Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những mẫu phi cơ kỳ dị nhất hành tinh (phần 3)

Không phải tự nhiên mà các nhà thiết kế máy bay hàng đầu thế giới tạo ra cho đứa con tinh thần của mình những thiết kế khác biệt. Chúng đều ẩn chứa kiệt tác công nghệ đằng sau sự kỳ quái, khác thường.

Những mẫu phi cơ kỳ dị nhất hành tinh (phần 3)

Không phải tự nhiên mà các nhà thiết kế máy bay hàng đầu thế giới tạo ra cho đứa con tinh thần của mình những thiết kế khác biệt. Chúng đều ẩn chứa kiệt tác công nghệ đằng sau sự kỳ quái, khác thường.

Chiến đấu cơ tàng hình F-117 Nighthawk

Lockheed F-117 Nighthawk là chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên trên thế giới được đưa vào tham chiến. Chuyến bay đầu tiên của Lockheed F-117 Nighthawk được không quân Mỹ tiến hành năm 1981 và chính thức hoạt động trong không quân Mỹ năm 1983. Tuy nhiên, sự tồn tại của F-117 chỉ chính thức được công khai với thế giới vào tháng 11/1988.

Trên thực tế, nhiệm vụ tham chiến chính thức đầu tiên của F-117 được triển khai năm 1991, với một lượng lớn phiên bản chiến đấu cơ F-117A được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh. Đảm trách nhiệm vụ tấn công mặt đất trước sự bất lực của radar đối phương, Lockheed F-117 Nighthawk thực sự tạo ra cuộc cách mạng chế tạo máy bay tàng hình trên khắp thế giới.

Do được thiết kế để chống lại sự phát hiện của radar đối phương, Lockheed F-117 Nighthawk sở hữu hình dáng vô cùng đặc biệt cùng thiết kế góc cạnh. Ngoài lớp sơn phủ cùng vật liệu chống phản hồi sóng radar, thiết kế góc cạnh của những chiếc F-117 giúp nó khuếch tán và làm chệch hướng phần lớn sóng chiếu vào chiếc máy bay từ hệ thống phòng không đối phương.

Dù đạt được những đột phá về mặt công nghệ tàng hình nhưng toàn bộ máy bay F-117 các loại biên chế trong không quân Mỹ đều ngừng mọi hoạt động vào tháng 4/2008. Tính tới khi nghỉ hưu, có 59 chiếc F-117 các loại được sản xuất với 5 trong số đó là nguyên mẫu. Nhiệm vụ mà Lockheed F-117 Nighthawk đảm trách được thay thế bởi phi đội tàng hình hiện đại F-22 Raptor và sau đó là F-35 Lightning.

Máy bay tàng hình Lockheed F-117 Nighthawk có chiều dài thân 20,09 m, sải cánh 13,2 m và chiều cao 3,78 m. Những chiếc máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới có trọng tải cất cánh tối đa 23.800 kg và bay với vận tốc 993km với trần bay 13.716 m. Khoang chứa vũ khí nằm trong thân cho phép F-117 mang được bom có và không có điều khiển, bom hạt nhân.

Thủy phi cơ Lun

Thủy phi cơ lớp Lun (NATO gọi là Duck) là loại phi cơ lớn nhất thế giới từng được chế tạo. Thủy phi cơ lớp Lun là thiết kế của Rostislav Evgenievich Alexeev, được Hải quân Liên Xô sử dụng từ năm 1987 tới những năm đầu thập niên 90. Sở hữu kích thước khổng lồ, hệ thống động cơ khỏe và thiết kế siêu quái dị, thủy phi cơ Lun ra đời nhằm mục đích đối trọng lại với phi đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ.

Theo tiếng Nga, Lun có nghĩa là chim ưng, thể hiện sự hùng mạnh của những thủy phi cơ lớp này. Tuy nhiên, chỉ một chiếc máy bay duy nhất được chế tạo và biên chế trong Hạm đội Biển Đen của Nga năm 1987. Sở hữu 8 động cơ phản lực cánh quạt Kuznetsov NK-87 gắn trên cánh phụ gần mũi, những chiếc Lun có khả năng di chuyển nhanh trên mặt nước trước khi cất cánh lên không trung.

