Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dám tiến lên trong ngành kinh doanh mới

Huyền thoại về thành công được viết nên bởi những người biết biến cơ hội thành giá trị của riêng mình.

Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển, nên mỗi khi mở ra một ngành kinh doanh mới thì nhu cầu lại nở rộ. Tất nhiên thời nay đã khác, Hàn Quốc đang trong giai đoạn chững lại nên sẽ không dễ gì để bắt đầu một ngành kinh doanh mới.

Nhưng cũng không hẳn là như vậy. Trong thời kỳ đang phát triển trước đây cũng đã có rất nhiều người thất bại trong kinh doanh. Còn thời nay, dù trong cuộc khủng hoảng tiền tệ IMF, vẫn có nhiều công ty liên doanh khai phá một lĩnh vực mới và đạt được thành công vang dội.

Có vẻ như vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta đang ở thời nào, mà điểm mấu chốt là phải nắm được cái mà thời đại và con người trong thời đại ấy đang cần là gì, từ đó mới bắt tay vào công việc kinh doanh. Vậy điều gì đã khiến các bậc thầy kinh doanh dám “Tiến lên!” trong những ngành kinh doanh hoàn toàn mới?

Trước hết, Chung Ju-yung đã thích ứng được với chính sách của người nắm quyền quyết định và bước vào ngành kinh doanh mới. Nghĩa là ông đặt canh bạc vào một ngành mà Park Chung-hee đang ủng hộ hết mình.

Những nhân viên bình thường cũng giống như vậy, họ phải tìm cơ hội của mình trong các công việc mà CEO của họ mong muốn và tích cực thúc đẩy. CEO cũng là con người nên họ cũng gặp khó khăn khi thực hiện những chiến lược mà mình quyết tâm theo đuổi. Những lúc như vậy, họ sẽ được tiếp thêm dũng khí nếu có các nhân viên biết cùng họ trăn trở, đề xuất các giải pháp.

Một lý do khác khiến Chung Ju-yung có thể bước vào những ngành mới chính là cách ông nhận thức về nguy cơ, khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ nổ ra ngay sau khi ông xây xong xưởng đóng tàu khiến các khách hàng không chịu nhận tàu, công ty bị đẩy vào tình thế khó khăn về tài chính.

Bo ba xuat chung anh 1

Chung Ju-yung, nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai. Nguồn: VOH.

Trước tình hình ấy, ông vẫn tìm được cơ hội ngay trong tâm khủng hoảng, đó chính là Trung Đông. Tương tự, cách nhìn nhận của một nhân viên về khó khăn sẽ quyết định thành quả của anh ta.

Nếu nhận thức tích cực, anh ta đương nhiên sẽ hành động theo hướng đương đầu với thử thách mới, bằng không sẽ trở nên an phận với thực tại. Đây cũng là lý do khiến các CEO luôn hướng nhân viên của mình nhận thức tích cực về nguy cơ và khủng hoảng.

Khác với Chung Ju-yung, Lee Byung-chul lại có mối hiềm khích với Park Chung-hee. Nhưng ngay cả trong bối cảnh ấy, ông vẫn chấp nhận đương đầu với thử thách mới trong ngành công nghiệp điện tử. Nếu ông luôn nghĩ đằng nào cũng vấp phải sự phản đối của Park Chung-hee thì làm sao có được Samsung như ngày nay.

Ông vẫn cố gắng tìm cơ hội, bất chấp mối bất hòa với tổng thống và trở ngại từ phía ông thông gia Koo In-hwoi đang hoạt động trong ngành này.

Lee Byung-chul đã giành được tấm vé bước vào ngành công nghiệp điện tử nhờ dựa vào mong muốn của Park Chung-hee, đó là xuất khẩu. Ông cũng giải quyết vấn đề một cách lý tính thay vì cảm tính trước mối quan hệ với gia đình thông gia.

Trong một tổ chức, mọi việc cần được ưu tiên giải quyết bằng lý trí. Ngược lại, phong cách kinh doanh của Koo In-hwoi có thể gây cho mọi người cảm giác “tùy hứng”, nhưng thật ra không phải như vậy.

Nhìn ở một góc độ khác, chúng ta sẽ thấy được khả năng phán đoán bằng trực giác hơn người của ông. Ông bước vào lĩnh vực mỹ phẩm vì trực giác mách bảo ông rằng phụ nữ luôn khao khát hướng đến cái đẹp, tham gia vào lĩnh vực nhựa vì ông nhận thấy người dân muốn dùng các loại nhu yếu phẩm đơn giản và tiện lợi, tiến vào ngành chế tạo radio vì trực giác mách bảo ông rằng mọi người đang khao khát sở hữu những phương tiện giải trí mới ngoài báo và tạp chí.

Nói cách khác, Koo In-hwoi dùng trực giác để nhận diện thứ mà những người sống trong từng thời đại đang cần, rồi tiên phong bước vào lĩnh vực ấy. Đó cũng là khởi nguồn để ông tiên phong khai phá ngành công nghiệp nhựa và điện tử.

Jung Hyuk June / Alpha Books & NXB Thế giới

SÁCH HAY