Đã bao nhiêu lần bạn chứng kiến đồng nghiệp sa lầy vào những thứ không liên quan gì đến nhiệm vụ cốt lõi, làm tiêu tốn thời gian đáng lẽ họ có thể cống hiến cho công việc “thực sự” của mình? Đã bao nhiêu lần bạn thấy đồng nghiệp “bị tình nguyện” cho một “thử thách thú vị mới” chẳng ai muốn đảm nhiệm? Đã bao nhiêu lần bạn nhìn đồng nghiệp ngập đầu trong đống giấy tờ mà ai đó không thể xử lí? Đã bao nhiêu lần bạn chính là người đồng nghiệp đó?
Rất dễ bị sa vào cái bẫy nói “có” quá nhiều. Con người thích cảm giác được cần đến. Cuộc sống hàng ngày trở nên có ý nghĩa khi biết rằng bằng một cách nào đó chúng ta đã giúp đỡ người khác, và tạo nên sự khác biệt.
Nó thậm chí còn trở thành nền tảng của lời khuyên dành cho những người trẻ khi mới bắt đầu sự nghiệp: Khi bước chân vào, hãy khiến mình trở nên có ích, hãy làm cho quản lí không thể tưởng tượng ra cuộc sống ở đó nếu không có bạn. Có sự khác biệt lớn giữa việc tình nguyện tham gia một dự án để phát triển những kĩ năng mới và bị đùn đẩy việc tổ chức tiệc Giáng sinh cho văn phòng hết năm này qua năm khác. […]
Nói “không” sẽ giúp đặt ra ranh giới cho những người xung quanh. Nguồn: complianceandethics. |
Sự thực là khi đồng ý với yêu cầu của người khác, bạn đang nói “không” với chính nhu cầu của bản thân. Không tập trung vào nhiệm vụ của mình, không phát triển những kĩ năng mới, cần thiết hơn, không sẵn sàng cho các cơ hội có thể mang đến những thử thách thú vị trong tương lai.
Cũng giống như việc áp dụng tinh thần tối giản vào ngôi nhà sẽ giải phóng năng lượng bị trói chặt trong đống lộn xộn, áp dụng triết lí tối giản trong công việc - tức là tập trung vào điều thiết yếu, loại bỏ tất cả sự dư thừa - sẽ giúp bạn lấy lại mục tiêu trọng tâm.
Hãy tin vào giá trị và khả năng của bản thân. Nhiều người e ngại việc nói “không” với các yêu cầu: Họ cảm thấy mình sẽ bị coi là “không có tinh thần tập thể”, “không sẵn sàng cố gắng thêm một chút”.
Nhưng nếu bạn chăm chỉ làm công việc cốt lõi của mình, bạn đã là người có tinh thần tập thể; đã cố gắng thêm một chút. Và khi chăm chỉ làm việc, bản thân bạn cũng đã có một danh sách dài các nhiệm vụ cần hoàn thành mỗi ngày.
Nói “không” sẽ giúp đặt ra ranh giới cho những người xung quanh. Chúng ta thường nghĩ về ranh giới theo cách tiêu cực, như là một thứ giam giữ, giới hạn sự phát triển.
Nhưng ranh giới định nghĩa các mối quan hệ và bồi đắp sự tôn trọng giữa con người với con người. Hãy suy nghĩ về dụng ý của câu nói: “Hàng rào tốt tạo nên những người hàng xóm tốt”. Những hàng rào đem đến sự rõ ràng, chia ra chỗ đứng của mọi người. Sự rõ ràng sẽ dẫn đến sự tôn trọng lẫn nhau, đó là nền tảng của những mối quan hệ tốt trong công việc.
Đương nhiên, nói “không” một cách rõ ràng, đơn giản là một sự lựa chọn. Nhưng nếu bạn cảm thấy từ này quá khó khăn để thốt lên, tại sao không thử cách khác?
Kiên quyết nói: “Rất sẵn lòng nhưng tôi đang ngập đầu trong công việc!” cũng là một cách để truyền đi thông điệp.
Quan trọng là bạn phải cảm thấy thoải mái khi từ chối những yêu cầu. (Nếu không người đưa ra yêu cầu sẽ cảm nhận được bạn không thật lòng với câu trả lời, và kiên trì nhờ vả cho đến khi bạn đồng ý!).
