử nghiệm thứ 7 của Kalinin K-7. Sự cố ở phần đuôi khiến chiếc phi cơ mất kiểm soát, lao xuống đất cướp đi mạng sống của 14 người. Tuy 2 nguyên mẫu khác của Kalinin K-7 được đặt làm trong năm 1933 nhưng toàn bộ dự án bị hủy bỏ 2 năm sau đó.
Trịnh Duy
Theo Infonet