Trong năm 2022, những mạng xã hội phát triển nhất không phải là những tên tuổi quen thuộc, độc chiếm người dùng từ lâu như Facebook, Instagram mà là những gương mặt mới. BeReal, Mastodon, Post… đã thành công thu hút sự chú ý của người dùng trước những đối thủ nặng ký, lâu đời hơn mình. Điều này hứa hẹn một tương lai có đa dạng ứng dụng và sự lựa chọn cho người dùng.
“Khủng hoảng luôn đi kèm với cơ hội. Chúng ta đã chứng kiến không ít lùm xùm trong giới mạng xã hội năm 2022 nhưng đồng thời cũng nhìn thấy sự thay đổi trong cách người dùng sử dụng chúng”, Jasmine Enberg, nhà phân tích tại Insider Intelligence nhận định.
Khủng hoảng tồi tệ nhất phải kể đến Twitter, ứng dụng được tỷ phú Elon Musk mua lại và thay đổi hàng loạt từ nhân sự nội bộ đến tính năng, chính sách cốt lõi. Trong khi đó, Instagram lại trở thành tâm điểm chỉ trích khi lan truyền những định kiến độc hại về những hình ảnh hoàn hảo, lý tưởng trên mạng xã hội. Điều này đã khiến người dùng bắt đầu tiếp cận với những mạng xã hội mới, Cnet nhận định.
Mạng xã hội “phản Instagram”
Theo Cnet, Gen Z là trung tâm của sự thay đổi này. Họ dần quan tâm đến những ứng dụng mạng xã hội nhỏ hơn để kết nối với những người bên ngoài vòng bạn bè của mình.
Ảnh chia sẻ trên BeReal sẽ chưa qua chỉnh sửa và chân thật nhất có thể. Ảnh: New York Times. |
BeReal, đối thủ trực tiếp với Instagram, đã thu hút lượng lớn người dùng trong năm 2022. Ứng dụng đã tăng từ 1,5 triệu lượt tải về vào năm 2021 lên 72,1 triệu lượt tính đến ngày 15/12. Ngày càng nhiều người trẻ sử dụng, BeReal lại càng được lan tỏa nhiều hơn đến bạn bè và cả người thân của họ.
Với BeReal, mỗi ngày một lần, người dùng sẽ nhận được thông báo chụp ảnh, chia sẻ đến bạn bè. Họ chỉ có 2 phút để chụp, đăng ảnh và không chỉnh sửa hay sử dụng bộ lọc như Instagram.
Nhờ đó, các bức ảnh này không hề hoàn hay thần thánh như ứng dụng của Meta. “BeReal không khiến bạn nổi tiếng. Còn nếu muốn làm người nổi tiếng, hãy dùng TikTok và Instagram”, trích phần giới thiệu của BeReal.
Carrie Emge (32 tuổi) cho biết cô vô tình biết đến BeReal khi bạn bè xung quanh sử dụng. Vì tò mò, Emge đã tham gia ứng dụng chỉ sau một tuần. “BeReal dành cho những khoảnh khắc đời thường nhất từ rửa bát, đi làm đến dùng bữa”, cô gái chia sẻ.
Trong khi đó, với cô, Instagram lại chỉ là một loạt những hình ảnh phù phiếm như tham gia đại nhạc hội, ăn một bữa thịnh soạn hay lễ lộc.
BeReal đã định hình lại mạng xã hội và trở thành xu hướng mới cho những người muốn kết nối hơn với gia đình và bạn bè một cách riêng tư và chân thật hơn. Nhu cầu này trên mạng xã hội không phải là mới nhưng chắc hẳn sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2023.
Sức hấp dẫn của BeReal đến từ việc người dùng bị giới hạn thời gian đăng ảnh và không thể đoán trước khi nào họ sẽ nhận được thông báo. Ảnh: New York Times. |
Ngay cả những người nổi tiếng cũng chạy theo xu hướng này. Chị em nhà Kim Kardashian và Kylie Jenner từng kêu gọi rời bỏ Instagram khi mạng xã hội cập nhật tính năng Reels, bắt chước định dạng video ngắn trên đối thủ TikTok.
“Hãy để Instagram là Instagram trước đây. Đừng cố biến thành TikTok. Tôi chỉ muốn xem ảnh của bạn bè thôi mà”, Kim Kardashian viết trên trang cá nhân. Sau đó, BeReal đã ngay lập tức chớp lấy cơ hội để đáp trả. “Có lẽ chúng ta cần một ứng dụng riêng để xem ảnh của bạn bè”, mạng xã hội nói trên Twitter hồi tháng 7.
Song, BeReal cũng không phải là ứng dụng duy nhất đi theo nhu cầu tương tác của người dùng. Locket Widget, ứng dụng tạo widget hiển thị hình ảnh thực của những người bạn thân nhất và NGL, app giúp người dùng nhận những câu hỏi và câu trả lời ẩn danh từ bạn bè, cũng nhận được hàng triệu lượt tải về trong năm 2022.
Chuyên gia Enberge cho rằng mặc dù BeReal có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong năm 2022, vẫn còn quá sớm để nhận định mạng xã hội này sẽ ảnh hưởng đến người dùng như thế nào. Nhưng xu hướng chung có lẽ vẫn sẽ là tương tác gần gũi, riêng tư và những ứng dụng tương tự BeReal sẽ tiếp tục ra đời trong thời gian tới.
Kẻ thay thế Twitter
Trong khi đó, Twitter lại càng lao đao kể từ khi Elon Musk trở thành CEO mới. Sau khi vị tỷ phú sa thải hàng loạt nhân sự, khiến hashtag #RIPTwitter trở thành xu hướng toàn cầu. Nhiều người dùng lo ngại rằng mạng xã hội này sẽ sớm sụp đổ.
Mastodon được nhiều người dùng bất mãn với Twitter coi là phương án thay thế khả thi nhất. Ảnh: canberratimes. |
Tiếp sau đó, Elon Musk lại ra mắt dịch vụ thu phí Twitter Blue, gây hỗn loạn trên mạng xã hội vì sự xuất hiện của hàng loạt tài khoản giả mạo người nổi tiếng. Ông còn thay đổi chính sách của Twitter khi khôi phục các tài khoản bị khóa, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sự hỗn loạn tại Twitter đã khiến người dùng tìm đến Mastodon, một ứng dụng chia sẻ các bài viết ngắn giống Twitter. Nhưng điểm khác biệt của Mastodon nằm ở tính phi tập trung. Ứng dụng sở hữu hàng nghìn nhóm cộng đồng khác nhau.
Khi đăng ký tài khoản Mastodon, người dùng cần chọn cho mình một nhóm, và phải được nhóm đó chấp thuận rồi mới có thể bắt đầu tương tác với các tài khoản khác từ bất kỳ nhóm nào trên nền tảng.
Nhờ đó, lượng người dùng mạng xã hội Mastodon đã tăng đột biến kể từ khi Elon Musk tiếp quản Twitter. Nhà sáng lập Eugen Rochko cho biết lượng người dùng của mạng xã hội đã tăng từ 300.000 người hồi tháng 10 lên 2,5 triệu người hồi tháng 11.
Nhận thấy nguy cơ mất người dùng, Twitter đã ngay lập tức chặn các đường link dẫn đến Mastodon và nhiều ứng dụng đối thủ khác. Rochko cho rằng động thái của Twitter cho thấy các nền tảng tập trung đang giới hạn quyền được thể hiện, được nói trên mạng xã hội của người dùng một cách vô lý và thiếu công bằng.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.