Bởi vậy hãy nhớ rằng bạn không nói “không” với bản thân người đó, một chữ “không” không phản ánh mối quan hệ của bạn và họ. Bạn đang nói “không” với sự bào mòn chất lượng cuộc sống. (Nếu yêu cầu đó đến từ một đồng nghiệp thân thiết với bạn, có lẽ nói rõ những điều trên sẽ khiến bạn thấy thoải mái hơn).
Bạn cũng nên chú ý đến sự đánh đổi: Tự nhắc bản thân rằng bạn nói “Không” để tập trung làm tốt nhiệm vụ của mình; để sẵn sàng cho buổi thuyết trình ngày mai; để có thể huy động 100% năng lực. Nếu cần thiết, hãy tự nhủ, người đưa ra yêu cầu cũng có sự lựa chọn của họ, và khả năng là họ sẽ tìm được một người sẵn sàng làm điều đó.
Chấp nhận rằng nói “không” có thể khiến chúng ta không được yêu thích tại thời điểm đó - nhưng một lời từ chối rõ ràng, tinh tế ngay từ đầu có thể là món quà tuyệt vời nhất cho cấp trên của bạn.
Thông thường, nói “không” cũng là cách để đối xử tốt hơn với bản thân mình trong tương lai. Khi còn trẻ, tôi rất dễ đồng ý làm việc muộn cho một dự án. Tôi vẫn độc thân, và chẳng có gì phải đánh đổi - tôi không phải đón con từ nhà trẻ, không phải về nhà để chăm sóc người lớn tuổi.
Tuy nhiên, vì dễ dàng đồng ý, tôi luôn quên rằng mình đã phát điên một cách thầm lặng trong văn phòng yên tĩnh, tình nguyện làm việc đó ngoài giờ mà chẳng được trả lương.
Một phần của sự trưởng thành là hiểu rõ bản thân và tránh những tình huống khiến bạn tức giận, hoặc cảm thấy mình đang bị lợi dụng. Trong cuộc sống, đã có quá nhiều lúc chúng ta chẳng thể kiểm soát tình hình - nếu có cơ hội để loại bỏ cảm giác bực tức với chính bản thân, hãy đón nhận nó.
Chúng ta cần sớm nhận định giới hạn của bản thân. Giới hạn của bạn là “Tôi sẽ không làm việc quá 7 giờ tối”? Vậy ngay từ đầu hãy làm rõ điều này với đồng nghiệp. Giới hạn của bạn là: “Tôi sẽ không chấp nhận những cuộc gọi liên quan đến công việc vào cuối tuần”? Hãy để mọi người trong phòng biết rõ điều này, có thể chỉ bằng một cuộc nói chuyện với sắc thái bè bạn.
Nếu bạn thường xuyên bị yêu cầu phải làm thêm, thì hoặc công ty đang thiếu nhân sự hoặc một vài đồng nghiệp không thể đảm nhiệm khối lượng công việc của họ. Nếu phải ngụp lặn trong đống nhiệm vụ tăng thêm hết tuần này đến tuần khác, vai trò của bạn trong công ty đã thay đổi và ban quản lí cần phải nhận thấy trách nhiệm ngày càng nhiều lên của bạn.
Đúng là trong một vài môi trường làm việc, lập trường này có vẻ là một ván cược lớn. Nhưng thậm chí nếu nói “không” một cách thẳng thắn có vẻ quá khó khăn, hãy thử nói chuyện cởi mở với quản lí về vai trò của bạn, đưa ra những câu hỏi về chuyển giao trách nhiệm ở nơi làm việc.
Ít nhất bạn cũng sẽ cảm thấy tốt hơn vì đã đặt ra vấn đề, và hy vọng là đã khiến sếp lưu ý rằng bạn không phải là một bánh răng có thể lắp vào bất cứ vị trí nào trong bộ máy công ty. Tuy nhiên, nếu cuối cùng bạn vẫn cảm thấy cấp trên không tôn trọng khả năng của mình, có lẽ đã đến lúc suy nghĩ lại về tương lai lâu dài của bạn với công ty ấy.
Nhiệm vụ, sếp, kể cả công việc đều là những thứ đến và đi. Cuối cùng, cam kết lớn nhất của bạn vẫn là với chính bản thân, và dự án có ý nghĩa nhất phải là mang đến cho mình một tương lai hạnh phúc.