Những mẫu phi cơ kỳ dị nhất hành tinh (phần 1)
Tùy mục đích sử dụng, mỗi chiếc máy bay lại được thiết kế theo những kiểu dáng và cách thức khác nhau. Tuy không phổ dụng nhưng những mẫu phi cơ kỳ cục nhất thế giới đều có vai trò không thể thay thế.
Trực thăng X-18
Trực thăng X-18 được coi là tiền thân của quái vật V-22 Osprey bởi khả năng xoay 2 động cơ từ thẳng sang ngang và ngược lại. Được thiết kế bởi Stanley Hiller Jr và tập đoàn Hiller Aircraft, X-18 nhận được hợp đồng đài thọ của Không quân Mỹ và chính thức được thử nghiệm năm 1959, 4 năm sau khi bắt tay vào nghiên cứu sản xuất.
Những chiếc Hiller X-18 có chiều dài 19,2m, sải cánh 14,6m và cao 7,5m, Những chiếc máy bay này có trọng lượng cất cánh rỗng đạt 12.150 kg trong khi trọng lượng cất cánh tối đa là 15.000 kg. Với 2 động cơ cánh quạt công suất 5.500 mã lực, máy bay này có thể đạt tới vận tốc 400 km/h và trần bay 10,7 km.
Tuy nhiên, khả năng kết hợp giữa các động cơ trong quá trình bay kém hoàn hảo, khiến việc cất và hạ cánh là tử huyệt của X-18. Sau 20 lần thử nghiệm chưa một lần thành công mỹ mãn, kế hoạch phát triển X-18 hoàn toàn phá sản vào tháng 7/1961. Không một chiếc X-18 nào được cất cánh kể từ đó nhưng thành tựu mà loại máy bay này đạt được chính là tiền đề để chế tạo quái vật V-22 Osprey mà Mỹ đang sử dụng.
Máy bay vận tải Airbus Beluga
Máy bay Airbus Beluga là phiên bản nâng cấp của loại máy bay vận tải A300-600 với thân rộng hơn, được sử dụng để chuyên chở những loại hàng hóa trọng tải lớn, kích cỡ quá khổ. Ban đầu nó được gọi với cái tên Super Transporter (kẻ vận chuyển khổng lồ), nhưng sau đó, cái tên Beluga trở nên thông dụng và phổ biến.
Phần lớn các phi vụ vận chuyển của máy bay Airbus Beluga đều phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo máy bay của hãng Airbus. Những thiết bị như cánh hoặc thân máy bay Airbus được Beluga vận chuyển từ những nhà máy sản xuất thuộc hãng Airbus tới nơi lắp ráp, hoàn thiện.
Những chiếc Beluga có chiều dài 56,15m, sải cánh 44,84m trong khi chiều cao đạt 17,24m. Airbus Beluga có trọng lượng cất cánh rỗng đạt 86 tấn trong khi trọng lượng cất cánh tối đa đạt 155 tấn. Với 40 tấn hàng, những chiếc Beluga có thể hoạt động trong phạm vi 2.779 km trong khi khoảng cách tăng lên 4.632 km với 26 tấn hàng.
Máy bay ném bom Aviation XB-70 Valkyrie
Aviation XB-70 Valkyrie là phiên bản nguyên mẫu của máy bay ném bom hạng nặng B-70, có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược, do Không quân Mỹ nghiên cứu chế tạo. Với 6 động cơ lớn được gắn ở 2 bên cánh cho phép chiếc phi cơ bay đến tốc độ Mach 3+ (nhanh hơn 3 lần vận tốc âm thanh) cùng với trần cao tối đa đạt 21 km, tránh được tầm với của tất cả các loại tên lửa phòng không thời điểm nó được chế tạo, những năm cuối thập niên 1950 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Aviation XB-70 Valkyrie bị khai tử không lâu sau khi đạt được những bước tiến dài về công nghệ, bởi sự thay thế quá hoàn hảo của tên lửa liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân chiến lược (ICBM). Tuy toàn bộ chương trình chế tạo phi cơ ném bom chiến lược B-70 bị hủy bỏ vào năm 1961 nhưng 2 nguyên mẫu của loại máy bay này vẫn được sản xuất và phục vụ trong các thử nghiệm siêu âm năm 1964 và 1969. Một trong 2 nguyên mẫu bị rơi trong lần va chạm trên không năm 1966, chiếc còn lại đang được trưng bày ở Bảo tàng Không quân Quốc gia Mỹ tại Ohio.
Những chiếc Aviation XB-70 Valkyrie có chiều dài thân 57,6m, sải cánh đạt 32m trong khi vị trí cao nhất đạt 9,1m. Với 6 động cơ công suất cực mạnh, những chiếc máy bay này có tải trọng tối đa lên tới 242 tấn cùng với vận tốc bay tương đương 3.309 km/h. Với trần bay đạt 21 km, Aviation XB-70 Valkyrie không được trang bị vũ khí tự vệ bởi nó hoàn toàn nằm ngoài khả năng bắn hạ của tên lửa.
Máy bay chở hàng Super Guppy
Là chiếc máy bay chở hàng hạng nặng do hãng hàng không Aero Spacelines nghiên cứu chế tạo, những chiếc Super Guppy có kích cỡ lớn và hình dáng vô cùng kỳ dị, giúp nó có khả năng chuyên chở những loại hàng hóa cồng kềnh và ngoại cỡ.
Được phát triển dựa trên thân loại máy bay C-97J Turbo Stratocruiser, biến thể quân sự của Boeing 377, những chiếc Super Guppy có chiều dài thân 43m cùng với nơi rộng nhất trong thân máy bay đạt 7,6m. Khoang chứa hàng của những chiếc Super Guppy dài 28,8m, đủ sức cho nó chuyên chở những loại hàng hóa quá khổ bằng đường hàng không.
Đáp ứng nhu cầu chở hàng, Super Guppy được trang bị 4 động cơ cánh quạt công suất 4.680 mã lực/chiếc. Cùng với đó, thiết kế cánh và đuôi được cải tiến giúp chiếc phi cơ có khả năng chuyên chở hàng hóa tốt nhất có thể. Tốc độ bay tối đa của Super Guppy đạt 467 km/h, tầm bay 3.219 km và trần bay tối đa đạt 9,7 km.
Đặc biệt, những chiếc Super Guppy được thiết kế phần đầu có thể tách rời, giúp nó tối ưu hóa việc vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa quá khổ vào trong khoang chứa. Tuy nhiên, sức chở tối đa đạt 25 tấn hàng hóa khiến những chiếc Super Guppy có phần lép vế hơn so với những siêu máy bay vận tải đang hoạt động khắp thế giới.
Còn tiếp
Trịnh Duy
Theo Infonet