Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Kim thiếp vũ môn': Ranh giới thực hư trong tiểu thuyết lịch sử

"Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Kim thiếp vũ môn".

Cuốn sách Kim thiếp vũ môn của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh xuất bản lần đầu tiên năm 2015. Đây là tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề, nói về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt Nam trong thăng trầm của lịch sử.

Tác giả đã tôn trọng những sự thật được ghi chép trong chính sử và bổ sung những sự kiện lịch sử chưa từng chép. Đây là một điểm sáng làm nên giá trị về nội dung của tác phẩm Kim thiếp vũ môn. Lần xuất bản này tác giả đã viết lại hồi 1 và hồi 2, bổ sung thêm hồi 34, còn lại vẫn giữ nguyên như cũ.

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh cũng thừa nhận: “Khi viết quyển sách này người viết đã phải nhờ cậy vào không biết là bao nhiêu tác phẩm, tài liệu, bài viết, gia phả, thần phả... của người đi trước cũng như của người đương thời”.

Hu cau va su that trong tieu thuyet lich su anh 1
Tác giả Trần Gia Ninh dù là một nhà khoa học vật lý nhưng lại có vốn hiểu biết rất sâu rộng về lịch sử Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Giáo sư Trần Ngọc Vương cho rằng: “Kim thiếp vũ môn không mang nhiều hình dáng một tiểu thuyết lịch sử. Về mặt bản chất đây là một giả thuyết khoa học được trình bày dưới dạng tiểu thuyết. Đây là một công trình khoa học đau đáu cả đời của tác giả.

Các nguồn tư liệu còn bán tín, bán nghi, chưa xác thực, có những tình tiết phải dùng trí tưởng tưởng phải ước đoán thì văn chương trình bày dễ hơn ngôn ngữ khoa học. Văn chương phải tung tẩy lên một chút để người đọc có thể cảm được. Tác phẩm là giả thuyết khoa học rất lớn ảnh hưởng đến thành tựu rất lớn của người Việt và các thành tựu của các nước trong khi vực.”

TS. Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc NXB Văn học đánh giá: “Dù rằng tác giả có nói rõ quyển sách này chỉ là để “góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du” nhưng chúng tôi nghĩ không nhất thiết chỉ kẻ sĩ mới có thể là độc giả của quyển sách này.

Sẽ dễ dàng trả lời hơn cho nhận xét này không phải từ ngay những trang đầu mà là khi đã đọc hết đến những trang cuối cùng. Đây là một tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề. Cuốn sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt trong thăng trầm của lịch sử”.

Hu cau va su that trong tieu thuyet lich su anh 2
Tác phẩm Kim thiếp vũ môn của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh.

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh luôn nhận mình là kẻ ngoại đạo nhưng vẫn thẳng thắn cho biết: "Tôi nghĩ thứ nhất tiểu thuyết thì phải hư cấu nhưng có người chỉ lấy một sự tích rồi hư cấu tất cả. Tôi chỉ 1 phần hư cấu, tất cả mọi nhân vật và sự kiện gần như thật 100% chỉ có làm như thế nào kết nối lại thôi. Cái kết dính và tạo cho tâm hồn thì đấy là một phần hư cấu của tôi.

Ngay những người phụ nữ đưa vào trong tiểu thuyết thì cũng không hoàn toàn là hư cấu mà phải có cảm hứng thật từ những hình tượng thực mà có thể chính sử không ghi chép mà trong dân gian đặc biệt vùng Hoan Châu, tỉnh Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa đều có sự tích cả"

Kim Thiếp Vũ Môn được các nhà nghiên cứu văn học, lịch sử đánh giá cao vì đã  kích thích và nuôi dưỡng ý chí, khát vọng, niềm tự hào dân tộc trong độc giả. Tác giả đã tham khảo và nghiên cứu rất nhiều nguồn tư liệu, nhưng không sử dụng cẩu thả mà có sự cân nhắc, chắt lọc, kiểm chứng thông tin, ngay cả với những chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm.

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh tên thật là Trần Xuân Hoài, sinh ra trong một gia đình Nho gia truyền thống ở Hà Tĩnh. Khi mới 10 tuổi, ông được gửi sang Trung Quốc học thiếu sinh quân. Cũng nhờ đó ông có cơ hội nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới.

Ông từng giữ cương vị Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Trong sự nghiệp của mình ông có hơn 50 công trình gồm sách, báo chuyên môn, bằng sáng chế...

Độc giả bắt đầu biết đến ông với bút danh Trần Gia Ninh qua các tác phẩm Kim thiếp vũ môn, Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, Lạm bàn về dạy và học tiếng Trung Quốc ở Việt Nam, Cần một giải pháp xây dựng đội ngũ khoa học mới...



Gia Hạ

Bạn có thể quan tâm