Một binh nhì người Anh tha mạng Hitler
Binh nhì Henry Tandey. Ảnh: History |
Ngày 28/9/1918, khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất sắp kết thúc, các binh sĩ Anh tấn công quân Đức để chiếm một cầu dẫn tới một thị trấn mà quân Đức kiểm soát. Henry Tandey, một binh nhì, trúng đạn nên tìm một chỗ an toàn để nghỉ ngơi. Đột nhiên anh thấy một người lính Đức chạy ra từ lùm cây rồi trốn.
Tandey định bắn nhưng rồi lại hạ súng khi anh nhận ra rằng người lính Đức kia bị thương. Binh sĩ Đức may mắn ấy chính là Adolf Hitler. Khi ấy y mới 29 tuổi. Hitler nhìn về phía Tandey, gật đầu để cảm ơn rồi biến mất.
Để ngăn chặn sự bùng nổ của chiến tranh với Đức vào năm 1938, Thủ tướng Neville Chamberlain của Anh tới Đức để gặp Hitler. Quốc trưởng Đức mời Chamberlain tới biệt thự của y tại Berchtesgaden ở Bavaria. Y trang trí biệt thự bằng nhiều tác phẩm hội họa Đức. Tranh chân dung binh sĩ Tandey là một trong số những tác phẩm ấy và nó thu hút sự chú ý của Chamberlain.
Khi thủ tướng Anh hỏi Hitler về bức tranh, y trả lời: "Người đàn ông đó chuẩn bị bóp cò và tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ thấy tổ quốc nữa. Nhưng bề trên đã cứu tôi khỏi phát đạn chính xác của người lính Anh ấy".
Hitler yêu cầu Chamberlain cảm ơn Tandey vì đã tha mạng ý. Sau khi về nước, Chamberlain đã gọi điện thoại tới nhà Tandey để chuyển lời cảm ơn của Hitler.
Vào năm 1940, một người hỏi Tandey về lòng trắc ẩn lúc ấy. Ông nói rằng: “Tôi không thích bắn người đang bị thương. Nhưng nếu tôi biết y sẽ trở thành kẻ gây ra Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, tôi sẽ bóp cò. Khi nhìn những trẻ em và phụ nữ chết bởi sự tàn bạo của Hitler, tôi thấy day dứt vì đã để y sống".
Tai nạn ôtô của Hitler
Adolf Hitler xuất hiện trước công chúng Đức trong một sự kiện. Ảnh: History |
Theo ông Otto Wagener, một cố vấn cấp cao về kinh tế và các vấn đề chung của Đảng Quốc xã, Hitler từng suýt chết trong một tai nạn ôtô.
Ngày 13/3/1930, một xe bán tải kéo rơ mooc loại lớn đâm trúng xe Mercedes của Hitler. Người lái xe tải kịp đạp phanh để dừng xe trước khi nó đâm vào ôtô đang chở nhà độc tài tương lai. Wagener cũng ngồi trên xe lúc đó.
6 tháng sau, Hitler và Đảng Quốc xã nắm quyền ở Đức. Sau vụ tai nạn, không ai biết thông tin gì về người lái xe tải hôm ấy. Nếu chỉ đạp phanh chậm một giây, anh ta đã có thể ngăn Hitler nắm quyền hay tối thiểu là khiến ông ta bị thương, một yếu tố có thể gây hậu quả xấu đối với sự nghiệp của ông ta.
Một đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm do Hitler ký liên quan đến vụ hư hại chiếc Mercedes của ông ta xuất hiện trên trang eBay vào năm 2000. Người bán quả quyết rằng một công ty bảo hiểm của Đức phát hiện ra tờ đơn sau 70 năm từ khi người ta nộp nó.
Tự tử vì thất bại
Đôi bạn Ernst "Putzi" Hanfstaengl và Adolf Hitler. Ảnh: History |
Mặc dù Hitler theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Ernst Hanfstaengl (biệt danh là “Putzi”), một người Đức từng tốt nghiệp Đại học Harvard lừng danh và cô vợ Hellen, một người Mỹ, là những người bạn thân thiết của y trước khi cựu binh thời Thế chiến I trở thành Quốc trưởng Đức. Hai người gặp Hitler lần đầu tiên khi họ chuyển từ New York tới Munich vào năm 1921.
Ngay từ khi nghe Hitler diễn thuyết trong một nhà hàng bia ở Munich lần đầu tiên, hai người đã cảm thấy ấn tượng bởi lời lẽ quyết liệt và hùng hồn của anh ta. Sau đó Hitler trở thành người bạn thân thiết của Putzi và Hellen. Thậm chí ông ta còn thường xuyên thăm căn hộ của hai người. Họ cùng tham gia cuộc bạo loạn ở nhà hàng bia - một sự kiện đảng Quốc xã gây nên nhằm giành chính quyền tại Đức, nhưng thất bại.
Sau đó, 3 người trốn về nhà của Putzi ở bên ngoài thành phố Munich. Tại đây, Hitler trở nên quẫn trí vì y sẽ đối mặt với các cáo buộc về tội phản quốc. Hitler tuyên bố: “Bây giờ mọi thứ đã mất, tôi không còn lý do để sống tiếp”. Sau đó y lao tới chỗ khẩu súng trong một tủ gần đấy. Tuy nhiên, trước khi Hitler kịp bóp cò, Hellen chộp cánh tay y và tước khẩu súng.
Cảnh sát nhanh chóng bao vây ngôi nhà. Họ lục soát rồi đưa Hitler về đồn.