Ở thời điểm đó, việc thành lập một hội, dù là hội xã hội - nghề nghiệp cũng không hề đơn giản. Từ hơn 5 năm trước đó, ngày mùng 2/5/1995, đã có hội nghị với sự tham gia của Ban Văn hóa - Tư tưởng trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Văn hóa - Thông tin, Cục Xuất bản và các đơn vị, cơ sở lớn của ngành để thống nhất chủ trương, kế hoạch thành lập một hội xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành sách cả nước.
Sự ra đời của Hội Xuất bản đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất bản trong nước. |
Ngay tháng sau, ngày mùng 1/6/1995, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin đã nhất trí thông qua chủ trương này. Nhưng việc thành lập hội vẫn bị ách tắc do những nguyên nhân khách quan, đặc biệt chỉ thị 42/CT-TƯ ngày 6/10/1998 của Trung ương tạm thời dừng việc thành lập thêm hội quần chúng.
Mặc dù vậy, Ban Vận động thành lập Hội Xuất bản Việt Nam vẫn tích cực hoạt động để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại sớm muộn cũng sẽ diễn ra. Ngày 24/8/2001, Quyết định số 48/2001/QĐ - BTCCBCP về việc thành lập Hội Xuất bản, đã được Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ Đỗ Quang Trung ký ban hành.
Ngay sau có Quyết định thành lập, Ban vận động đã tiến hành thành lập các tiểu ban để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội, gồm tiểu ban nội dung và nhân sự, tiểu ban tuyên truyền và tiểu ban tổ chức. Việc tuyên truyền, vận động đăng ký tham gia Hội đã được các đơn vị trong toàn ngành nhiệt tình hưởng ứng, góp phần cho sự thành công của Đại hội thành lập Hội Xuất bản nhiệm kỳ I (2001-2006). Không khí Đại hội thật hồ hởi với sự tham gia của gần 300 đại biểu, trong đó có gần 200 hội viên thuộc các lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành sách trên cả nước.
Hầu hết doanh nghiệp in lớn, tiêu biểu thuộc các bộ ngành, các trung tâm in, các vùng lãnh thổ và các địa phương đã đăng ký tham gia và sau này đều tích cực đóng góp trong hoạt động của Hội. Có 12 lãnh đạo các doanh nghiệp in tiêu biểu đã được bầu và tham gia Ban Chấp hành, trong đó có 5 là ủy viên Ban Thường vụ.
Tôi vinh dự được Ban Chấp hành và Thường vụ phân công phụ trách khối doanh nghiệp in và Ban Kinh tế của Hội, trực tiếp theo dõi, đôn đốc hoạt động của Hội tại phía nam.
Khó khăn lớn nhất và cũng là khó khăn đầu tiên là kinh phí hoạt động của Hội. Ngân sách hỗ trợ ban đầu từ Bộ Văn hóa - Thông tin cũng rất hạn hẹp. Nguồn kinh phí chủ yếu từ hội phí của các hội viên. Tuy nhiên mức hội phí đóng góp theo quy định của Hội khi đó cũng rất thấp 24.000đ/năm đối với hội viên cá nhân, 300.000đ/năm đối với hội viên tập thể dưới 50 người, 500.000đ/năm (từ 100 - 200 người) và cao nhất là 1.000.000đ/năm đối với đơn vị có từ 200 người trở lên.
Rõ ràng, nguồn kinh phí kể trên không thể đủ trang trải cho các hoạt động của Hội. Chưa kể sau đó Hội phải duy trì hoạt động của cơ quan ngôn luận là tờ Tạp chí Sách và Đời sống, hầu như chỉ phát miễn phí và phái gởi đến tận nơi cho các hội viên và các đơn vị, cá nhân được biếu, tặng. Dù được một số cơ sở in lớn hỗ trợ, các đơn vị tham gia quảng cáo tạo thêm nguồn thu nhưng hàng năm Hội vẫn phải bù lỗ cho Tạp chí hàng chục triệu đồng. Chưa kể vệc vận động tham gia viết bài cho Tạp chí cũng hết sức vất vả, nhuận bút cho tác giả cũng chỉ rất tượng trưng.
Trước tình hình đó, Ban kinh tế của Hội đã đề xuất và được Thường vị, Ban chấp hành chấp thuận thành lập một đơn vị sản xuất - kinh doanh, Công ty in Việt Hưng mang tên một nhà in nổi tiếng của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ thời kháng chiến chống Pháp, đặt trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và có chi nhánh tại Hà nội. Trong một số năm Công ty In Việt Hưng đã tích cực hoạt động đóng góp một phần kinh phí đáng kể cho Hội.
Khó khăn lớn thứ 2 đó là trụ sở. Rõ ràng, với nguồn kinh phí có hạn thì việc có được một trụ sở khang trang để đặt văn phòng Hội là điều không tưởng. Ban đầu trụ sở được đặt tại 36 phố Cát Linh (Công ty Cơ Khí ngành in), sau chuyển về 136 Hàng Bông do Công ty in Thống Nhất, một hội viên của Hội cho mượn. Sau khi Công ty in Thống Nhất được cổ phần hóa thì văn phòng Hội được tạo điều kiện cho dời về phố Nguyễn Du, nơi trước đó là một số phòng ban của Cục Xuất Bản - Báo chí.