Ra đời nhằm đối chọi với phi đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ, thủy phi cơ Lun được trang bị hệ thống vũ khí khủng nhằm thực hiện nhiệm vụ tấn công trên mặt biển. Sáu bệ phóng tên lửa được gắn trên lưng và thân máy bay trong khi phần đuôi và mũi là nơi chứa hàng loạt hệ thống theo dõi tiên tiến nhất của Nga.

Thủy phi cơ Lun có chiều dài 73,8 m, sải cánh 44 m trong khi cao tới 19,2 m cùng 8 động cơ phản lực cánh quạt đẩy. Chiếc máy bay có khả năng cất cánh từ dưới nước với tổng trọng lượng lên tới 380.000 kg. Tuy thân hình nặng nề và quá khổ nhưng Thủy phi cơ Lun vẫn có khả năng bay với vận tốc 550 km/h và hoạt động trong khu vực rộng 2.000 km. Trần bay tối đa của Lun đạt 7.500 m trong khi chiếc máy bay có khả năng hoạt động tốt khi cách đất 5 m. Thủy phi cơ Lun cất và hạ cánh từ mặt biển nên không được trang bị hệ thống bánh hơi.

“Mũi tiêm” Leduc

Là thiết kế của kỹ sư người Pháp René Leduc, những chiếc phi cơ phản lực hình “mũi tiêm” mang tên người thiết kế chính thức được hoàn thành vào năm 1947. Chiếc phi cơ có thiết kế vô cùng đặc sắc, hình trụ và chia làm 2 lớp. Phi công sẽ ngồi trong phần khoang đầu tiên phía trên mũi máy bay giống với khoang điều khiển của các tàu vũ trụ.

Sở hữu duy nhất một động cơ, những chiếc máy bay Leduc không thể tự cất cánh mà thay vào đó, nó cần sự giúp đỡ của một chiếc máy bay vận tải khác để bay lên không trung. Tuy nhiên, những chiếc Leduc sở hữu khả năng bay thẳng đứng lên cao vô cùng ấn tượng, phá vỡ tất cả những kỷ lục được xác lập trước nó.

Ngoài kỷ lục bay dựng đứng, những chiếc Leduc còn có tốc độ bay khá lý tưởng so với những mẫu máy bay cùng thời. Trong các cuộc thử nghiệm, Leduc đã khiến thế giới thán phục khi bay với vận tốc Mach 0,85 (khoảng 900 km/h) cùng với vận tốc lên cao đạt 39,6 m/s. Tuy không thể tự cất cánh nhưng những chiếc Leduc có thể hạ cánh dễ dàng xuống sân bay. Giá treo dưới bụng cũng cho phép Leduc trang bị vũ khí tấn công.

Máy bay hỗ trợ liên lạc RC-12 Guardrail

RC-12 là chiếc máy bay đầu tiên được sử dụng nhằm mục đích hỗ trợ chiến tranh điện tử và thông tin liện lạc của quân đội Mỹ. Sở hữu hệ thống thu phát cực mạnh cùng hệ thống ăng ten trang bị khắp thân, những chiếc RC-12 Guardrail thực sự là trạm phát sóng di động của quân đội Mỹ, nhằm duy trì thông tin liên lạc giữa trung tâm chỉ huy và chiến trường.

Những thiết bị chiến tranh điện tử mà RC-12 Guardrail sở hữu còn giúp nó gây nhiễu loạn hệ thống thông tin liên lạc của đối phương cũng như việc tạo mục tiêu giả, đánh lạc hướng vũ khí của kẻ địch.

Trên thực tế, máy bay RC-12 Guardrail là biến thể của loại phi cơ cánh quạt Beechcraft C-12 Huron. Với chiều dài 13,34 m, chiều cao 4,57 m và sải cánh 16,61 m, những chiếc Beechcraft C-12 Huron được trang bị 2 động cơ cánh quạt gắn 2 bên cánh. Trọng lượng cất cánh tối đa của những chiếc Beechcraft C-12 Huron đạt 5.670 kg trong khi biến thể RC-12 Guardrail có thể bay với tải trọng tối đa 6.800 kg.

Những biến thể sau này của RC-12 có thể mang tối đa lượng máy móc lên tới 7.250 kg nhờ hạn chế trọng lượng thân máy bay cùng loại bỏ những chi tiết không cần thiết. Vận tốc trung bình của RC-12 Guardrail đạt 500 km/h với trần bay 10.700m cùng phạm vi hoạt động tương đương 3.339 km.

Trịnh Duy

Theo Infonet

Trịnh Duy

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm