Sách Bùa chú của tác giả Trần Lang - bút danh của nhà văn trinh thám nổi tiếng Phạm Cao Củng - là một cuốn sách tuyển tập sơ lược các dạng bùa chú mà người Việt sử dụng, được lưu truyền trong dân gian ở nửa đầu thế kỷ trước.
Làm cho người khác yêu mình
Theo chia sẻ của tác giả, lý do ông viết cuốn sách này là bởi bùa chú (còn gọi là pháp thủy, hoặc phù thuật) - một trong số nhiều tri thức văn hóa cổ truyền của người Việt - là thứ dễ bị thất truyền mai một. Bởi như nhiều tín ngưỡng dân gian khác bùa chú chỉ được lưu truyền theo phương thức khẩu truyền tâm thuật hoặc bí truyền.
Bên cạnh đó, môn khoa học huyền bí vốn có gốc từ đạo Lão này ở thời điểm đó đang bị khoa học phương Tây tràn lấn, hầu như bị đàn áp. Mặt khác, sách viết về tín ngưỡng này rất ít, ngoài mấy cuốn viết sơ lược còn truyền lại như Vạn pháp quy tông, Thần thư yếu lý, Phù pháp cao môn, Pháp đàn dẫn giải…
Tác giả cũng cho biết, ông viết cuốn sách còn nhằm mục đích giúp cho những người quan tâm đến bộ môn này một vài phương pháp thực hành, hoặc có thể dùng làm việc lợi ích, hoặc dùng làm trò chơi giải trí. Thứ nữa, giúp những người xưa nay vẫn tin cậy khoa học pháp thủy có chút kiến thức về bùa chú và những ngụy thuật, để tránh bị những kẻ bất lương lợi dụng, lừa dối. Ngoài ra, thông qua cuốn sách, ông còn muốn giúp cho những ai quan tâm đến khoa học huyền bí Á Đông có một chút tài liệu để xét nghiệm và khảo cứu.
Với tinh thần như vậy, trong cuốn sách Phạm Lang đã giới thiệu 36 phép / thuật (phân bổ trong các phần của cuốn sách) có thể ứng dụng và thực hành được (tác giả chỉ cách làm chứ không giải thích cắt nghĩa từng phép). Trong số này, ngoài những phép như giúp đàn bà vượt cạn khi sinh, giúp chữa hóc xương, làm cho gió yên, ngày đi nghìn dặm, cầu tài hay phép giả trá mà những kẻ giang hồ tà đạo đeo lốt phù pháp dùng để lừa gạt, thì có khoảng bảy phép liên quan đến chuyện luyến ái (bùa yêu) được lưu truyền trong dân gian ngày trước.
Trong phần thứ nhất cuốn sách có tên Phù pháp môn, tác giả Trần Lang đã giới thiệu các loại bùa yêu sau: Cây chuối chát (phép làm cho người khác yêu mình); Bùa thương (bùa thuốc mục đích cốt để cho người khác yêu thương mình); Hồng hoa pháp bảo (luyện bùa từ hoa hồng, làm cho một người mê và trở thành ý trung nhân)...
Theo tác giả, đây là những phép giản dị, không cần cúng lễ, chỉ cần vẽ một đạo bùa, hoặc đọc một bài thần chú là có thể khiến hiện được nhiều việc lạ lùng trước mắt, ai cũng có thể thực hiện được.
Chẳng hạn như phép Cây chuối chát, cách làm là lựa chọn trong vườn một cây chuối chát, cao độ một thước tây, tàu lá xum xuê, thân cây tươi tốt. Chọn đêm mùng một đầu tháng, đêm khuya, thức dậy lúc nào không nói với ai hết, lập tức thẳng hướng cây chuối mà đến.