Sau này văn phòng Hội được dời về khu Mỹ Đình và hiện nay đang đóng tại 23 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mặc dù chật hẹp, chưa khang trang, tiện nghi, nhưng trụ sở của Hội vẫn là nơi quen thuộc để Ban thường vụ và các cơ quan của Hội lui tới làm việc, họp bàn về công tác chung của Hội. Mới đó mà cũng đã gần 15 năm.
Ngoài công tác phụ trách khối in và Ban kinh tế, tôi còn được lãnh đạo và Ban thường vụ giao thêm một số công việc trong công tác đối ngoại. Năm 2004 tôi cũng anh Võ Văn Đáng, giám đốc nhà Xuất Bản Đà Nẵng được cử tham dự Hội nghị của Hiệp hội Xuất bản sách Châu Á - Thái Bình Dương (APBA) tổ chức tại thủ đô Manila, Philippines.
Ngay từ khi mới thành lập, Hội Xuất bản Việt Nam đã đề cao vao trò của công tác hợp tác quốc tế. |
Tôi nhớ mãi chuyện thay mặt đoàn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Do thiếu kinh nghiệm nên tôi đã bệ nguyên bài viết được chuẩn bị sẵn tại Việt Nam rất dài dòng, có cả những thuận lợi, khó khăn của ngành Xuất bản Việt Nam. Thấy không ổn, bà chủ tịch APBA - người chủ trì hội nghị đã ngắt lời và hỏi tôi về số lượng nhà xuất bản, số đầu sách và bản sách xuất bản của Việt Nam.
Khi tôi công bố số liệu đó thì các đoàn tham sự rất ngạc nhiên và ấn tượng vì số lượng nhà xuất bản thì quá ít so với các nước khác nhưng số lượng đầu sách thì lại không hề nhỏ. Tôi chưa kịp giải thích rằng ở Việt Nam không có nhà Xuất bản tư nhân nhưng tư nhân được phép liên hết xuất bản nên số lượng đầu sách mới lớn như vậy.
Năm sau, tôi lại được giao nhiệm vụ tham dự Hội nghị thành lập Hiệp Hội Xuất bản sách các nước Đông Nam Á (ABPA), cũng được tổ chức tại Manila. Việt Nam là một trong những nước thành viên sáng lập. Với tư cách là trưởng đoàn Việt Nam, tôi được bầu là một trong các phó chủ tịch của ABPA, đại diện Philippines là chủ tịch nhiệm kỳ đầu. Nhân dịp này Nhà Xuất bản Giáo dục cũng tham dự Hội chợ Triển lãm sách tại đây, gây nhiều chú ý tới các đồng nghiệp trong khu vực.
Năm 2006 Hội Xuất bản Việt Nam đã nhận đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên ABPA tại khách sạn Thắng Lợi, Hà Nội, tạo dấu ấn trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Hội Xuất bản và hoạt động xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam. Năm 2006 cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Xuất bản, Việt Nam.
Hiệp hội In và Hội Xuất bản có những gắn kết chặt chẽ và hiệu quả. |
Đối với hoạt động in, do sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta trong những thập niên gần đây, ngành in đã trở thành một ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp bao bì, nhãn hiệu hàng hóa và nhiều ấn phẩm khác, số lượng doanh nghiệp in đã có tới hàng nghìn, trên hai phần ba số doanh nghiệp và sản phẩm ngành in đã thuộc chuỗi cung ứng cho các ngành kinh tế khác của đất nước. Nhu cầu có hiệp hội ngành nghề in ấn đã đến lúc chín muồi. Do đó từ năm 2006 Hiệp hội In và Hiệp hội Bao bì Việt Nam đã chính thức được thành lập như hầu hết nước trên thế giới.
Tham dự Đại hội nhiệm kỳ II Hội Xuất bản Việt Nam tôi đã không ứng cử vào Ban chấp hành với tâm trạng rất bồi hồi, lưu luyến bởi ngay từ ngày khởi nghiệp năm 1975 tôi đã gắn bó với ngành xuất bản, in và phát hành sách. Những ngày tháng tham gia trong Hội Xuất bản Việt Nam tôi cũng hết sức cố gắng, tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ được giao với bao tình cảm gắn bó và thân thiết.
Khi sang hoạt động trong Hiệp hội In Việt Nam tôi cũng vẫn tiếp tục gắn kết các công việc có liên quan giữa Hiệp hội In và Hội Xuất bản. Trong những dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành, ngày 10 tháng 10 hàng năm, tại nhiều khu vực vẫn có những hoạt động phối hợp chung của những hội viên của hai tổ chức này với không khí sôi nổi, đoàn kết, gắn bó như những ngày nào.
Xuất bản, in và phát hành sách vẫn là ngôi nhà chung, nơi những người thuộc thế hệ chúng tôi và cả sau này vẫn luôn gắn bó, để nhớ, để thương và ân nghĩa.