Hà Nội ngày 2/9/1945 là một ngày ngợp trong cờ hoa, biểu ngữ chào mừng sự ra đời của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người tham dự và có bài phát biểu trong ngày Độc lập tại vườn hoa Ba Đình, nhớ lại trong hồi ký Những năm tháng không thể nào quên: "Hà Nội tưng bừng màu đỏ. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Cờ bay đỏ những mái nhà, đỏ những rặng cây, đỏ những mặt hồ".
Quang cảnh lễ Độc lập được tổ chức tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập"
Trung tâm của ngày Độc lập tại Hà Nội là vườn hoa Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, nơi bản Tuyên ngôn độc lập được vang lên tuyên bố trước quốc dân và thế giới nền độc lập của nước Việt Nam mới.
Tiến trình lễ Độc lập ngày 2/9/1945 tại Ba Đình được báo chí thời đó ghi lại, tường thuật chi tiết, như báo Đông Phát số 6107, ra ngày 2/9/1945 có bài "Chương trình chính thức cuộc 'mít tinh' và biểu tình tại Hà Nội", "Thề Độc lập"; Báo Sài Gòn số 17.022, ra ngày 3/9/1945 có bài "Quốc dân Việt Nam nhơn ngày lễ mừng Việt Nam độc lập tuyên thệ kiên quyết ủng hộ Chánh phủ lâm thời"; báo Nước Nam số 282, ra ngày 8/9/1945 có bài "Ngày Độc lập tại Hà Nội".
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh in trong sách Trang sử mới do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản năm 1945. |
Trong chương trình lễ Độc lập tại Ba Đình, đại diện nhiều tổ chức, đoàn thể và quốc dân thực hiện lời phát biểu, đọc diễn văn. Trong đó, tinh thần đoàn kết, kiên quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được là mẫu số xuyên suốt của các bài phát biểu.
Báo Nước Nam số 282 thông tin 14h30 lễ chào cờ được cử hành trang nghiêm. Vào lúc 15h, "Hồ Chủ tịch ngỏ lời chào quốc dân và tuyên bố nền độc lập hoàn toàn của nước Việt Nam" với bản Tuyên ngôn độc lập.
Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn quyền con người, quyền dân tộc từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791. Đồng thời lên án sự xâm lược, đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật đối với nước ta. Tuyên ngôn độc lập nêu bật chiến thắng của nhân dân ta lật đổ Pháp, Nhật và chế độ quân chủ chuyên chế, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước toàn thể quốc dân và thế giới nền độc lập của nước Việt Nam mới cùng quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được với lời lẽ đanh thép: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Quốc dân "nhất tâm đoàn kết" bảo vệ nền độc lập
Sau phần phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị bộ trưởng của Chính phủ lâm thời đứng quanh Người tuyên thệ trước quốc dân. Lời thề này được báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5/9/1945 đăng toàn văn trên trang nhất, thể hiện rõ tinh thần quyết tâm giữ vững nền độc lập của Tổ quốc:
"Chúng tôi sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản Chương trình của Việt Minh, đang mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ".
"Sau đó ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ nói về tình hình trong nước, và tình hình ngoại giao", báo Nước Nam số 282 tường thuật. Diễn văn của vị đại diện Bộ Nội vụ, được in trang trọng toàn văn trong sách Trang sử mới ngay trong năm 1945 để thông tin rộng rãi tới toàn dân.
Trong diễn văn này, nhà quân sự Võ Nguyên Giáp khái lược hoạt động của Mặt trận Việt Minh; nêu bật ba nguyên nhân chính dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng tám; trình bày những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, kinh tế, tài chính, văn hóa... Từ đó, diễn văn kêu gọi tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết một lòng của toàn dân "chúng ta phải tự lo liệu để định đoạt lấy số phận của chúng ta".
Kết thúc diễn văn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp khẳng định quyết tâm: "Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp, tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao năm lầm than kiệt quệ".
Trong bài phát biểu tiếp sau đó, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu thông tin về hành trình vào Huế, lễ thoái vị của vua Bảo Đại cũng như cựu hoàng sẽ là một trong những vị cố vấn của chính phủ mới. Để phấn đấu cho một nền dân chủ chân chính của toàn dân, vị Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cũng kêu gọi sự đoàn kết của quốc dân: "Toàn dân đoàn kết muôn năm! Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm".
Là người phát biểu tiếp theo lúc 15h30, đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng "hô hào đồng bào nên đoàn kết chặt chẽ để xây dựng nền độc lập của Tổ quốc" (Nước Nam số 282).
Lễ đài tổ chức ngày Độc lập nơi vườn hoa Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. Ảnh: TTXVN. |
Ông Nguyễn Lương Bằng nêu rõ nền độc lập vừa mới giành được "hãy còn đương mong manh lắm. Giành chính quyền là một việc khó. Nhưng giữ vững chính quyền lại càng khó hơn". Kẻ thù chính được xác định là thực dân Pháp muốn áp đặt sự đô hộ lên nước ta một lần nữa, vì thế khẩu hiệu, phương châm hành động lúc này là "đoàn kết, phấn đấu, củng cố nền độc lập".
Biểu thị sự ủng hộ, đoàn kết cùng Chính phủ lâm thời giữ gìn nền độc lập, toàn thể quốc dân tham dự lễ Độc lập tiến hành tuyên thệ. Trên báo Cứu quốc số 36, lời tuyên thệ được ghi toàn văn:
"Chúng tôi toàn thể dân Việt Nam xin thề: kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin thề!
Chúng tôi xin thề: cùng chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng. Xin thề!
Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề: Không đi lính cho Pháp; Không làm việc cho Pháp; Không bán lương thực cho Pháp; Không đưa đường cho Pháp. Xin thề!".
Sau phần tuyên thệ của quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần nữa phát biểu, khuyên đồng bào "nhất tâm đoàn kết" giữ vững nền độc lập của nước Việt Nam mới.
Buổi lễ kết thúc với tinh thần ái quốc sôi nổi của toàn thể quốc dân quyết giữ gìn, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Ngày 2/9/1945 về sau trở thành ngày lịch sử, ngày vui của toàn dân tộc, cũng là sự kiện thể hiện ý chí, sức mạnh của sự đoàn kết quyết tâm của nhân dân ta.