Khi còn cách độ 30 phân, thì nói mấy câu sau: “Tôi yêu trộm nàng, tôi thương mến nàng nhất, tôi nguyện cùng nàng kết tóc trăm năm, vậy xin nàng đoái tưởng đến tôi”. Nói đoạn, lấy tay vuốt ve và kề hôn nó rồi vào ngủ. Từ đó đến sau, cứ ăn bất cứ món gì, cũng giả đem mời nó xơi, hay đi đâu cũng âu yếm mà nói “Mình ở nhà, tôi đi một lát về ngay”.
Hãy kiên tâm luyện hàng ngày như vậy chừng nào cây chuối trổ lên một cụt, nhỏ, thì tối phải kê giường nằm ở cạnh vài ngày nó trổ (khi trổ cả tàu đều rung ào ào) lập tức lấy thau hứng dưới gốc chờ nó nổ một tiếng “bộp” giọt nước rơi xuống, thì phải mau lấy tay hứng lấy rồi đem trút vào lọ.
Chỉ có thế là phép đã luyện xong, khi mình muốn cho ai để ý đến mình, thương yêu mình, chỉ còn phải lấy nước đó mà chế vào nước uống, vào cơm ăn, làm sao cho người ấy nuốt vô bụng, thế là từ hôm sau, người đó sẽ yêu thương mình một cách nồng nàn không bao giờ phai lạt.
Khiến cho người đẹp lòng ham ý mến
Ở Phần thứ 2 có tên Lục giáp viên quang đàn pháp, tác giả giới thiệu phép Mộng trung tương hội và phép Mỹ nhân tự lai.
Mộng trung tương hội là phép làm cho hai người (thương mến nhau, nhớ nhau, nhưng ít khi gặp, hoặc gặp sự trở ngại, nên khó gặp nhau) được gặp nhau trong mộng, và cả hai đều cùng mộng như nhau.
Nếu như Mộng trung tương hội là phép làm cho hội ngộ ở trong mộng, thì phép Mỹ nhân tự lai lại làm cho náo động lòng sở mộ của người đẹp khiến cho lòng ham ý mến, tự nhiên không lại không được.
Về cách làm, tác giả cho biết đây là những phép rất huyền bí, kỳ lạ, muốn thực hành cần lập đàn trá, hoặc đã biết nhiều về môn pháp thủy.
Chẳng hạn như phép Mỹ nhân tự lai bên cạnh việc lấy một nắm đất nhỏ ở chỗ người đàn bà nằm gọi là giao phúc thổ, dùng bốn ngón tay để lên chiếc đài nhỏ, tay phải cầm bút son viết tên họ người đàn bàn trên đó, rồi đặt lên án thần Lục Giáp. Tiếp đó là sử dụng ấn, quyết, niệm chú để luyện phép… Luyện như thế sau 49 ngày, mới đem đất phép ấy, nấu với nước sạch, tắm gội cho đến hết…
Tóm lại, với những ghi chép sơ lược các dạng bùa chú nói chung và bùa yêu nói riêng, được lưu truyền trong dân gian ở nửa đầu thế kỷ trước, sách Bùa chú không chỉ cung cấp những thông tin vừa có yếu tố học thuật lại vừa mang tính giải trí cao. Có thể nói, đây là nguồn tư liệu khá thú vị cho những ai quan tâm đến khoa học huyền bí Á Đông và tín ngưỡng dân gian xưa của người Việt.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Theo Malinowski, nghiên cứu công thức của ma thuật cho thấy có ba yếu tố đặc trưng gắn với tính hiệu quả của ma thuật và bùa chú như sau:
Ma thuật, bùa chú và tục Việt vu kê bốc trong tín ngưỡng dân gian
"Ma thuật" và "bùa chú" là những từ ngữ mà hầu hết chúng ta đều biết đến nhưng để hiểu và hiểu rõ như cách làm của GS Kiều Thu Hoạch là điều ít người làm được.
Ma thuật trong tín ngưỡng nguyên thủy
Cùng việc thực hành các ma thuật, bùa phép về động vật, việc sùng bái cây cối cũng giữ một vai trò quan trọng trong các nghi thức ma thuật và bùa chú.